Nhìn khác về chiếc cần câu giúp người nghèo bớt khó
Những mô hình sản xuất thành công nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Nông nghiệp Quốc tế IFAD có một điểm chung, không đơn giản là câu chuyện cần câu, con cá.
Buổi lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam – IFAD được tổ chức long trọng sáng ngày 24/10 tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Phó Chủ tịch IFAD, ông Guoqui Wu, Giám đốc IFAD Việt Nam, ông Ambrosio Barros, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như minh chứng cho sự đóng góp và cam kết lâu dài giữa hai bên vì mục tiêu đầu tư vào người dân vùng nông thôn, hỗ trợ người nghèo vượt qua tình trạng nghèo khó.
Đã có sự ghi nhận, cảm kích, có cả lời hứa hẹn hợp tác trong thời gian sắp tới nhưng có lẽ, điều gây ấn tượng hơn cả là những dự án, những người dân được thụ hưởng lợi ích từ sự đồng hành của IFAD, cùng các đối tác Việt Nam.
Không chỉ là thu nhập, đó còn là… hạnh phúc
Chị Lý Thị Thái, bản Na Hai, huyện Ba Bể, Bắc Kạn là trưởng một nhóm dệt thổ cẩm người địa phương.
Nhóm được thành lập nhờ dự án 3PAD (Pro-Poor Partnership for Agro-Forestry Development) của IFAD, tập trung vào nhóm những người phụ nữ nghèo nhất, rất cần một khoản thu nhập ổn định, bền vững.
Lúc đầu nhóm có 26 chị em, mỗi người được nhận 600.000 đồng để mua kim chỉ và nguyên liệu. Những chị em này được tập huấn 10 ngày về kỹ năng dệt, thiết kế, trình bày dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Sau đó, họ tiếp tục dệt thổ cẩm tại nhà, trong những lúc rảnh rỗi.
Theo chuyên gia tư vấn của 3PAD, thay đổi lớn nhất là chất lượng của sản phẩm, họ học được cách đáp ứng thị hiếu của khách hàng Việt Nam và phương Tây, đồng thời biết cách mang sản phẩm tới thị trường, là những du khách đến thăm hồ Ba Bể.
Với sự nỗ lực của những người tham gia, theo dự tính, từ năm 2013, mỗi thành viên tham gia sẽ có thu nhập tăng thêm hàng tháng là 700.000 đồng.
Hiện tại, một phần ba số hộ gia đình trong bản có thành viên tham gia vào nhóm dệt thổ cẩm. Những sản phẩm làm ra giúp tăng thêm thu nhập cho 150 hộ gia đình, mà quan trọng nhất, người dân thấy được rằng, nghề thổ cẩm truyền thống có thể giúp họ thoát khỏi đòi nghèo.
Chị Đỗ Thị Cẩm Phương, huyện Chợ Lách, Bến Tre thực hiện được giấc mơ của mình theo một cách khác. Khởi đầu với vài chiếc máy may cũ thành lập xưởng may gia công nhỏ tại nhà, chị được dự án DBRP (Developing Business with the Rural Poor Programme) đầu tư 10 máy may công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 24 phụ nữ địa phương với mức thu nhập 1,5 triệu đồng – 1,8 triệu đồng/tháng.
Đối với chị Phương, dự án không chỉ mang lại thu nhập mà còn mang lại hạnh phúc cho gia đình chị, khi chồng chị không cần phải đi tới tỉnh khác tìm kiếm những công việc thời vụ. Họ có thể cùng nhau làm việc hàng ngày.
Lão nông khởi nghiệp tuổi 70
Năm 2017, Dự án Thích ứng với Biến đổi Khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (AMD) tại Bến Tre triển khai một số mô hình trang trại điểm. Xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam nhận quỹ để xây dựng mô hình nuôi giun đất. Lão nông Nguyễn Văn Thêm, khi ấy đã 70 tuổi, quyết định tham gia mô hình này.
Gia đình ông Thêm từng nuôi bò, ông dự định sử dụng chất thải của bò để nuôi giun đất.
Tuy nhiên, người nông dân tuổi thất thập không dừng lại ở đó, ông quyết định mở rộng quy mô nuôi giun đất và đầu tư vào nuôi ếch và tôm càng xanh trong các hố đào ngay tại vườn nhà.
Ông Thêm bán ếch và tôm cho người dân trong vùng và ở các chợ địa phương, với mức giá cao hơn giá thị trường vì con tôm, con ếch ông nuôi theo cách hoàn toàn tự nhiên.
Ông Thêm chia sẻ: “Lúc đầu, rất nhiều người cười nhạo và nói rằng, nỗ lực của tôi sẽ chẳng đi tới đâu. Dần dần, tôi chứng tỏ cho họ thấy công việc của tôi có thành tựu. Kinh tế gia đình tôi đã vững vàng hơn từ khi tôi xây dựng mô hình trang trại này”.
Ba câu chuyện nói trên nằm trong số 16 dự án mà IFAD đã hỗ trợ triển khai trên nhiều tỉnh thành của Việt Nam.
Điểm chung của các bài học thành công này là sự chủ động, nỗ lực và năng lực nội tại của chính từng thành viên tham gia các dự án.
Người nghèo, người thu nhập thấp cần chiếc cần câu nhưng đó phải là chiếc cần câu phù hợp, để câu con cá vừa vặn với năng lực của họ.