Nhìn lại 1 tháng phân luồng cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Bài 1: Cơ sở nào phân luồng, san tải sang QL1?
Cách đây hơn 1 tháng, khi sự cố và TNGT trên tuyến Cam Lộ - La Sơn tăng nóng, để bảo đảm trật tự ATGT trước khi được đầu tư mở rộng từ 2 làn xe thành 4 làn xe, Cục Đường bộ Việt Nam (Cục ĐBVN) bên cạnh việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh nhiều biện pháp đảm bảo ATGT trên tuyến còn tổ chức phân luồng san tải một số loại phương tiện sang QL1, đoạn qua tỉnh Quảng Trị.
Nhận diện đúng bản chất phương án phân luồng giao thông
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về phương án phân luồng giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 22/4, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, dựa vào cơ sở kiểm đếm và phân tích loại xe lưu thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đạt 9.989 PCU (hệ số quy đổi xe các loại ra xe con) so với năng lực thông hành tính toán đối với đường ô tô 2 làn xe không có dải phân cách là 9.200-11.000 PCU thì tuyến cao tốc này hiện đã vượt ngưỡng mãn tải.
Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98 km, được đưa vào khai thác từ ngày 1/1/2023, với phần đường các đoạn tuyến thông thường (giai đoạn phân kỳ) đoạn Cam Lộ - La Sơn được đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m. Riêng các đoạn vượt xe được thiết kế quy mô theo giai đoạn hoàn chỉnh được đầu tư quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 23,25 m.
Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan khởi công vào tháng 12/2013, có tổng chiều dài toàn tuyến là 77,5 km nối từ ngã ba La Sơn vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.500 tỉ đồng. Đoạn cao tốc La Sơn - Hòa Liên được đưa vào khai thác năm 2022 với chiều dài 66 km, bắt đầu tại ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) vào đến nút giao Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) kết nối với cao tốc La Sơn-Túy Loan (Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng) dài 77,5 km tạo thành tuyến cao tốc dài hơn 175 km và gắn kết với cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, cũng như đoạn tuyến dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (đang thi công), tạo trục động lực xuyên miền Trung.
Trong khi đó, theo số liệu đếm xe trên QL1 qua tỉnh Quảng Trị đạt 26.852 PCU so với năng lực thông hành tính toán đối với đường ô tô 4 làn xe có dải phân cách khoảng từ 31.000 - 33.500 PCU, còn dư khoảng 6.000 PCU mới đến ngưỡng mãn tải.
Do đó, việc phân luồng điều tiết giao thông từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn sang các tuyến khác như QL1, đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) và một số tuyến khác là phù hợp, bảo đảm lưu lượng tham gia trên tuyến không quá mãn tải.
Theo ông Cường, do nguyên nhân bất lợi khách quan khi đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là khó khăn về nguồn vốn nên dự án phải phân kỳ đầu tư, dẫn đến kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Trong khi tuyến cao tốc đưa vào khai thác chưa thu phí đã thu hút lượng lớn phương tiện lưu thông qua đây.
Cùng với đó, điều kiện khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn bị ảnh hưởng nhiều do thời tiết hay mưa, sương mù dẫn đến tình trạng trơn trượt cho các phương tiện tham gia giao thông, nhất là xe tải nặng dễ gây ra tai nạn. Vì vậy, trong lúc chờ bố trí vốn để đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe, trên cơ sở những phân tích và khả năng phục vụ của tuyến QL1, việc điều tiết, phân luồng lại giao thông, cấm không cho xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, xe từ 6 trục trở lên (gồm cả xe thân liền và tổ hợp xe đầu kéo) lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn là hợp lý, bảo đảm tính khoa học.
"Do cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới được đầu tư phân kỳ 2 làn xe, nên việc phân luồng như hiện nay được coi là phương án tối ưu nhất, còn về lâu dài thì Cục ĐBVN tiếp tục kiến nghị để sớm đầu tư mở rộng tuyến thành 4 làn xe hoàn chỉnh. Trên cơ sở ý kiến của địa phương, cục sẽ tiếp thu và nghiên cứu nhằm đưa ra giải pháp khai thác hợp lý hơn trong thời gian tới", ông Cường thông tin.
Nói về nguyên nhân các vụ TNGT trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, ông Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhìn nhận, qua phân tích và đánh giá thì nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT trên (ngoài hạn chế về điều kiện hạ tầng chưa hoàn chỉnh) thì nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp vẫn do ý thức của người tham gia giao thông.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, ngoài hạn chế về điều kiện hạ tầng chưa hoàn chỉnh, thì nguyên nhân dẫn đến TNGT trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn chủ yếu và trực tiếp vẫn do ý thức của người tham gia giao thông, đi không đúng làn đường, vượt ẩu, dừng xe không đảm bảo quy định, không chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu đường bộ, chở hàng quá tải trọng, không giữ khoảng cách an toàn …
Để ngăn ngừa, kéo giảm TNGT trên tuyến cao tốc này, ông Thắng cho rằng nên lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động, tổ chức các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp lái xe cố tình vi phạm về Luật Giao thông đường bộ. Bố trí hệ thống điện chiếu sáng, làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ…Đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình TTATGT trên cao tốc để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, tổ chức giao thông phù hợp với quá trình khai thác góp phần đảm bảo tốt công tác đảm bảo TTATGT qua địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng như trên toàn tuyến.
