Nhiều ý kiến góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam

Mỗi kỳ Đại hội Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam đều được quan tâm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn lịch sử cũng như phù hợp với các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra mới đây, đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ đóng góp vào dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (bổ sung, sửa đổi). Theo đó, cơ bản các ý kiến đều nhất trí với kết cấu, bố cục của dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (bổ sung, sửa đổi) gồm 11 Chương, 45 Điều (tăng 10 Điều so với Điều lệ hiện hành), giữ nguyên các Chương và tên các Chương.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung Lời nói đầu đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, phù hợp với Điều 10 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc sửa đổi, bổ sung này là phù hợp, thể hiện quyết tâm chính trị của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, xứng đáng là cơ sở chính trị, xã hội của Đảng trong công nhân, lao động.

Đối tượng tập hợp của Công đoàn Việt Nam

Về đối tượng tập hợp của Công đoàn Việt Nam (Điều 1), một số ý kiến cho rằng cần xem xét nội dung Khoản 1, Điều 1: “Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động, người lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, được xem xét gia nhập Công đoàn Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau..:”. Quy định như vậy là chưa rõ, dể gây hiểu nhầm. “Người lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam” có thể hiểu là tất cả người lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài. Do đó Khoản 1 cần sửa là “Người Việt Nam làm công hưởng lương, khoán lương trong các đơn vị sử dụng lao động, người Việt Nam lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, được xem xét gia nhập Công đoàn Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:...”

Quang cảnh Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Quang cảnh Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Một số ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung sửa đổi nội dung “Người Việt Nam” làm công hưởng lương… tại Khoản 1, Điều 1 thành “Công dân Việt Nam” làm công hưởng lương… cho phù hợp với Khoản 1, Điều 17 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Về đối tượng không kết nạp vào Công đoàn Việt Nam đang được quy định tại Mục 3.2, Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/2/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại điểm b: “Người lao động làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, bao gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty”.

Và điểm c: “Hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực Nhà nước”.

Nhiều ý kiến cho rằng các đối tượng này được kết nạp vào Công đoàn Việt Nam nếu cá nhân có nguyện vọng và đủ điều kiện theo quy định tại Điều 1; chỉ quy định không được làm cán bộ Công đoàn tại đơn vị, doanh nghiệp đối với các đối tượng: Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân được ủy quyền ký hợp đồng lao động; hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Quyền và nhiệm vụ của đoàn viên

Về quyền và nhiệm của của đoàn viên, điểm h, Khoản 1 quy định: “Đoàn viên bị mất việc làm tạm thời, được tạm dừng sinh hoạt và đóng đoàn phí; đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được xem xét miễn giảm đoàn phí công đoàn theo quy định”. Một số ý kiến cho rằng nên sửa thành: “Đoàn viên bị mất việc làm tạm thời, được tạm dừng đóng đoàn phí và tạm dừng sinh hoạt nếu có nguyện vọng; đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được xem xét miễn giảm đoàn phí công đoàn theo quy định”. Vì sinh hoạt công đoàn vừa là trách nhiệm và là quyền lợi của đoàn viên. Nếu đoàn viên bị mất việc làm tạm thời, vẫn được sinh hoạt để được hưởng các quyền lợi của đoàn viên, trừ trường hợp, đoàn viên có nguyện vọng tạm dừng sinh hoạt.

Điểm i quy định: “Được Ban Chấp hành Công đoàn nơi đoàn viên tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động sau khi đã nghỉ hưu xem xét tiếp tục là đoàn viên công đoàn nếu có nguyện vọng”. Nên bỏ quy định này vì nội hàm vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa vì khi đoàn viên công đoàn đã nghỉ hưu, tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động, nếu cá nhân có nguyện vọng thì vẫn thuộc đối tượng là đoàn viên công đoàn đã quy định ở Điều 1. Thiếu vì, đoàn viên công đoàn đã nghỉ hưu, có thể là lao động tự do hợp pháp (không chỉ làm việc theo hợp đồng lao động trong các đơn vị sử dụng lao động), nếu cá nhân có nguyện vọng thì vẫn thuộc đối tượng là đoàn viên công đoàn đã quy định ở Điều 1. Ngoài đoàn viên công đoàn đã nghỉ hưu, còn đoàn viên công đoàn thôi việc, nghỉ việc, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần... sau đó tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động hoặc là lao động tự do hợp pháp nếu có nguyện vọng thì vẫn thuộc đối tượng là đoàn viên công đoàn như quy định ở Điều 1.

Đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ đóng góp vào dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (bổ sung, sửa đổi).

Đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ đóng góp vào dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (bổ sung, sửa đổi).

Một số ý kiến đề nghị, tại điểm i, khi đoàn viên nghỉ hưu có nguyện vọng tham gia tổ chức Công đoàn cần những điều kiện nào, quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia Công đoàn, cần nêu rõ trong Điều lệ. Đồng thời bổ sung thêm quyền được hưởng lợi ích từ các thiết chế của tổ chức Công đoàn Việt Nam và các hình thức liên kết, hợp tác khác của các cấp Công đoàn Việt Nam.

Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam

Về thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam, thẻ đoàn viên và chuyển sinh hoạt công đoàn (Điều 3), một số ý kiến đề nghị xem xét điểm d, Khoản 1, Điều 3: “Người lao động là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp muốn gia nhập Công đoàn Việt Nam phải có đơn, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và không là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp kể từ thời điểm được công nhận là thành viên của Công đoàn Việt Nam” cho phù hợp với điểm c, Khoản 1, Điều 1 về đối tượng gia nhập Công đoàn việt Nam: “Hiện không là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Theo điểm d, Khoản 1, Điều 3 thì khi xét và công nhận người lao động là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là đoàn viên Công đoàn Việt Nam thì người đó vẫn đang là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, không thống nhất với điểm c, Khoản 1, Điều 1: “Hiện không là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”. Nên sửa Khoản d như sau: “Người lao động là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp muốn gia nhập Công đoàn Việt Nam phải có đơn, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và thôi là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp kể từ khi nộp đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam”.

Điểm b, Khoản 2, quy định về Thẻ đoàn viên: “Người là đoàn viên công đoàn được tổ chức Công đoàn phát thẻ đoàn viên để sử dụng trong các hoạt động công đoàn. Người có thẻ đoàn viên được hưởng các quyền và lợi ích theo quy định của các cấp Công đoàn”. Đề nghị sửa thành: “Đoàn viên công đoàn được phát thẻ đoàn viên để sử dụng trong các hoạt động công đoàn và được hưởng các quyền và lợi ích theo quy định của tổ chức Công đoàn”. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định việc cấp thẻ đoàn viên được ứng dụng qua mã định danh điện tử VNeID để tránh hình thức, lãng phí trong khâu in ấn, cấp phát thẻ đoàn viên”.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhieu-y-kien-gop-y-de-xuat-sua-doi-bo-sung-dieu-le-cong-doan-viet-nam-161868.html