Nhiều trường thiếu GV, 2-3 thầy cô cùng dạy môn tích hợp

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô phân công giáo viên dạy liên trường để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên dạy các môn học mới trong chương trình GDPT 2018.

Năm học 2024 - 2025 đánh dấu việc triển khai đồng bộ của chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên tất cả các cấp học. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới. Vấn đề thiếu giáo viên ở môn học mới, 2-3 giáo viên cùng dạy một môn xảy ra ở nhiều trường, đặc biệt là với những cơ sở giáo dục ở vùng huyện đảo xa xôi như Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh).

Chưa có giáo viên đào tạo đúng chuyên môn của môn học mới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Văn Quang - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô cho biết: "Đối với các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, ví dụ như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, chúng tôi cơ bản có đủ đội ngũ để đáp ứng nhu cầu dạy học.

Tuy nhiên, các trường trung học cơ sở chưa có giáo viên chuyên trách, được đào tạo bài bản để dạy 2 môn học này. 1 môn học nhưng hiện đang có 2, 3 giáo viên tham gia giảng dạy theo phân môn được đào tạo.

Ngoài ra, với môn Nghệ thuật, hiện nay chúng tôi cũng gặp khó khăn trong vấn đề nguồn tuyển giáo viên. Theo quy định của Luật Giáo dục, giáo viên dạy cấp tiểu học phải đạt trình độ đại học. Tuy nhiên, khi tiến hành rà soát, số giáo viên ra trường có chuyên môn Âm nhạc, Mĩ thuật trên địa bàn mới đạt trình độ cao đẳng, chưa đảm bảo theo yêu cầu của quy định.

Hàng năm, Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh tổ chức các hội nghị, tập huấn chuyên môn. Với những giáo viên chưa đạt chuẩn chúng tôi tạo điều kiện để giáo viên đi học, hoàn thiện trình độ đại học theo quy định".

 Ông Đỗ Văn Quang - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô. Ảnh: NVCC.

Ông Đỗ Văn Quang - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô. Ảnh: NVCC.

Thầy Trần Văn Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Tiến (Cô Tô) thông tin, Nhà trường có đầy đủ số lượng giáo viên cũng như đạt chuẩn trình độ đại học để giảng dạy các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đa phần đội ngũ của Trường Trung học cơ sở Đồng Tiến đều là giáo viên trẻ, nhiệt huyết, có khả năng thích ứng nhanh chóng với đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Hằng năm, nhà trường cử đầy đủ giáo viên tham gia các buổi tổ chức tập huấn chuyên môn do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Sau đó, tiếp tục triển khai rộng đến toàn bộ giáo viên trong các tổ. Trường Trung học cơ sở Đồng Tiến cũng được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ dạy học như máy tính, máy chiếu, mạng internet ổn định.

Tuy nhiên, khó khăn Nhà trường gặp phải là chưa có giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn Khoa học Tự nhiên hay Lịch sử và Địa lý. Bất cập trong trình độ đào tạo cũng ảnh hưởng đến việc giảng dạy các môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thầy Bình nêu ý kiến: “Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán đến việc đủ giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn cho các bộ môn mới.

Hiện tại, chúng tôi đang sắp xếp giáo viên giảng dạy theo phân môn. Một môn học nhưng có đến 2, 3 giáo viên cùng đảm nhận. Kể cả với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chúng tôi cũng đang phân giáo viên phù hợp để dạy theo từng chủ đề, không có giáo viên chuyên trách".

Cùng chung vấn đề thiếu giáo viên, cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Tiểu học Thanh Lân (Cô Tô) nói: "Tôi đánh giá chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới tích cực. Tuy nhiên, đi cùng với đó cần có điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ.

Đối với Trường Tiểu học Thanh Lân, hiện nay thiết bị dạy học chưa được đồng bộ và vẫn thiếu giáo viên giảng dạy và chưa có nguồn để tuyển dụng.

Các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 như Ngoại ngữ (bắt buộc giảng dạy cho học sinh từ lớp 3) nhà trường có đủ giáo viên để giảng dạy cho các em 4 tiết/tuần nhưng khó khăn với học sinh ở điểm trường đảo Trần - nơi xa xôi nhất.

