Nhiều vướng mắc khi thực thi 3 luật mới liên quan đến bất động sản

Mặc dù các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực thi 3 luật liên quan đến bất động sản đã được Chính phủ, bộ, ngành ban hành nhưng sau hơn 1 tháng triển khai, khâu thi hành Luật vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Phiên đấu giá đất tại Hoài Đức (Hà Nội) có lô trúng với mức giá tăng hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

Phiên đấu giá đất tại Hoài Đức (Hà Nội) có lô trúng với mức giá tăng hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

Nhiều văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đồng thời với các Luật liên quan đến bất động sản.

Tuy nhiên, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) phản ánh, mặc dù các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã được ban hành nhưng sau hơn 1 tháng triển khai, khâu thi hành Luật vẫn còn nhiều vướng mắc, bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo VARS, ngoài một số văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của trung ương, hầu hết văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương chưa được ban hành, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các luật bởi nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương. Mặt khác, nhiều cán bộ chuyên trách chưa nắm luật, chưa được tham gia các chương trình phổ biến, tập huấn về quy định mới cũng là hạn chế.

Vướng mắc đầu tiên được VARS viện dẫn liên quan tới việc điều chỉnh bảng giá đất. Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 về việc chuyển tiếp sử dụng Bảng giá đất quy định: Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025; trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Các dự án nhà ở xã hội vẫn chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Ảnh minh họa: Tuấn Anh - TTXVN

Các dự án nhà ở xã hội vẫn chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Ảnh minh họa: Tuấn Anh - TTXVN

Bên cạnh đó, VARS cũng chỉ ra chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cũng là nguyên nhân chính gây ra vướng mắc cho việc triển khai nhà ở xã hội tại nhiều địa phương hiện nay.

Điển hình như tại Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định: Trong thời hạn 7 ngày, văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ phải xác nhận thông tin của người đăng ký không sở hữu nhà và không có tên trong sổ đỏ tại tại địa phương, nơi có dự án nhà ở xã hội. Và cũng trong thời hạn 7 ngày, UBND cấp xã sẽ xác nhận điều kiện về thu nhập cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Nhưng đến nay, sau hơn 1 tháng triển khai, nhiều địa phương vẫn gặp vướng mắc trong việc xác nhận thực trạng nhà ở và điều kiện về thu nhập. Do các cơ quan trực tiếp thực thi pháp lý với người dân chưa có căn cứ hướng dẫn thực hiện – VARS phản ánh.

Một vấn đề nữa được dư luận quan tâm là theo quy định hiện hành, ngân hàng chính sách nhà nước sẽ tiếp nhận hồ sơ vay mua, thuê mua nhà ở xã hội khi có hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, khách hàng xong hợp đồng mua bán thì vẫn phải “đợi” khi nào ngân hàng nhận được nguồn vốn cấp sang sẽ giải quyết cho các hồ sơ Ngân hàng Chính sách xã hội đang thụ lý.

Thêm một vướng mắc liên quan trực tiếp đến người dân là việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho đất không giấy tờ. Đây là một điểm thay đổi tích cực của Luật Đất đai 2024 nhưng lại đang “vướng” do sự thay đổi về cơ quan cấp sổ đỏ cho người dân.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-vuong-mac-khi-thuc-thi-3-luat-moi-lien-quan-den-bat-dong-san/347242.html