Nhiều vấn đề quan trọng được thảo luận tại Tọa đàm Phát triển nông nghiệp bền vững ở Thanh Hóa
Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường.
Mới đây (30/8) Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Chương trình tọa đàm “Phát triển nông nghiệp bền vững tại Thanh Hóa: "Hiện trạng và giải pháp”.
Buổi tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Tại buổi tọa đàm còn có PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường; Nhà báo Nguyễn Tường Quân- Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam- Phó ban Thường trực Ban Biên tập tạp chí Kinh tế Môi trường; GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Đặc biệt buổi tọa đàm còn có mặt của GS.TS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Chương trình công nghệ sinh học quốc gia 2021-2030; TS Bùi Thị Thanh Hương, Đại học quốc gia Hà Nội; GS.TS - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Cự.
Đồng hành và tới chỉ đạo buổi tọa đàm về phía địa phương có ông Hoàng Viết Chọn - Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa; cùng một số cán bộ là phòng ban, các sở ban ngành có mặt.
Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
An ninh lương thực là mục tiêu quan trọng của mỗi quốc gia
Khai mạc tọa đàm, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam bày tỏ: Loài người đang đứng trước cơ hội và thách thức bước ngoặt: Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và tác động vô cùng lớn của biến đổi khó hậu. Nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai xu hướng đó.
Phát triển nông nghiệp bền vững và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ là cách tối ưu để ứng phó với thiên tai và biến đổi khi hậu.
Thực tế, Việt Nam trong thời qua ứng phó tốt với dịch bệnh Covid-19 để duy trì tăng trưởng dương trong khi thế giới đều có GDP giảm (tăng trưởng âm).
Chính vì vậy, hôm nay tại Thanh Hóa, tỉnh có diện tích đồng bằng lớn thứ 3 trên đất nước, chúng ta có mặt ở đây để bàn về vấn đề nông nghiệp bền vững.
Buổi tọa đàm có 2 phiên. Tại phiên làm việc thứ nhất, các đại biểu và chuyên gia đã đưa ra các báo cáo tham luận dưới sự chủ trì của PGS.TS Trương Mạnh Tiến và Phiên thứ 2 là tọa đàm bàn tròn có sự tham gia của các bên liên quan.
Ở phiên thứ nhất buổi tọa đàm, sau khi được giới thiệu là chủ trì, PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho biết, trong nhiều năm qua, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực được xem mục tiêu quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đây là vấn đề then chốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, đẩy nguy cơ mất an ninh lương thực trở thành nỗi lo thường trực mọi quốc gia.
Trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được tổ chức ở Ai Cập, an ninh lương thực cũng là một chủ đề đáng chú ý. Không ít lãnh đạo các nước khẳng định, thế giới đang đứng trước thách thức mất an ninh lương thực khẩn cấp ở mức độ chưa từng có.
Ở trong nước, Việt Nam đang thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh, thông minh.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020.
Và mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Nội dung Chỉ thị ban ra có nhiều hoạt động liên quan và trách nhiệm của từng bộ ngành và địa phương, doanh nghiệp cùng người dân cùng thực hiện.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Quyết định số 3416 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Theo đó, nông nghiệp tại Thanh Hóa sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng nông lâm thủy sản từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.
Bên cạnh dó, Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 16/10/2022 của Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng khẳng định việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đặt ra vấn đề xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh đến năm 2030.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học và chuyên gia cho rằng Thanh Hóa là địa phương có rất nhiều lợi thế và đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó các nhà khoa học và chuyên gia cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp mang tính giải pháp nhằm giúp Thanh Hóa khai thác hiệu quả hơn nữa về tiềm năng, thế mạnh hiện có trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt là trong việc nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm nông nghiệp gắn với bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
Tại buổi tọa đàm, GS.TS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Chương trình công nghệ sinh học quốc gia giai đoạn 2021-2030 chia sẻ: "Ở các quốc gia phát triển nhất, khi mà nông nghiệp chỉ chiếm 1-2% GDP thì an ninh lương thực vẫn là số 1.
Đối với các nước châu Á chúng ta thì vấn đề an ninh lương thực lại càng được quan tâm, chú trọng hơn vì tỷ lệ đất trồng trên đầu người rất thấp. Ở Việt Nam, an ninh lương thực vẫn hết sức mong manh vì chúng ta mất đất cho các khu công nghiệp cho đường sá quá nhiều.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hiện nay đang quá nhỏ lẻ nên không ứng dụng được nhiều công nghệ mới gây ra nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế.
Do vậy, để phát triển nền nông nghiệp bền vững chúng ta cần ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra các giống cây trồng mới, các loại phân bón chất lượng cao, thân thiện với môi trường...".
Buổi tọa đàm cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trao đổi, tham khảo ý kiến các nhà khoa học và chuyên gia, đồng thời giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết: "Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi chọn cách liên kết với người nông dân để đảm bảo nguồn cung cho nhà máy sản xuất. Khi liên kết với công ty, người dân sẽ có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập đáng kể mà vẫn có thể làm được việc nhà".
"Vấn đề đáng quan tâm là hiện nay doanh nghiệp chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn vay hoặc phải vay với mức lãi suất thương mại để phục vụ sản xuất.
Nếu chúng tôi tiếp cận được nguồn vốn vay nông nghệp từ 5-6%/năm thì tôi nghĩ những sản phẩm "made in Việt Nam" sẽ cạnh tranh với thị trường quốc tế một cách sòng phẳng", ông Trần Văn Tân bày tỏ nguyện vọng và kiến nghị tới Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa.