Việc học ngoại ngữ của học sinh tại điểm trường này được thực hiện bằng hình thức trực tuyến nhưng do không có đủ thiết bị để học tập nên giáo viên phải hỗ trợ các em".

Cô Nguyễn Thị Diên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cô Tô (Cô Tô) nhận định, các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp học sinh được phát triển toàn diện nhưng vấn đề đối ngũ đã và vẫn đang gây khó khăn lớn trong việc thực hiện.

Nguồn tuyển tại chỗ ở huyện Cô Tô khan hiếm, chính sách hỗ trợ chưa thu hút được giáo viên từ nơi khác đến. Các nhà trường hiện tại đang phải vận dụng nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo cho 100% học sinh được học 2 buổi/ ngày và học đủ các môn học theo quy định.

Hiện tại, Trường Tiểu học thị trấn Cô Tô vẫn thiếu giáo viên để đáp ứng việc giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước mắt, Nhà trường ký hợp đồng lao động với các giáo viên đồng thời tính toán đề xuất chỉ tiêu thi tuyển biên chế.

 Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cô Tô. Ảnh minh họa: NTCC.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cô Tô. Ảnh minh họa: NTCC.

“Ví dụ, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn tiếng Anh được triển khai bắt buộc cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Hiện tại, chúng tôi có 10 lớp nhưng chỉ có 1 giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh. Chỉ dạy 3 lớp, giáo viên đã quá tải. Nếu dạy thêm, nhà trường cũng không có quỹ lương để chi trả cho giáo viên.

Nếu muốn triển khai việc dạy môn mới thuận lợi, nhất là với nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 rất cần đầu tư thêm về đội ngũ. Chúng tôi mong muốn có những giáo viên tâm huyết, sẵn sàng phục vụ việc dạy học ở huyện đảo, tăng cường biên chế giáo viên cho nhà trường.

Cũng vì thiếu giáo viên nên chúng tôi cũng không thể tuân theo quy định trong Thông tư 20/2023, tại Khoản 2 Điều 3 có nêu Định mức Vùng 1 là 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu nhưng ở trường có những lớp lên đến 39 học sinh.

Như năm học 2024 - 2025, Nhà trường có kế hoạch tuyển sinh 3 lớp 1 nhưng do không đủ giáo viên nên phải dồn thành 2 lớp gây khó khăn cho việc giảng dạy, kèm cặp học sinh của giáo viên” - cô Diên nói thêm.

Cần có thêm chế độ cho giáo viên, cơ chế tuyển dụng riêng với vùng hải đảo

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô Đỗ Văn Quang cho biết, trong 3 năm trở lại đây, để đảm bảo số lượng đội ngũ giảng dạy ở các môn, Phòng Giáo dục và Đào đạo đã rà soát và phân công giáo viên dạy liên trường với những cơ sở giáo dục thiếu giáo viên bộ môn.

Căn cứ vào số lượng tiết của giáo viên, trên cơ sở vẫn đảm bảo số tiết dạy cho các thầy cô theo quy định. Lãnh đạo phân công giáo viên dạy liên trường với một số bộ môn như tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Thầy Quang thông tin, việc tuyển dụng giáo viên ở Cô Tô do Ủy ban nhân huyện trực tiếp tổ chức trên cơ sở đề xuất của các trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo nên có cũng có những điểm thuận lợi.

Nếu cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục được trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo Khoản 1,2 điều 21, mục 1, chương IV Dự thảo Luật Nhà giáo các trường sẽ chủ động hơn trong việc bảo đảm biên chế giáo viên đứng lớp.

Hiện nay tại Cô Tô đang giao cho các trường được ký hợp đồng với viên chức theo Nghị định 111 phần nào giúp các cơ sở giáo dục đảm bảo số người làm việc theo quy định.

