Xây dựng vùng phát thải thấp: Cơ hội lớn từ những thách thức

'Vùng phát thải thấp' có lẽ là một trong những cụm từ được chính quyền, người dân Thủ đô cũng như giới chuyên gia nhắc đến nhiều nhất thời gian qua. Đây đang được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu cho thực trạng ô nhiễm không khí gây ra bởi phương tiện giao thông tại Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, những thách thức từ việc triển khai giải pháp này cũng không hề nhỏ.

Chuyện Thủ đô được xếp vào hàng top những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới đã là điều khiến những người yêu Hà Nội nhọc lòng. Tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” vừa được tổ chức ngày 14/11 mới đây, ông Nguyên Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những vấn đề cần ưu tiên giải quyết của TP.

Theo ông Nguyễn Minh Tấn, bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm của Hà Nội hiện vượt quy chuẩn, gấp nhiều lần khuyến nghị của WHO. Khí NO2 và O3 có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ; đặc điểm ô nhiễm bụi, ô nhiễm theo mùa rõ rệt, ô nhiễm tập trung vào mùa đông. Ô nhiễm bụi PM2.5 hầu hết các quận, huyện; tập trung ở các quận nội thành (29/30 quận, huyện) gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các thiệt hại về kinh tế.

“Theo một số nghiên cứu, chúng tôi nhìn thấy mối liên quan giữa nồng độ bụi PM2.5 và sức khỏe của cộng đồng. Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, và 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp. Chất lượng cuộc sống người dân bị ảnh hưởng”, Phó Giám đốc Sở TN&MT thông tin.

Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định chủ yếu đến từ hoạt động giao thông, công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp, trong đó nguồn phát thải lớn nhất là hoạt động giao thông. Theo số liệu năm 2019, tổng phát thải bụi PM 2.5 từ các nguồn là hơn 30.000 tấn, hơn 50% số này đến từ nguồn thải tại chỗ. Trong đó, hoạt động giao thông, bụi đường lớn nhất, chiếm 56%. Thành phố có 1,1 triệu ôtô, hơn 6,9 triệu xe máy, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn.

Như vậy, để cải thiện bầu không khí ô nhiễm ngày càng đáng quan ngại tại Hà Nội, một trong những giải pháp chính yếu cần được bàn tới không gì khác chính là cải thiện theo hướng “xanh hóa” hoạt động giao thông tại Thành phố này. Và giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông gây ra, “chìa khóa” đã được giới chuyên gia đưa ra và đã được luật hóa là việc xây dựng và triển khai “vùng phát thải thấp” (LEZ) tại Hà Nội.

“Khái niệm vùng phát thải thấp được thể hiện rõ tại Khoản 6, Điều 3 của Luật Thủ đô, là khu vực để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cho người dân”, bà Lê Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết. Theo bà Lê Thanh Thủy, khái niệm về vùng phát thải thấp trong Luật Thủ đô không đề cập đến việc cấm hẳn một loại phương tiện nào mà chỉ nhấn mạnh vào việc hạn chế các phương tiện gây phát thải ra môi trường.

Theo dự thảo đang được lấy ý kiến, những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng các biện pháp về giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm không khí. Theo đó, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030 (theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố từ năm 2017).

Trước mắt, Hà Nội khuyến cáo các quận huyện cấm lưu hành xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên xe đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên và đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định; hạn chế, có thu phí đối với xe đáp ứng tiêu chuẩn khí thải dưới Euro 4 và không đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định. Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi xe phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu hành trong vùng LEZ.

Đối với các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp.

 Lượng khí thải từ phương tiện cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí của Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải

Lượng khí thải từ phương tiện cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí của Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải

Dự thảo nghị quyết mới đã đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện LEZ. Theo đó giai đoạn 2025-2030, TP. Hà Nội sẽ lựa chọn một khu vực ở quận Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận huyện. Quận Hoàn Kiếm dự kiến áp dụng LEZ ở khu vực Hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ với tổng diện tích hơn 145 ha. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2031 đến 2035, thành phố khuyến khích các quận huyện xác lập vùng LEZ và từ năm 2036 trở đi bắt buộc các vùng ô nhiễm không khí phải đầu tư nguồn lực, đảm bảo điều kiện để thực hiện vùng LEZ.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng và triển khai những vùng phát thải thấp giờ đây là chuyện hết sức nên làm, nếu không muốn nói là cần phải làm của Thủ đô. Trên thế giới, vùng phát thải thấp đã là khái niệm không còn mới mẻ. Đến nay, vùng phát thải thấp đã được triển khai ở khoảng 320 thành phố của châu Âu và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 507 thành phố vào năm 2025. Tại châu Á, vùng phát thải thấp đã được triển khai tại một số nơi như ở Bắc Kinh, Tây Ninh, Ngạc Châu của Trung Quốc, Seoul của Hàn Quốc và Jakarta của Indonesia.

Tuy nhiên, dù là việc nên làm, cần làm nhưng làm như thế nào lại là câu chuyện cần được xem xét một cách cẩn trọng, hài hòa, trong đó tác động xã hội là yếu tố cần được tính đến. Đơn cử, theo nhiều chuyên gia, đó là việc hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải áp dụng cho xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành và cũng chưa có hạ tầng cơ sở kiểm tra khí thải đối với các phương tiện giao thông đang lưu hành. Mạng lưới trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại Thủ đô Hà Nội cũng chưa đầy đủ, vì vậy chưa có số liệu kiểm kê phát thải, cập nhật và thường kỳ, đặc biệt là từ nguồn phát thải giao thông để làm cơ sở đánh giá thực thi chính sách.

Một vấn đề không thể không tính đến trong việc triển khai xây dựng vùng phát thải thấp là việc hạn chế các xe cộ cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, muốn cấm loại hình phương tiện này thì phải tính được sự tiện dụng, khả thi của một loại hình phương tiện giao thông thay thế, và ở đây không gì khác là phương tiện giao thông công cộng.

Theo Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô dù đã được đầu tư song đến nay tỷ lệ người dân Hà Nội sử dụng phương tiện công cộng chưa cao, mạng lưới đường sắt đô thị còn chưa hình thành, chỉ có tuyến độc nhất là Cát Linh - Hà Đông; xe buýt di chuyển chậm, không đúng giờ,... xe máy, ôtô vẫn là phương tiện chính mà người lựa chọn làm phương tiện để đi lại.

Và đúng như nhìn nhận của TS Nguyễn Xuân Thủy, “chúng ta không thể ép người dân từ bỏ lựa chọn sử dụng phương tiện cá nhân trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa tốt”, việc triển khai vùng phát thải thấp chỉ đạt được hiệu quả tối ưu khi bài toán giao thông công cộng được Hà Nội hóa giải một cách thuyết phục, hiệu quả.

Lần đầu tiên, một giải pháp chống ô nhiễm không khí đã được luật hóa. Cũng lần đầu tiên, vùng phát thải thấp được triển khai, quy định tại Việt Nam. Bởi là những lần đầu tiên, nên những thách thức phải đối mặt âu cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu vượt lên được những thách thức ấy bằng lộ trình triển khai cụ thể, thấu đáo, thì cơ hội mang lại cho Thủ đô nghìn năm văn hiến sẽ là không nhỏ, trong đó cơ hội đáng giá nhất là có thể mang đến bầu không khí trong lành hơn cho Hà Nội, để Hà Nội xứng đáng là “thành phố đáng sống”.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xay-dung-vung-phat-thai-thap-co-hoi-lon-tu-nhung-thach-thuc-post323225.html