Nhiều vướng mắc trong phát triển năng lượng tại Quảng Trị
Kỳ vọng trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung, song hiện nay không chỉ những dự án đang trong quá trình đầu tư, mà những dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, Quảng Trị đều gặp phải những vướng mắc, khó khăn liên quan đến rào cản về thực thi chính sách cũng như các quy định của pháp luật có liên quan.
Ông Phạm Văn Nghiệm, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị cho hay hiện nay lộ trình thực hiện một dự án năng lượng cơ bản phải theo các bước như xác định mục tiêu; cấp chủ trương đầu tư; chuyển đổi rừng, mục đích sử dụng đất, cho thuê đất và đền bù giải phóng mặt bằng; khảo sát, đánh giá tác động môi trường và các thủ tục có liên quan khác.
“Đáng nói, trong hệ thống pháp luật nước ta, việc liên quan chủ trương đầu tư không chỉ loại dự án này, mà các dự án nói chung đều đang tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc do không có tính thống nhất, xuyên suốt giữa các luật này với luật khác.
Đơn cử, có nhiều dự án đã cấp chủ trương đầu tư, nhưng không thực hiện được việc chuyển đổi đất rừng sang đất thương mại dịch vụ và cho thuê”, ông Nghiệm chia sẻ thêm và đơn cử, trong 2 năm qua, Quảng Trị thu hút gần 30 dự án điện gió vào đầu tư xây dựng, chủ yếu trên địa bàn miền núi Hướng Hóa. Đến nay có 19 dự án đã được xây dựng hoàn thành, số còn lại đang bị vướng mắc, trong đó phần lớn liên quan đến chuyển đổi rừng và đất rừng.
Trong khi đó, theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị, dự án năng lượng là dự án thuộc về an ninh quốc gia. Vì vậy, sau cấp chủ trương đầu tư, Nhà nước phải chủ trì giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, trong Luật Đất đai hiện nay quy định không rõ về vai trò của Nhà nước, đặc biệt các đơn vị thẩm định và định giá. Do đó, thời gian qua, doanh nghiệp hầu như phải quyết định toàn bộ việc đền bù, giải phóng mặt bằng này với dân dẫn đến rất khó khăn.
“Trước thực tế này, Nhà nước phải có quy định cứng vừa đảm bảo tối đa lợi ích cho người dân vùng bị ảnh hưởng, thu hồi đất, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án. Chẳng hạn, chúng ta phải có một đơn vị độc lập về thẩm định và định giá để mức giá đền bù đưa ra không phải tính theo khung giá Nhà nước, nhưng cũng không được cao hơn so với mức giá thị trường ở thời điểm hiện tại. Nếu làm điều này là đảm bảo được lợi ích hài hòa, lâu dài giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, ông Dũng nêu ý kiến.
Đối với các loại dự án thủy điện và điện mặt trời ở Quảng Trị đều đang gặp phải những vướng mắc, khó khăn tương tự. Trong đó, không ít dự án phải “nín thở” chờ giá FiT (biểu giá điện, quy định mức giá đối với từng loại điện khác nhau).
Hay thủ tục vay vốn nước ngoài để đầu tư, là buộc phải qua thẩm định F/S (báo cáo nghiên cứu khả thi) liên quan tới 2 nước, gồm nước có trụ sở doanh nghiệp và nước có địa điểm xây dựng dự án, dẫn đến thời gian kéo dài.
Ngoài ra địa phương này cũng đang tồn tại một khó khăn khác, là hệ thống lưới điện truyền tải chưa đáp ứng được nhu cầu giải phóng công suất của các dự án điện nêu trên, dẫn đến việc chậm trễ được đấu nối, hòa lưới điện của các dự án điện này.