Nhìn hình ảnh nội soi này, không ai nghĩ ăn quá nhiều hồng xiêm lại khiến cụ bà 92 tuổi phải nhập viện cấp cứu

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa phẫn thuật nội soi thành công cho cụ bà 92 tuổi có khối dị vật thức ăn lớn ở thực quản 1/3 trên. Khối dị vật gây bít tắc và gây loét thực quản do cụ bà ăn nhiều hồng xiêm thời gian dài trước đó.

Vừa qua, Khoa Điều trị bệnh ống tiêu hóa (Bệnh viện TWQĐ 108) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ (92 tuổi) tiền sử tăng huyết áp, nhập viện vì đau rát ngực, khó nuốt, khó thở nhiều ngày. Qua khai thác bệnh sử phát hiện bệnh nhân có ăn nhiều hồng xiêm thời gian dài trước đó.

Sau khi phát hiện nuốt nghẹn, khó nuốt, cảm giác vướng trong cổ họng, ăn vào thường nôn ra ngay, bệnh nhân đã đi khám tại một số cơ sở y tế và phát hiện khối dị vật thức ăn lớn ở dạ dày.

Khối dị vật thức ăn cứng, tồn tại lâu gây loét niêm mạc xung quanh đã được lấy qua nội soi 1 lần nhưng không thành công, chỉ lấy được một phần nhỏ dị vật, các triệu chứng có giảm.

Hình ảnh cụ bà 92 tuổi và khối dị vật được các bác sĩ lấy ra. Ảnh: BVCC

Hình ảnh cụ bà 92 tuổi và khối dị vật được các bác sĩ lấy ra. Ảnh: BVCC

Gần đây các triệu chứng nặng xuất hiện trở lại, kèm theo đau ngực sau xương ức và cảm giác khó thở nhiều, không ăn uống được, nuốt nghẹn hoàn toàn, người gầy sút nhanh.

Bệnh nhân đến Bệnh viện TWQĐ 108 và được đánh giá lại qua nội soi, chẩn đoán hình ảnh thấy có khối dị vật thức ăn lớn ở thực quản 1/3 trên. Khối dị vật gây bít tắc và gây loét thực quản.

Thông qua hội chẩn ban đầu, các y bác sĩ xem xét chỉ định phẫu thuật vì khả năng lấy khối dị vật lớn qua nội soi rất khó khăn. Tuy nhiên, bệnh nhân tuổi đã cao, phẫu thuật nhiều rủi ro nên đội ngũ thầy thuốc đã trao đổi với gia đình bệnh nhân, quyết định tiến hành lấy dị vật qua nội soi.

Ca lấy dị vật tiến hành trong hơn 2 giờ đồng hồ. Do khối bã thức ăn rắn và lớn nên không thể dùng các dụng cụ thông thường. Kíp kỹ thuật đã tiến hành dùng thòng lọng tự tạo cắt nhỏ khối dị vật sau đó gắp dần ra ngoài.

Nhờ sự nỗ lực, tỉ mỉ của kíp kỹ thuật đã lấy thành công dị vật, bảo toàn, không làm tổn thương thêm thực quản. Bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh, ăn uống trở lại bình thường và xuất viện 3 ngày sau đó.

Trước đó, một người phụ nữ 57 tuổi ở Nghệ An cũng phải nhập viện do đau tức thượng vị, đầy và nóng bụng. Khai thác bệnh sử người này mua 1kg hồng giòn về nhà ăn.

Qua chụp X-quang cho thấy, bệnh nhân có khối bã thức ăn kích thước lớn trong dạ dày, màu trắng ngà, gây viêm xuất huyết niêm mạc dạ dày.

Bác sĩ nội soi cắt khối bã thành nhiều miếng nhỏ, sau đó đưa ra ngoài thông qua đường miệng. Sau hơn một giờ, toàn bộ khối bã mới được lấy ra ngoài. Bệnh nhân hồi phục sức khỏe, ăn uống bình thường.

Từ các trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo sau khi ăn quả hồng xuất hiện các triệu chứng đau quặn bụng, đau âm ỉ nhiều ngày kèm nôn mửa, nôn ra máu, cần đến bệnh viện để thăm khám và can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, cần cẩn thận trong ăn uống để tránh xảy ra những điều đáng tiếc, hiểm họa có thể xảy ra ở những điều bình thường nhất.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nhin-hinh-anh-noi-soi-nay-khong-ai-nghi-an-qua-nhieu-hong-xiem-lai-khien-cu-ba-92-tuoi-phai-nhap-vien-cap-cuu-172230404203342679.htm