Thay mặt các ban, ngành tỉnh Thanh Hóa, ông Hoàng Viết Chọn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã cảm ơn sâu sắc về ý tưởng tổ chức buổi tọa đàm tại tỉnh nhà, về sự quan tâm và giá trị to lớn mà buổi tọa đàm đã mang lại, qua đó giúp Thanh Hóa có thêm kinh nghiệm và giải pháp để phát triển kinh tế địa phương.
"Phát triển nông nghiệp nói chung và đảm bảo an ninh lương thực nói chung đối với Thanh Hóa luôn là nhiệm vụ căn bản, là một trong những chương trình trọng tâm suốt nhiều kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh. Thanh Hóa xác định nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế, an ninh lương thực là yếu tố then chốt để đảm bảo an sinh và bình ổn xã hội".
Tham dự tọa đàm hôm nay, có nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp bền vững.
Đóng góp vào buổi tọa đàm, TS. Bùi Thị Thanh Hương, Đại học Quốc gia đánh giá cao khi Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tạo ra một diễn đàn rất ý nghĩa tại tỉnh Thanh Hóa nói riêng và mở ra những chương trình tương tự như thế này tại nhiều tỉnh thành trong cả nước sắp tới đây.
"Đặc trưng cơ bản trong nền nông nghiệp tuần hoàn có 2 điểm mấu chốt. Một là phải bảo tồn được chất thải nông nghiệp (tái sử dụng); hai là xây dựng được 1 chuỗi ngành nông nghiệp mới từ các chất thải đó. Chúng ta đã có nhiều mô hình để phát triển nông nghiệp bền vững, tuần hoàn như V.A.C, R.V.A.C, V.H.C...", TS. Bùi Thị Thanh Hương chia sẻ.
Cũng tại phiên thứ nhất, các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia khác như sự đóng góp ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh- Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; Nguyễn Xuân Cự...
Kết thúc phiên thứ nhất, trong giờ nghỉ giải lao, ban tổ chức cũng giới thiệu những sản phẩm từ nông nghiệp xanh bền vững của các doanh nghiệp, người nông dân tại địa phương để đại biểu tham quan và trải nghiệm.
Đại biểu kỳ vọng vào buổi tọa đàm rất ý nghĩa về lĩnh vực nông nghiệp tại Thanh Hóa
Bước vào phiên thứ 2, là thảo luận trực tiếp tại tọa đàm, do PGS.TS Trương Mạnh Tiến điều phối chung.
Tại phiên thứ 2 này, sau khi được giới thiệu GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường chia sẻ: “Với điều kiện và hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn đặt vấn đề đảm bảo an ninh lương thực lên hàng đầu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn từ tình hình thế giới, biến đổi khí hậu, diện tích trồng trọt bị suy giảm...
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 3 năm gần đây của Thanh Hóa (2021-2023) đạt 3,41%/năm. Quy mô giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 36.738,9 tỷ đồng, tăng 3.667,6 tỷ đồng so với năm 2020. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản có những chuyển biến tích cực: Nông nghiệp giảm từ 69,1% năm 2020 xuống 67,2% năm 2023; Lâm nghiệp tăng từ 7,9% năm 2020 lên 9,2% năm 2023; Thủy sản tăng từ 23% năm 2020 lên 23,6% năm 2023; quy mô ngành chăn nuôi trong tốp đầu cả nước. Sản lượng lương thực 1,585 triệu tấn; tỷ lệ che phủ rừng 53,6%; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 97%, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện; 359 xã đạt chuẩn NTM; 81 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã NTM kiểu mẫu, 245 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 391 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng.
Để có được nền nông nghiệp bền vững, đạt hiệu quả cao, nông dân ngày càng phải nâng cao trình độ, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cần nỗ lực nghiên cứu, sản xuất để đưa ra được những giống cây mới phù hợp với thổ nhưỡng của từng khu vực”.
Thảo luận tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường chia sẻ: "Đường lối của Đảng và Nhà nước ta là phát triển nhanh và bền vững và ngành có tiền đề trước hết là nông nghiệp.
Hiện nay, nếu các doanh nghiệp trong nước đảm bảo được các sản phẩm của mình được sản xuất ra từ nền nông nghiệp hữu cơ bền vững thì sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đối tác nước ngoài".
Sau phần thảo luận với các chuyên gia, TS.Hồ Quang Hòa - Giảng viên trường Đại học Quốc gia cho biết: "Chúng tôi có mặt ở đây và rất kỳ vọng vào một buổi tọa đàm rất ý nghĩa về lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức trên mảnh đất Thanh Hóa, bản thân tôi cũng là người con của xứ Thanh.
Đây là một cơ hội rất tốt cho sự phát triển bền vững của Thanh Hóa. Chúng tôi rất mong được các đại biểu, chuyên gia đánh giá, phân tích rõ ràng về thực trạng, các tiêu chí cũng như khó khăn, hạn chế trong việc phát triển nông nghiệp bền vững để từ đó các nhà khoa học đưa ra các giải pháp để tháo gỡ. Muốn có được nền nông nghiệp bền vững, tuần hoàn, chúng ta cần thay đổi tư duy, tập quán cũ của người nông dân để họ có được nhận thức về cách làm nông nghiệp mới hiệu quả hơn, an toàn hơn".
Phát động chương trình nhặt rác thải nhựa tại biển Sầm Sơn
Sau buổi tọa đàm, chiều 30/8, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã phối hợp cùng Thành đoàn TP.Sầm Sơn, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh – GreenHub phát động chương trình nhặt rác thải nhựa bảo vệ môi trường biển tại Sầm Sơn.
Những hình ảnh tại Lễ phát động nhặt rác thải nhựa bảo vệ môi trường biển tại TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa):