Nhiều yếu tố chi phối thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán chịu tác động từ nhiều yếu tố mang tính bất định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động xoay quanh các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ.

Bước sang tháng 5, thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố vĩ mô, từ kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp, đến việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới KRX, diễn biến đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ, kỳ họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đây là những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn.

*Chịu tác động từ nhiều yếu tố mang tính bất định

Thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 4 đầy biến động. VN-Index mất hơn 80 điểm trong tháng 4, tương đương 6,2% và đứng thứ hai trong danh sách những chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.

Trái ngược với những biến động mạnh những phiên đầu tháng 4 do áp lực từ thuế quan Mỹ, thị trường chứng khoán phiên cuối cùng tháng 4 diễn ra yên ả, ít biến động cả về điểm số lẫn thanh khoản.

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, VN-Index giảm nhẹ 0,5 điểm về mức 1.226,30 điểm, VN30-Index giảm 2,59 điểm về mức 1.309,73 điểm.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Việc thị trường chứng khoán ít biến động những phiên giao dịch cuối tháng 4 cho thấy tâm lý phân vân của nhà đầu tư, khi cơ hội và rủi ro đang đan xen trên thị trường chứng khoán.

Thực tế, thị trường chứng khoán hiện chịu tác động từ nhiều yếu tố mang tính bất định, trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động xoay quanh các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ.

Dù vậy, điểm sáng đáng chú ý là hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) dự kiến sẽ được vận hành ngay sau kỳ nghỉ lễ. Đây là yếu tố có thể tạo tác động tích cực về mặt tâm lý trong ngắn hạn, khi thị trường kỳ vọng vào một hạ tầng giao dịch hiện đại hơn và có khả năng mở ra cơ hội cho các sản phẩm mới như T+0, giao dịch trong ngày, hay cải thiện độ tin cậy hệ thống.

Nếu được vận hành trơn tru, hệ thống có thể là chất xúc tác giúp cải thiện thanh khoản và củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường đang tìm kiếm điểm tựa tâm lý.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Giới phân tích cho rằng, thị trường đang trong vùng “nhạy cảm” về thông tin, nơi yếu tố tâm lý dễ dàng lấn át yếu tố cơ bản trong ngắn hạn.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), trong tháng 4 cũng đã có khá nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh. CSI cập nhật hơn 600 doanh nghiệp công bố thông tin kết quả kinh doanh (đại diện 41% vốn hóa) có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý I/2025 là 17,2% so với cùng kỳ; trong đó, nhóm ngân hàng tăng 16,1%, nhóm chhứng khoán giảm 2%, nhóm phi tài chính tăng 23,5%.

Đây vẫn là một mức tăng trưởng khá ổn định và dự báo toàn thị trường sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2025 từ (18%-20%) so với cùng kỳ. Đây sẽ là điểm sáng tích cực trong tháng 5 giúp VN-Index hồi phục lên ngưỡng 1.300 điểm, CSI nhận định.

CSI cho rằng, VN-Index có 2 phiên liên tiếp giảm điểm trước nghỉ lễ, song biên độ giảm điểm không đáng kể.

Bên cạnh đó thanh khoản cũng suy giảm mạnh, khối lượng khớp lệnh thấp hơn 43,2% so với mức bình quân 20 phiên gần nhất. Phần lớn các nhà đầu tư đều rất thận trọng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài nên rất hạn chế giao dịch trong 2 phiên này. Vì vậy 2 phiên giảm điểm vừa qua không có nhiều tác động đủ động lực để thay đổi xu hướng hồi phục trước đó.

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội nhận định, thị trường đang cân bằng trở lại sau giai đoạn chịu áp lực bán mạnh. Áp lực cung ngắn hạn, áp lực dư nợ ký quỹ giảm tương đối và kết quả kinh doanh là động lực cho thị trường phục hồi. Tuy nhiên với nhiều yếu tố cơ bản đã suy yếu. VN-Index có thể sẽ tích lũy kéo dài trong biên độ hẹp cho đến khi bắt đầu có thông tin về kết quả đàm phán thương mại.

SHS cho rằng rất nhiều mã, nhóm mã sau giai đoạn bán tháo vẫn đang tương đối rẻ so với các yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Trong tháng 5/2025 hệ thống giao dịch mới KRX sẽ đi vào vận hành, SHS kỳ vọng thị trường có phản ứng tích cực hơn với hệ thống giao dịch mới.

Theo ông Nguyễn Việt Đức, ông Đức cho rằng KRX có thể mang lại một số kỳ vọng tích cực trong tháng 5, tuy nhiên nhà đầu tư cũng không nên kỳ vọng KRX sẽ là “liều thuốc kích thích” thị trường trong ngắn hạn. Trong bối cảnh thị trường vẫn đang ở giai đoạn điều chỉnh, nhiều thông tin tích cực như kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, kết quả kinh doanh khởi sắc hay vận hành hệ thống giao dịch mới đều chưa thể tạo hiệu ứng mạnh.

Ông Đức cho rằng, yếu tố vĩ mô vẫn giữ vai trò chi phối lớn nhất đến thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư. Trong trường hợp các chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục theo hướng cứng rắn, lợi nhuận doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng, từ đó khiến dòng tiền vào thị trường chứng khoán khó khởi sắc bất chấp các cải tiến kỹ thuật. Tâm lý nhà đầu tư vẫn đang bị chi phối bởi bất ổn kinh tế toàn cầu.

