Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thảo luận, góp ý các dự án luật

Các đại biểu đã thảo luận, góp ý làm rõ một số nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và dự án Luật Dữ liệu.

Chiều 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và dự án Luật Dữ liệu. Tại buổi thảo luận, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp vào các dự án luật.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương thảo luận tại Tổ. Ảnh: V.TÂN

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương thảo luận tại Tổ. Ảnh: V.TÂN

Thảo luận về dự án Luật Dữ liệu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu. Đồng thời cho rằng, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong xử lý, quản lý, quản trị, khai thác dữ liệu tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật thông tin, quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu là “Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý, quản lý, quản trị, khai thác dữ liệu; thống kê, phân tích, tổng hợp dữ liệu” nêu tại điều 6.

Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia nêu tại điều 29, đại biểu Sương đề nghị nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc về sự cần thiết thành lập quỹ này vì có sự trùng lặp về nội dung chi của quỹ với ngân sách nhà nước.

Đối với quản lý nhà nước về dữ liệu nêu tại chương VI, đại biểu Sương đề nghị rà soát quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương gắn với nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu, không quy định lại trách nhiệm thuộc chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đã được quy định tại văn bản khác.

Góp ý đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Sương cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT là để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta; khắc phục được các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, như Luật BHXH, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Thống nhất với chủ trương mở rộng đối tượng tham gia BHYT để thực hiện mở rộng diện bao phủ tham gia BHYT nêu tại điều 12.

Hiện nay và xu hướng phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại nhà của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định BHYT chi trả đối với trường hợp này. Điểm d, khoản 3, điều 22 dự thảo quy định mức hưởng BHYT khi người dân đi khám bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

PV

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/thoi-su/202410/doan-dbqh-tinh-quang-ngai-thao-luan-gop-y-cac-du-an-luat-7de735e/