Nhiều ứng dụng từ công nghệ GIS

Tại TPHCM, hệ thống thông tin địa lý (GIS) là nền tảng đang được các ban ngành, địa phương vận dụng, triển khai các ứng dụng liên quan về cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông đô thị, sản xuất kinh doanh…

Quản lý dữ liệu đất đai

Trong dự án triển khai tại quận 12, TPHCM về giám sát trật tự xây dựng bằng công nghệ GIS, nhóm chuyên gia sử dụng máy bay không người lái chụp ảnh với độ phân giải rất cao, khoảng 5cm ở 2 chu kỳ nhằm xây dựng bản đồ không ảnh. Các lớp dữ liệu GIS và công trình xây dựng được thiết kế trùng khớp với bản đồ không ảnh để mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích, xác định biến động tại các thửa đất, làm cơ sở đánh giá vi phạm xây dựng.

Ông Nguyễn Hữu Nhật, Giám đốc Công ty công nghệ iGeo, một đơn vị ứng dụng công nghệ GIS cho biết, cơ quan quản lý đất đai tại quận 12 đã sử dụng thiết bị bay UAV chụp ảnh độ phân giải cao các công trình, sau đó đối chiếu dữ liệu GIS để phát hiện biến động của thửa đất.

Trước đây, chủ công trình xây dựng có thể ngụy trang bằng cách che bạt, quây tôn để đối phó cơ quan chức năng, nhưng tình trạng này có thể phát hiện khi ứng dụng công nghệ GIS, dữ liệu GIS được xây dựng từ các nền dữ liệu về địa hình, thửa đất, công trình xây dựng, quy hoạch, số nhà... do các cơ quan chức năng địa phương cung cấp. Với hình ảnh có độ phân giải cao, cho phép phát hiện sự thay đổi chiều cao tới 0,5m… còn giúp cơ quan xác định vi phạm trật tự xây dựng.

Việc ứng dụng công nghệ GIS đã giúp cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp sai phạm, độ chính xác đến 99%. Đại diện Công ty công nghệ iGeo chia sẻ: “Sắp tới, đơn vị sẽ hướng dẫn cơ quan chức năng địa phương thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng trên nền tảng GIS, thay vì thực hiện thủ công. Sử dụng phần mềm sẽ góp phần giúp địa phương giảm đáng kể tình trạng xây dựng lấn chiếm, sai phép, không phép”.

Nhiều ứng dụng thiết thực

Hệ thống GIS được thiết kế như một hệ thống chung để quản lý dữ liệu không gian, có rất nhiều ứng dụng trong việc phát triển đô thị và môi trường tự nhiên như: quy hoạch đô thị, quản lý nhân lực, nông nghiệp, điều hành hệ thống công ích, lộ trình, nhân khẩu, bản đồ, giám sát vùng biển, cứu hỏa và phòng chống dịch. Trong phần lớn các lĩnh vực nói trên, công nghệ GIS đóng vai trò là công cụ hỗ trợ quyết định cho việc lập kế hoạch hoạt động cho đơn vị ứng dụng công nghệ.

GIS đang được ứng dụng ngày càng nhiều trong các ứng dụng hướng tới xây dựng thành phố thông minh và trong đó, có thể kể đến bộ nền tảng thông tin địa lý với hơn 60 lớp dữ liệu của Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (HCMGIS) thuộc Sở KH-CN TPHCM. HCMGIS đã xây dựng Phần mềm quản lý thông tin khu công nghiệp, được ban quản lý sử dụng để giới thiệu đến nhà đầu tư các thông tin của khu công nghiệp từ tổng thể đến chi tiết.

Hay hệ thống quản lý vùng sản xuất rau xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý và quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố, làm cơ sở triển khai các chiến lược, chính sách và ứng dụng các công nghệ tiên tiến theo hướng xây dựng nền nông nghiệp thông minh và bền vững.

 Cán bộ phường 9, quận 11, TPHCM tập huấn sử dụng giải pháp chuyển đổi số cấp phường được thiết kế dạng WebGIS

Cán bộ phường 9, quận 11, TPHCM tập huấn sử dụng giải pháp chuyển đổi số cấp phường được thiết kế dạng WebGIS

Còn giải pháp chuyển đổi số cấp phường, xã là hệ thống quản lý dữ liệu, điều hành cấp phường, xã được thiết kế dạng WebGIS có khả năng kết nối, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu dịch vụ web. Phần mềm còn hỗ trợ hiển thị thao tác thuận tiện trên các thiết bị di động, có khả năng tùy biến cao trong thống kê, báo cáo…

“Tích cực tham gia vào chiến lược chuyển đổi số của thành phố, HCMGIS đang nghiên cứu, thiết kế và xây dựng nền tảng GIS dùng chung nhằm phục vụ chuyển đổi số cấp huyện trong lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên - môi trường và kinh tế. Nền tảng ứng dụng GIS sẽ thống nhất sử dụng chung cho cấp huyện phục vụ tác nghiệp và hỗ trợ ra quyết định giúp công tác quản lý dữ liệu các lĩnh vực hiệu quả, thống nhất giữa các ngành, rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ chuyên môn của chuyên viên từ đó phục vụ người dân, cộng đồng tốt hơn”, ông Phạm Đức Thịnh, Phó Giám đốc HCMGIS, cho biết.

Theo Sở KH-CN TPHCM, để kết nối và triển khai các ứng dụng GIS tốt hơn, TPHCM đã xây dựng Cổng thông tin địa lý HCMGIS Portal cung cấp nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý, tài liệu và bản đồ trong HCMGIS. Qua đây, các nhà cung cấp dữ liệu, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này có thể tải dữ liệu lên hệ thống, nhập thông tin và biên tập hiển thị dữ liệu.

Song song đó, người dùng có thể linh hoạt khai thác dữ liệu, xem dữ liệu, chồng lớp dữ liệu để biên tập và chia sẻ các bản đồ, tải dữ liệu từ hệ thống với nhiều định dạng khác nhau… nên đây còn là nguồn dữ liệu chính xác theo thời gian thực, mang nhiều giá trị ứng dụng trong đời sống.

KIM THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-ung-dung-tu-cong-nghe-gis-post770367.html