Điều chỉnh, bổ sung, tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT trên tuyến Cam Lộ -La Sơn - Hòa Liên
Thời gian quan, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT), Khu QLĐB II (Cục ĐBVN) đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tăng cường một loạt biện pháp ATGT trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, như hệ thống biển báo, cọc tiêu dẫn hướng, hộ lan, đinh phản quang, vạch sơn, tim đường...và xây dựng 2 trạm dừng nghỉ tạm thời tại km64+200 trái tuyến và tại km77+800 phải tuyến.
Không chỉ trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tuyến đường tiếp nối La Sơn - Hòa Liên cũng được cơ quan quản lý đường bộ tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT. Từ công tác kiểm tra thực tế hiện trường tổ chức giao thông, nâng cao ATGT tuyến La Sơn - Hòa Liên từ km35+540 - km65+802 qua địa bàn TP. Đà Nẵng, thời gian qua, Khu QLĐB III đã tổ chức thực hiện, bổ sung, điều chỉnh nhiều giải pháp đảm bảo ATGT trên tuyến.
Cụ thể, trên toàn tuyến và vị trí xảy ra vụ TNGT tại km36+400, Khu QLĐB III đã chỉ đạo đơn vị quản lý bảo dưỡng thay thế biển báo hạn chế tốc độ 60 km/h tại km36+859 trái tuyến thành 40 km/h, kết hợp tháo bỏ biển phụ "xe tải và xe khách" và bổ sung biển báo hạn chế tốc độ 60 km/h tại km37+050 (trái tuyến); bổ sung tiêu dẫn hướng phía lưng đường cong, sơn gồ giảm tốc dạng rải đều khoảng cách 3 m/vạch; điều chỉnh các đoạn vạch sơn nét đứt màu vàng sang vạch nét liền màu vàng trên toàn bộ đoạn đường cong.
Đối với các đoạn còn lại, bổ sung các biển cảnh báo "Đoạn đường dốc quanh co - Chú ý đi chậm!"; biển "Chỗ ngoặt nguy hiểm" và "Nhiều chỗ ngoặt nguy hiểm liên tiếp" tại các đoạn đường cong nguy hiểm, khuất tầm nhìn. Bổ sung các cụm vạch giảm tốc cưỡng bức tại các vị trí đường dốc nguy hiểm; cắm bổ sung các biển báo để hạn chế tốc độ tối đa 60 km/h.
Khu QLĐB III cũng đã có văn bản kiến nghị Cục ĐBVN cho phép đầu tư công trình xử lý điểm đen TNGT và tăng cường ATGT đoạn tuyến từ km35+540 – km65+802 đoạn La Sơn - Hòa Liên, TP. Đà Nẵng với tổng kinh phí dự kiến 7,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Khu QLĐB III đã chỉ đạo đơn vị quản lý, bảo dưỡng tuyến đường triển khai ngay các giải pháp tăng cường nâng cao ATGT như bổ sung hoặc di dời/cắm các biển báo, sơn vạch kẻ đường...
Về lắp đặt camera giám sát xử lý vi phạm ATGT, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Khu QLĐB III cho biết, biện pháp trước mắt, Khu QLĐB III đã tiến hành khảo sát và dự kiến lắp đặt 5 camera loại thông thường (qua khu vực đường cong nằm, có vạch sơn tim đường liền nét, cấm vượt tại: km36+600 phải tuyến, km40+460 trái tuyến, km46+950 trái tuyến, km56+600 trái tuyến, km61+150 phải tuyến để theo dõi, giám sát các phương tiện vi phạm về làn đường.
Theo đó, Khu QLĐB III đề nghị Phòng CSGT Công an TP. Đà Nẵng phối hợp kiểm tra hiện trường và phản hồi các thông tin về thông số kỹ thuật của camera nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính thông qua hình ảnh theo quy định. Về lâu dài, Khu QLĐB III đề nghị Phòng CSGT Công an TP. Đà Nẵng báo cáo cơ quan chức năng đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát để xử phạt các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường.
Về giải pháp lắp đặt bổ sung đèn chiếu sáng, bổ sung giá long môn để lắp đặt biển báo nhắc lại (biển hạn chế tốc độ, biển cảnh báo nguy hiểm...), gia cố hộ lan trên toàn tuyến (tại các đoạn đường qua cầu, vực sâu...); gia cố các vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở, hiện nay, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang nghiên cứu để đề xuất đầu tư vào Dự án giai đoạn 2 dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan.
Có thể thấy rằng, sau khi đưa cao tốc Cam Lộ- La Sơn vào khai thác, công tác tổ chức giao thông đã xuất hiện một số hạn chế, liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT. Trước vấn đề đó, Cục ĐBVN đã chỉ đạo Khu QLĐB II phối hợp với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và đơn vị CSGT… rà soát tình hình tổ chức giao thông, báo hiệu đường bộ và công trình ATGT để khắc phục, nâng cao ATGT trên tuyến. Trong đó, giải pháp phân luồng giao thông, cấm xe tải trên 6 trục, xe khách trên 30 chỗ, xe giường nằm lưu thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn được triển khai thực hiện từ ngày 4/4 đến nay nhằm khắc phục tình hình TNGT gia tăng.
Bài 2: Không có chuyện phần luồng tuyến Cam Lộ- La Sơn làm tăng TNGT trên QL1 .