“Cô Tô là huyện đảo, có tính chất đặc thù, để đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên chúng tôi có đề xuất được tuyển dụng hoặc hợp đồng với các giáo viên mới đạt trình độ cao đẳng ở một số môn hiện trên địa bàn không có đủ nguồn tuyển, có môn có nguồn tuyển nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định trong Luật Giáo dục như ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Sau khi tiến hành tuyển dụng, trường hợp trúng tuyển cam kết sau khoảng 3, 4 năm phải thực hiện hoàn thiện đạt chuẩn trình độ theo quy định. Theo tôi, cách thức này sẽ giải quyết được khó khăn thiếu giáo viên với những môn học mới", thầy Quang khẳng định.

Cũng về vấn đề trên, thầy Trần Văn Bình chia sẻ: “Nhằm đáp ứng đầy đủ giáo viên cho các trường trong địa bàn huyện, chúng tôi cũng tiến hành dạy liên trường theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Sau 2 năm các thầy cô sẽ trở về lại cơ sở công tác.

Biện pháp này có thể giải quyết tình thế trước mắt là thiếu do giáo viên, không tuyển được biên chế. Tuy nhiên, cũng sẽ có một số khó khăn trong việc đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ "mũi nhọn" cho nhà trường".

Để gỡ rối cho vấn đề tuyển dụng giáo viên ở huyện đảo, thầy Trần Văn Bình cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét lại định mức biên chế 1,9 giáo viên/lớp đối với cấp trung học cơ sở. Đề nghị tăng định mức lên 2,25 giáo viên/lớp giống bậc trung học phổ thông.

Vì theo Luật Giáo dục, trình độ chuẩn của giáo viên hai cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông là như nhau. Điều này sẽ tạo điều kiện để bổ sung thêm đội ngũ đáp ứng nhu cầu dạy học.

Đồng thời, Bộ cũng nên xem xét quy đổi định mức tính tiết hoặc giờ cho giáo viên làm công tác kiểm định, công tác phổ cập giáo dục, công tác chuyển đổi số.

Những công việc này mất nhiều thời gian trong năm học của giáo viên. Ít nhất mỗi giáo viên phải làm mất 20 ngày trở lên/năm học để hoàn thành nhưng không được quy đổi. Việc có cơ chế hợp lý cũng sẽ khuyến khích, động viên giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Thanh Lân (Cô Tô). Ảnh minh họa: NTCC.

Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Thanh Lân (Cô Tô). Ảnh minh họa: NTCC.

Cô Nguyễn Thị Hiền thông tin, đối với việc giảng dạy môn Tin học, Trường Tiểu học Thanh Lân thường đón nhận các thầy cô từ trường khác đến giảng dạy. Giáo viên được phân công dạy liên trường, từ cấp trung học cơ sở xuống dạy ở cấp tiểu học.

Để ổn định biên chế ở các trường, đảm bảo chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục số lượng giáo viên luân chuyển, điều động là không quá 20%. Hiện nay, huyện Cô Tô đang có kế hoạch thi tuyển giáo viên, nhà trường đang chờ và cũng đề xuất nguyện vọng tuyển dụng được 5 cán bộ, giáo viên.

Cô Nguyễn Thị Diên - Hiệu trưởng Tiểu học thị trấn Cô Tô cho rằng: “Nếu cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục được trực tiếp tuyển dụng nhà giáo như trong Dự thảo Luật Nhà giáo, nhà trường sẽ chủ động, kịp thời giải quyết tình trạng thiếu giáo viên thay vì phải đợi đến đợt tuyển dụng

Bên cạnh đó, cũng cần có thêm cơ chế đặc thù cho giáo viên ở vùng hải đảo. Quay trở lại với câu chuyện môn tiếng Anh, nhu cầu cho con học tiếng Anh của phụ huynh trong đất liền cao, thu nhập hấp dẫn nên nhiều giáo viên ở đảo có xu hướng nghỉ việc, chuyển công tác về đất liền nên không đủ lại càng thiếu giáo viên. Nếu có chính sách tốt hơn sẽ giữ chân và thu hút được giáo viên làm việc tại huyện đảo”.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhieu-truong-thieu-gv-2-3-thay-co-cung-day-mon-tich-hop-post246231.gd