Nhiều việc phải làm sau cải cách tiền lương

Chiều qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Theo đó, Chính phủ đề xuất tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng; tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng; bổ sung quỹ tiền thưởng của khu vực công bằng 10% quỹ lương cơ bản. Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9% từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng 6%. Tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 là 913,3 nghìn tỷ đồng.

Trong phiên thảo luận tổ vào cuối giờ chiều qua, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá đề xuất của Chính phủ là cần thiết trong bối cảnh chưa thực hiện được việc trả lương theo vị trí việc làm do đây là vấn đề khó và phức tạp. Trong đó, lương cơ sở điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng là mức tăng đáng ghi nhận, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc. Bên cạnh đó, các đối tượng nghỉ hưu, hưởng trợ cấp, chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở đều được điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng lương của công chức. Điều này bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội.

Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang gấp rút chuẩn bị những công việc cần thiết để kịp thời triển khai chính sách này ngay sau khi được Quốc hội thông qua. Ngoài việc bảo đảm tiền lương mới, tiền trợ cấp mới đến với người thụ hưởng một cách sớm nhất, nhanh nhất, Chính phủ và các bộ, ngành cũng còn nhiều việc khác phải làm để việc tăng lương thực sự ý nghĩa.

Đó là, cùng với việc tăng lương cơ sở, Chính phủ cần quan tâm tới các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách này. Trước mắt, phải tăng cường các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng hàng hóa tăng giá vô lý kiểu “tát nước theo mưa”. Đồng thời, có cơ chế cấp bù ngân sách khi giá dịch vụ công thiết yếu chưa kịp điều chỉnh so với mức lương mới để các đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên cân đối được thu - chi và có tích lũy; song song với đó, phải đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công. Một vấn đề quan trọng nữa là Chính phủ cần định kỳ rà soát, xem xét nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để từng bước tiến tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn và sớm thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo.

Đặc biệt, vào lúc này, việc sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh, lại đặt ra hết sức cấp bách. Mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 11 triệu đồng/người/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng hiện nay đã quá lạc hậu. Trong 5 năm vừa qua, rất nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng giá, thậm chí có mức giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập. Nếu cứ duy trì mức tối thiểu chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh như cũ thì phần tăng lương của Nhà nước sẽ chuyển thành tăng nghĩa vụ đóng góp vào thuế. Vì thế, để đợt tăng lương này thực sự ý nghĩa thì việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phải làm ngay trong năm nay thay vì chờ đến 2 năm nữa, nghĩa là đến năm 2026 mới được thông qua như Chính phủ đang dự tính.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/nhieu-viec-phai-lam-sau-cai-cach-tien-luong-i376944/