Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh giá sách giáo khoa mới
Năm học 2022-2023, bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7 và lớp 10 mới sẽ được đưa vào sử dụng tại các nhà trường theo chủ trương đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, ngay sau khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố bảng giá SGK mới, dư luận đã nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí, vấn đề này còn "nóng" lên ở kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khi một số đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT xung quanh việc xuất bản, phát hành SGK mới.
Người dân không bằng lòng khi giá SGK mới tăng cao
Qua so sánh cho thấy, SGK mới với SGK hiện hành có sự chênh lệch khá lớn về giá. Nếu bộ SGK lớp 3 hiện hành có giá 60.000 đồng/bộ thì SGK mới công bố có giá gần 200.000 đồng/bộ; SGK lớp 7 hiện hành có giá 120.000 đồng/bộ thì sách mới có giá từ 210.000-255.000 đồng/bộ; SGK lớp 10 hiện hành có giá 164.000 đồng/bộ, bộ sách mới có giá khoảng 300.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách ngoại ngữ).
Tăng giá SGK mới trong bối cảnh việc làm, thu nhập của một bộ phận người dân bị giảm sút do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhiều người dân bức xúc. Thậm chí, nhiều người cực lực phản đối SGK khổ to, giấy đẹp, chỉ dùng một lần bởi cho rằng điều đó gây lãng phí, không cần thiết.
Theo ý kiến của nhiều người dân và các phụ huynh học sinh, cặp sách của học sinh cấp tiểu học vốn đã nặng, nay khổ sách to hơn chỉ tăng thêm nỗi vất vả cho các cháu. Còn các gia đình thì phải gánh thêm một khoản chi phí mua sách, vở hằng năm cho con em mình.
Các phụ huynh còn cho rằng, SGK ngày trước thường được tái sử dụng, anh chị học xong đến lượt các em vẫn dùng lại được. Nhưng nay, vào đầu năm học mới, các gia đình đều phải mua SGK mới cho con em, ít thì 1 bộ/năm, nhiều thì 2-3 bộ/năm. Điều này gây lãng phí, tốn kém cho người dân, nhất là đối với những gia đình nghèo, cận nghèo hoặc bộ phận công nhân, lao động tự do, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Trước luồng ý kiến mạnh mẽ của dư luận, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lên tiếng lý giải chi phí đầu vào cũng như nguyên nhân khiến SGK mới bị đội giá lên cao song vẫn chưa thuyết phục.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, khi một số đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, lãnh đạo Bộ GDĐT đã có những giải trình về vấn đề này. Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, việc đổi mới chương trình SGK phổ thông được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa. Các doanh nghiệp đều phải kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành.
Thực tế, Bộ GDĐT đã nhiều lần ban hành văn bản yêu cầu nhà xuất bản tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, bán hàng, các chi phí khác để đảm bảo giá SGK thấp nhất. Đồng thời, có công văn gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục được Nhà nước định giá và có chính sách trợ giá.
Không có tình trạng học sinh không có SGK để học
Trao đổi với phóng viên xung quanh giá SGK mới, lãnh đạo Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT cho rằng, trước đây, SGK cũ được Nhà nước trợ giá nên giá rẻ hơn, nhưng khi thực hiện xã hội hóa xuất bản thì giá sách được tính đúng theo thị trường. Tất nhiên, chất lượng sách tốt giá phải cao hơn, nhưng không đắt đến mức người dân không thể mua được.
Đây là lần thứ 3 Bộ GDĐT triển khai đưa SGK mới vào các trường học. Mặc dù dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, song việc đăng ký SGK mới tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cơ bản thuận lợi, không có tình trạng học sinh không có sách để học hoặc gia đình không có điều kiện mua SGK cho con.
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có nhu cầu phát hành khoảng 1 triệu bản SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo chương trình mới. Theo thông tin từ Công ty cổ phần Sách-Thiết bị trường học Vĩnh Phúc, dự kiến, cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 thị trường sẽ có SGK mới.
Tuy nhiên, số sách này sẽ được đưa về các cơ sở giáo dục để phát hành cho học sinh. Hay nói cách khác, đối với SGK mới, phụ huynh, học sinh đều đăng ký mua tại các cơ sở giáo dục để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong giảng dạy và học tập.
Để đảm bảo đủ SGK mới phát hành đến các cơ sở giáo dục, cuối tháng 2, UBND tỉnh đã có quyết định về việc thành lập các Hội đồng lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 nhằm giúp địa phương lựa chọn SGK theo quy định, tiêu chí của Bộ GDĐT và của tỉnh.
Sau khi nghiên cứu tất cả các SGK thuộc danh mục SGK do Bộ GDĐT phê duyệt, tháng 4/2022, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để các nhà trường, địa phương đăng ký, đảm bảo đủ SGK cho học sinh.
Đồng thời, giao sở GDĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các đơn vị giáo dục sử dụng, lựa chọn SGK được phê duyệt theo đúng quy định hiện nay.
Thiết nghĩ, những nhận xét, đóng góp ý kiến của người dân, Đại biểu Quốc hội xung quanh việc biên soạn SGK mới cần được những người đứng đầu ngành Giáo dục lắng nghe, tiếp thu toàn diện để có kế hoạch, chương trình hành động trong thời gian tới.
Chủ trương đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song phải đảm bảo tính dân chủ, khách quan, minh bạch vì quyền lợi của học sinh và người dân.