Nhiều ý kiến tâm huyết tại hội thảo tuyên truyền giáo dục pháp luật

Sáng 28-7, ngày thứ hai của chương trình hội thảo 'Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện mới' khu vực Đông Nam Bộ năm 2023, đại biểu các trong khu vực, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội thảo do Ủy ban Dân tộc của Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức tại Trường Cao đẳng công nghiệp cao su.

Toàn cảnh hội thảo ngày thứ hai

Toàn cảnh hội thảo ngày thứ hai

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Lương Nhân phát biểu tại hội thảo

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Lương Nhân phát biểu tại hội thảo

Một kinh nghiệm hay trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số được các đại biểu chia sẻ tại hội nghị là phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ làm công tác dân tộc, nhất là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ như cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Từ đó tạo chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật, hình thành nếp sống mới “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Những chính sách pháp luật của Nhà nước được tập huấn, những việc nên làm, không nên làm… bản thân đều truyền đạt lại cho bà con dân tộc thiểu số. Từ đó bà con ngày càng tin tưởng, khi có vấn đề khác thường đều báo với người có uy tín để kịp thời xử lý”.

Ông Vòng Văn Chung,
người có uy tín xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

“Ngoài tuyên truyền trong các cuộc họp ấp, sinh hoạt chi hội, bản thân thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” truyên truyền cho bà con hiểu biết hơn về chính sách pháp luật, giữ gìn hạnh phúc gia đình, bảo vệ môi trường, làm căn cước công dân, kích hoạt tài khoản định danh điện tử…”.

Bà Thị Mương, người có uy tín xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cũng là một trong những biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này. Thực tế thời gian qua, các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ đã duy trì phối hợp với Đài phát thanh - truyền hình địa phương phát sóng, phát thanh các chương trình bằng tiếng dân tộc, góp phần truyền tải thông tin chính thống đến đồng bào, qua đó tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch. Mặt khác, duy trì cấp phát báo, tạp chí miễn phí cho đồng bào, tổ chức các chương trình, hoạt động giúp đồng bào giữ gìn truyền thống văn hóa đặc sắc.

Đại biểu các tỉnh và đại biểu tỉnh Bình Phước chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến công tác dân tộc tại địa phương

Đại biểu các tỉnh và đại biểu tỉnh Bình Phước chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến công tác dân tộc tại địa phương

Các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến công tác dân tộc tại địa phương mình; kiến nghị chế độ, chính sách cho người làm công tác dân tộc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Những kiến nghị, đề xuất tại hội thảo đã được Ban tổ chức hội thảo ghi nhận, tổng hợp để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết.

Ngọc Huyền - Hoàng Vũ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/146902/nhieu-y-kien-tam-huyet-tai-hoi-thao-tuyen-truyen-giao-duc-phap-luat