Vị chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần có cái nhìn dài hạn hơn với hệ thống KRX, xem đây là nền tảng cần thiết để cải thiện cấu trúc thị trường và hỗ trợ các sản phẩm mới trong tương lai, thay vì kỳ vọng vào tác động tức thì lên thanh khoản hoặc chỉ số trong năm 2025.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc nhìn nhận, tâm lý nghỉ lễ của nhà đầu tư đã thể hiện trong 3 phiên giao dịch trở lại đây như giá cổ phiếu, chỉ số VN-Index biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản giảm mạnh.

Hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) chính thức vận hành vào ngày 5/5 là một trong những yếu tố hỗ trợ thị trường. Khi đi vào hoạt động, hệ thống chạy ổn định sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường để hướng tới tương lai có thể ứng dụng thêm các sản phẩm mới để hỗ trợ cho nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trong quá trình đầu tư cũng như quản trị rủi ro.

Đây cũng là một trong những điều kiện để thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn thiện hơn về công nghệ, hạ tầng nhằm có thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện nâng hạng của các tổ chức xếp hạng thị trường FTSE và MSCI. Đây cũng là một yếu tố thị trường chờ đợi nhiều năm qua. Tuy nhiên, triển vọng của thị trường hiện lại đang bị bao phủ bởi những yếu tố liên quan đến thương mại, thuế quan.

Sau đợt nghỉ lễ, diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố thông tin. Thời gian qua, ngoài thông tin hệ thống KRX, nhiều thông tin tích cực khác như kết quả kinh doanh quý I/2025 khả quan; nhiều doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông thường niên thành công, có kế hoạch chia cổ tức cả bằng cổ phiếu và tiền mặt với tỷ lệ cao đã hỗ trợ thị trường. Sau kỳ nghỉ lễ, những thông tin về thương mại, những cuộc đàm phán giữa các quốc gia với Hoa Kỳ sẽ là những thông tin chính ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.

Rất có thể, nhà đầu tư vẫn duy trì tâm lý thận trọng, chờ đợi thông tin về đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như diễn biến mới về khả năng có thể có đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không.

Khả năng cao, chỉ số VN-Index sẽ biến động ở biên độ hẹp, dao động trong mức 1.220-1.250 điểm trước khi đón nhận thông tin tích cực hoặc tiêu cực về diễn biến đàm phán thương mại.

Nếu thông tin tích cực, chỉ số VN-Index có thể vượt lên trên vùng dao động này. Tuy nhiên, nếu thông tin không khả quan và nhà đầu tư tiếp tục bi quan, thị trường có thể điều chỉnh giảm xuống dưới dải dao động 1.220-1.250 điểm để kiểm nghiệm lại tương quan cung - cầu. Với tình hình hiện tại, có vẻ như sẽ mất thêm thời gian hơn để các bên thực sự đạt được thỏa thuận trong vấn đề thương mại.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa nghỉ lễ, thị trường chứng khoán thế giới đã có tuần tăng điểm rất tích cực.

*Chứng khoán thế giới có tuần tăng điểm mạnh

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng điểm trong phiên ngày 3/5 sau báo cáo việc làm tích cực của Mỹ, trong bối cảnh nhà đầu tư đón nhận những tín hiệu lạc quan về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,4% lên 41.317,43 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,5% lên 17.977,73 điểm, còn chỉ số S&P 500 tăng 1,5% lên 5.686,67 điểm và tăng 2,9% trong tuần này.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Dữ liệu cho thấy tốc độ tuyển dụng tại Mỹ chậm lại ít hơn nhiều so với dự kiến vào tháng trước, với nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo thêm 177.000 việc làm. Cả chứng khoán châu Âu và Mỹ đều bật tăng sau khi dữ liệu này được công bố.

Ông Bret Kenwell, nhà phân tích tại nền tảng giao dịch eToro, nhận định báo cáo việc làm tháng Tư có thể trấn an các nhà đầu tư rằng thị trường lao động vẫn đang vững vàng, giúp họ thêm tin tưởng rằng nền kinh tế cũng có thể đứng vững.

Ông Tom Cahill thuộc Ventura Wealth Management mô tả báo cáo việc làm công bố ngày 2/5 là sự xác nhận cho hầu hết dữ liệu được công bố trước đó trong một tuần dày đặc các chỉ số kinh tế quan trọng. Mặc dù báo cáo GDP gây thất vọng, song dữ liệu tiêu dùng của Mỹ vẫn vững chắc trong khi dữ liệu lạm phát ở mức vừa phải.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London tăng 1,2% lên 8.596,35 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 2,3% lên 7.770,48 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 2,6% lên 23.086,65 điểm.

Thị trường Paris và Frankfurt tăng hơn 2% khi các nhà đầu tư dường như phớt lờ dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát Khu vực đồng euro (Eurozone) không thay đổi, duy trì ở mức cao hơn một chút so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Thị trường London cũng tăng điểm, trong đó cổ phiếu ngành khai khoáng và hàng hóa, vốn nhạy cảm với nhu cầu của Trung Quốc, diễn biến đặc biệt tốt trong bối cảnh lạc quan về các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Trung-Mỹ.

Thị trường biến động trái chiều rồi chuyển sang tăng điểm trong hai phiên 28 và 29/4. Tâm lý thị trường được cải thiện nhờ "cuối tuần yên tĩnh", dấu hiệu ông Trump giảm áp lực lên Fed và một số động thái nhỏ từ Trung Quốc như miễn trừ thuế một số hàng hóa.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhie-u-ye-u-to-chi-pho-i-thi-truo-ng-chu-ng-khoa-n/372276.html