Nhiều việc phải làm cho doanh nghiệp Việt ẩn sau sức ép cạnh tranh xuất khẩu

Có rất nhiều sức ép cạnh tranh đang hiển hiện rõ trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, từ giá cả, thương hiệu, thiếu nguồn nhân lực, năng suất, chất lượng, công nghệ, đáp ứng những yêu cầu 'xanh'.... Ẩn sau những sức ép đầy bất lợi này là rất nhiều việc phải làm cho các doanh nghiệp Việt để không phải rơi vào tình cảnh 'hụt hơi' trên thị trường quốc tế.

Nói về khó khăn hiện tại trong hoạt động xuất khẩu (XK), bà Tôn Nữ Xuân Quyên, Chủ tịch HĐQT CTCP Blusaigon, cho biết tỷ giá USD tăng cao có lợi cho XK nhưng làm cho giá mua của khách hàng cao hơn. Điều đó dẫn tới việc lượng đơn hàng giảm, sức ép cạnh tranh thể hiện rõ khi khách hàng sẽ đẩy chuyển qua những mã hàng có giá rẻ hơn.

Đối mặt những bất lợi

Bà Quyên cũng đưa ra dẫn chứng XK ở ngành dệt may, điện tử thời gian qua đã đối mặt tình hình cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh thiếu lao động lành nghề khiến năng suất và chất lượng sản phẩm giảm, thiếu lao động kỹ thuật cao khiến việc đáp ứng yêu cầu công nghệ trở nên khó khăn.

Để đưa được hàng hóa vào các chuỗi bán lẻ lớn trên thế giới đòi hỏi các DN Việt phải vượt qua được sức ép cạnh tranh trước những đối thủ khác.

Hoặc mới đây, khi bàn về việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) Việt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Keisuke Tokunaga, Giám đốc khối Chiến lược kinh doanh Toyota Việt Nam, đã nêu rõ yếu tố bất lợi khiến cho ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam chưa phát triển là do sản lượng thấp, nguồn nguyên liệu chất lượng cao chưa có, buộc phải nhập khẩu.

Đặc biệt, như lưu ý của ông Tokunaga, các DN nội địa còn hạn chế về mặt kinh nghiệm, năng lực quản trị sản xuất cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, chi phí và giao hàng.

Còn đứng ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết DN dệt may Việt Nam đang trả mức tiền lương cao hơn các quốc gia cạnh tranh khác, đứng thứ 2 về tiền lương trong các nước XK dệt may chỉ sau Trung Quốc. Bangladesh hiện nay chỉ trả khoảng 100 USD/người/tháng cho công nhân, trong khi đó ở Việt Nam là 400-500 USD/người/tháng.

Không chỉ vậy, như băn khoăn của ông Trường, các hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ các nước này cho ngành dệt may thông qua ưu đãi thuế, phí hay chính sách tại các thị trường nhập khẩu lớn dành cho các nước kém phát triển cũng là những thách thức đối với XK dệt may Việt Nam.

Theo đánh giá chung, XK dệt may của Việt Nam trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức khi mà các quốc gia XK cạnh tranh có khả năng phá giá mạnh đồng tiền nội tệ để hỗ trợ XK. Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực hơn khi nhiều DN dệt may trong nước xác nhận đã cơ bản đủ đơn hàng quý 3, và quý 4/2024, tuy nhiên với đại bộ phận DN trong ngành này vẫn gặp khó về mặt cạnh tranh vì có nhiều yếu tố làm tăng chi phí tài chính như tăng giá cước vận tải biển, tiền lương tối thiểu vùng tăng từ 1/7, tăng chi phí tiền điện…

Chưa kể, dù mặt bằng lương, thu nhập liên tục được cải thiện nhưng các DN nội địa trong ngành dệt may còn đối mặt tình cảnh biến động lao động bất thường do phải cạnh tranh lao động từ các doanh nghiệp FDI.

Chính vì vậy, để có thể cạnh tranh với các quốc gia XK dệt may, như chia sẻ của vị chủ tịch Vinatex, nguồn nhân lực luôn là yếu tố chính để có thể vượt qua những con sóng bất ổn của thị trường. Việc phát triển nguồn lực phải được xem là chiến lược quan trọng và bền vững.

Để không rơi vào tình cảnh “hụt hơi”

Có thể nói, còn nhiều việc phải làm cho các DN Việt trước những khó khăn, thách thức, sức ép về mặt cạnh tranh XK như hiện nay. Nếu như không thực hiện tốt những giải pháp có tính đồng bộ thì khó tránh khỏi tình trạng hàng Việt sẽ “hụt hơi” khi XK vì thua sút cạnh tranh.

Như đề xuất của bà Tôn Nữ Xuân Quyên, các DN trong nước cần tiếp tục tăng năng suất để có giá cạnh tranh tốt nhất. Hơn nữa, họ cần cập nhật và hoàn chỉnh tiêu chuẩn về môi trường và bền vững trên thế giới, cũng như cập nhật các quy chế ngoại thương thế giới.

Ngoài ra, để giúp DN giảm thiểu được chi phí trong quá trình XK, vị chủ tịch của Blusaigon cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng vận tải và kho bãi, ứng dụng công nghệ vào quản lý logistics nhằm giúp giảm chi phí và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Về phía DN, để giảm chi phí vận chuyển và lưu kho thì họ nên ứng dụng công nghệ vào quản lý và hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp.

Riêng ở góc độ quản lý, trong báo cáo gần đây, khi bàn về việc thúc đẩy XK hàng hóa trong các tháng tới đây, Bộ Công Thương có nêu rõ là cần tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường XK để DN kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Bên cạnh đó, cần phát triển dịch vụ logistics, hỗ trợ DN chuyển mạnh sang XK chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu trước sức ép cạnh tranh, đứng ở góc độ chuyên gia kinh doanh quốc tế, Ts. Đặng Thảo Quyên (Đại học RMIT), nhấn mạnh rất cần sự phối hợp và nỗ lực từ những việc nhỏ nhất của các bộ, ngành, địa phương và DN để Việt Nam có thể được nhìn nhận là một thương hiệu xanh và bền vững trong mắt bạn bè quốc tế.

Như chia sẻ của bà Quyên, trong bối cảnh các cam kết của Việt Nam về kinh tế xanh và bền vững, chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Chính phủ có thể đưa ra các lợi ích và ưu đãi thiết thực cho DN nếu họ đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế xanh và bền vững.

“Việt Nam cũng có thể cân nhắc các yêu cầu “xanh” khi phê duyệt các sản phẩm XK. Tiêu chuẩn xanh cho từng ngành cũng cần được đặt ra. Về lâu dài, các chế tài xử lý cũng cần được đặt ra và thực hiện một cách chặt chẽ trong các trường hợp không tuân thủ”, bà Quyên nói.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nhieu-viec-phai-lam-cho-doanh-nghiep-viet-an-sau-suc-ep-canh-tranh-xuat-khau-1101086.html