Nhiều vướng mắc phát sinh khi áp dụng bảng giá đất mới ở TP.HCM
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị xem xét việc tính tiền sử dụng đất theo bảng giá đất mới do cách tính tiền sử dụng đất, tiền thuế đất hiện nay cao, nhiều người sẽ không có khả năng đóng.
Ngày 10-5, Chi hội luật gia và trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM tổ chức tọa đàm các vướng mắc phát sinh khi áp dụng bảng giá đất mới ở TP.HCM, tọa đàm cũng gợi mở các hướng tháo gỡ cho thị trường nhà đất.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm các vướng mắc phát sinh khi áp dụng bảng giá đất mới ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Tại buổi tọa đàm, Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng mức nộp tiền chuyển mục đích lên đất ở trên địa bàn TP.HCM quá cao.
Cụ thể Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng Quyết định 79 quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM có hiệu lực từ ngày 31-10-2024 được áp dụng đến ngày 31-12-2025, hiện có mức giá rất cao. Mức tính phần trăm tiền chuyển mục đích sử dụng đất lên đất ở tại Nghị định số 103 ngày 30-7-2024 là quá cao về tỉ lệ %.
Theo đó có trường hợp trong hạn mức đất ở phải nộp 30% khi công nhận đất, ngoài hạn mức có trường hợp phải nộp đến 80% giá đất. Tính theo mức qui định tại Nghị định số 103 hiện nay, nhiều người phải nộp thêm vài tỉ đồng cho một nền đất hơn 100 m2 ở TP.HCM để ở, không khác gì mua lại đất lần thứ hai.
Theo dự báo của các chuyên gia, bảng giá đất ban hành sắp tới để áp dụng từ ngày 1-1-2026 sẽ còn cao hơn giá hiện nay do biến động tăng của thị trường.
Như vậy, mức nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp lên đất ở sẽ tăng hơn và nhiều người sử dụng đất ở TP.HCM để chuyển lên làm nhà ở phải gánh một khoản quá lớn như mua đất lại lần thứ hai. Điều này gây khó khăn quá lớn cho người dân, trong khi cũng miếng đất nằm đó chỉ thêm tờ quyết định đóng dấu cho nó thành đất ở.
Chính vì vậy Luật sư Trần Đình Dũng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi bổ sung Nghị định số 103 theo hướng giảm tỉ lệ % mức đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất lên đất ở.
"Giá đất ban hành mới theo sát giá thị trường như hiện nay là hợp lý, nhằm làm căn cứ pháp lý cho việc tính trị giá trong các giao dịch, trong hành chính, trong việc xử lý vi phạm, tranh chấp.
Tuy nhiên, giá ban hành mới theo sát thị trường nhưng các chính sách khác về thuế lại “chưa ban hành mới” dẫn đến người sử dụng đất phải chịu thiệt quá nhiều, vướng các thủ tục hành chính trong giao dịch và sử dụng đất"- Luật sư Trần Đình Dũng thông tin.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị xem xét việc tính tiền sử dụng đất theo bảng giá đất mới do cách tính tiền sử dụng đất, tiền thuế đất hiện nay cao, nhiều người sẽ không có khả năng đóng. Điều này sẽ dễ dẫn đến nhiều người dân chấp nhận việc mua bán giấy tay.
Ngoài ra, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng nhận thấy quy định “tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất một năm là từ 0,25% đến 1,5%” có một số “bất cập” có thể tác động bất lợi trong hoạt động thu hút đầu tư và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản TP.HCM.
Nhất là thị trường bất động sản cho thuê, trong đó có hoạt động cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp hoặc các cơ sở đất y tế, đất giáo dục, đất thể dục thể thao...
Luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP.HCM cho biết sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến góp ý, sau đó sẽ có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM liên quan những góp ý của các chuyên gia.