Nhiều vướng mắc pháp lý khi phát triển doanh nghiệp KHCN trong trường đại học
Các doanh nghiệp KHCN trong các trường đại học, viện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ sở pháp lý chưa được hoàn thiện, cụ thể như chưa có quy định về hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...
Sáng nay (16/5), tại Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2024 đã diễn ra với hơn 500 đại biểu tham dự đến từ các Bộ, ngành, trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia, các trường đại học đóng vai trò trụ cột, tiên phong đi đầu thông qua các sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển giao tri thức, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo... Trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực, cố gắng trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành các chính sách, pháp luật cụ thể nhằm xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ và và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, viện nghiên cứu,...
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều đề án để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia như Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Chương trình 897 "Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030”...
Tuy vậy, theo ông Tạ Đình Thi, việc hình thành, quản lý, vận hành có hiệu quả các tổ chức đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ sở pháp lý chưa được hoàn thiện, cụ thể như chưa có quy định về hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp, đặc biệt là 3 việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, còn thiếu vắng sự gắn kết, liên kết, kết nối giữa 3 nhà (Nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp), không chỉ có mạng lưới sinh viên mà cả mạng lưới các nhà khoa học hay mạng lưới các cựu sinh viên, không chỉ trong một ngành, một trường, mà phải có tính liên ngành, liên trường, liên viện,..
"Việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ tới đây cần được xem xét tổng thể những vấn đề nêu trên, đồng thời phải đón bắt được những xu hướng đổi mới giáo dục đại học của thế giới, trong đó có đại học định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đại học khởi nghiệp, chú trọng tinh thần, năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp người học, xây dựng một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới làm chủ và tự cường", ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.
Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu và thực tiễn về Đại học Đổi mới Sáng tạo, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những nhận định quan trọng trong chiến lược phát triển Đại học đổi mới sáng tạo, theo ông, hiện nay, đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng và là tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của các quốc gia.
Đặc biệt, đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Nếu như các trường đại học không có năng lực đổi mới sáng tạo thì giáo dục đại học và khoa học công nghệ không trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, không có khả năng vốn hóa tri thức và gia tăng giá trị, nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học và quốc gia không có động lực để phát triển.
Để có đại học thế hệ thứ 3 (Đại học Đổi mới Sáng tạo) châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đã có nền tảng và kinh nghiệm gần 200 năm đại học nghiên cứu (thế hệ thứ 2), trong lúc đó Việt Nam chúng ta mới chỉ có kinh nghiệm xây dựng đại học "định hướng nghiên cứu" trong khoảng 10 năm trở lại đây, do vậy cũng đặt ra nhiều thách thức cho các trường đại học.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, đại học đổi mới sáng tạo chỉ được hình thành và phát tiển khi đã đạt được điểm tới hạn (critical mass) của nó. Đó là nền tảng của đại học có năng lực nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ, Đào tạo - Nghiên cứu - Công nghệ phải phát triển song hành.
Còn theo PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN, đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao hàng đầu cả nước, ĐHQGHN đang định hướng phát triển theo mô hình đại học đổi mới sáng tạo để nâng cao vị thế và kiến tạo giá trị mang bản sắc ĐHQGHN, đóng góp cho sự phồn thịnh của xã hội. Những chính sách và hướng đi phù hợp trong quá trình xây dựng đại học đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN đã giúp giải phóng sức sáng tạo to lớn của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, đồng thời phát huy nguồn trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ nhà khoa học để tạo thành sức mạnh và năng lượng cho phát triển, đặc biệt là trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại Diễn đàn, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, ĐHQGHN cũng phát động các chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Công nghệ RnD to Startup 2024, Chương trình Ươm tạo và thương mại hóa sản phẩm công nghệ VNU X-Sience, Chương trình Hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học VNU-IP. Cùng với đó là lễ ra mắt Ban điều hành Mạng lưới đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học - Cao đẳng Việt Nam (VNEI); Trao quyết định kết nạp các thành viên mới của VNEI.