Nhiều vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

BBK -Chiều 24/10, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận Tổ đại biểu đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Dự án Luật Dữ liệu.

Tại Kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia Tổ thảo luận số 12 cùng các Đoàn ĐBQH tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Bình.

Rà soát, bổ sung đầy đủ các đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT

 Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới đề nghị bổ sung 2 nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới đề nghị bổ sung 2 nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội dự kiến xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, do có một số quy định cần sửa ngay để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, nhất là các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Đây là dự án Luật thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi chăm sóc sức khỏe - nhu cầu thiết yếu và quan trọng nhất của mỗi cá nhân.

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật... nhằm khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội; cập nhật các đối tượng đã thực hiện ổn định tại các luật, nghị định; bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ BHYT toàn dân.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định về thông tuyến BHYT và thủ tục thay đổi đăng ký nơi KCB của người tham gia BHYT để tháo gỡ khó khăn cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Còn đại biểu Hoàng Văn Hữu, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 1 đề nghị bổ sung đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT là thanh niên xung phong và thân nhân dân quân thường trực. Đại biểu Hoàng Văn Hữu cho biết, lực lượng dân quân thường trực là lực lượng tập trung ở các địa bàn biên giới, tham gia bảo vệ các địa điểm trọng điểm về ANQP, đồng thời là một trong các lực lượng thường trực thực hiện phòng chống thiên tai ở cơ sở. Theo quy định, lực lượng này thực hiện nhiệm vụ 24 tháng tại các địa điểm trọng điểm về ANQP, nên Nhà nước cần quan tâm, đảm bảo chế độ BHYT cho thân nhân của lực lượng này để động viên, khuyến khích họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ như lực lượng hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Đại biểu Hoàng Văn Hữu, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 1 thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Đại biểu Hoàng Văn Hữu, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 1 thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Từ ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vướng mắc bất cập trong thực hiện chính sách BHYT, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật 2 nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT là: (1) Người dân các xã An toàn khu và vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; (2) Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực Il, khu vực IlI, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, để khắc phục hạn chế về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh trong việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế; trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thì cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm hoàn trả các chi phí mà người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về trách nhiệm xử lý dữ liệu

Dự án Luật Dữ liệu là dự án luật mới, được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này. Dự thảo Luật quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội góp ý dự thảo Luật Dữ liệu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội góp ý dự thảo Luật Dữ liệu.

Góp ý vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật này liên quan đến 69 luật khác về dữ liệu, nên các quy định để đồng bộ và quản trị dữ liệu chưa được đầy đủ và thống nhất.

Liên quan đến nội dung áp dụng pháp luật, đại biểu cho rằng các quy định trong dự thảo chưa thực sự phù hợp, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng thêm. Đồng tình với việc đưa dữ liệu của các cơ quan Đảng vào phạm vi điều chỉnh của Luật Dữ liệu, song đại biểu còn băn khoăn khi dự thảo có nhiều quy định cụ thể về trách nhiệm xử lý dữ liệu, cung cấp dữ liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương vì các quy định này không khả thi khi thực hiện. Do đó, đề nghị cần cân nhắc, rà soát để phân định rõ trách nhiệm của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước.../.

Ái Vân

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nhieu-vuong-mac-bat-cap-can-duoc-thao-go-trong-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-bao-hiem-y-te-post66946.html