Nhìn lại 50 năm Petrovietnam: 'Một hành trình của niềm tin và bản lĩnh'

Tôi vẫn thường nghĩ, nếu đời người là một chuyến đi dài, thì có lẽ tôi đã may mắn được đi qua một chặng đường không dễ gì lặp lại, đó là hành trình chứng kiến và góp phần kiến tạo nên một lĩnh vực mũi nhọn của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam): Dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

Trong 50 năm phát triển của Petrovietnam, thì dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã đồng hành trên dưới 40 năm - một khoảng thời gian đủ dài để mọi thứ đổi thay, từ những bản vẽ nguệch ngoạc đầu tiên trên bàn gỗ cũ, đến những công trình biển sừng sững giữa đại dương. Nhưng điều khiến tôi nhớ nhất, không phải là những con số hay dự án lớn đã hoàn thành, mà là cảm giác thuở ban đầu khi mọi thứ vẫn còn là một khoảng trống lớn.

Khoảng trống ấy, không chỉ là về cơ sở vật chất hay thiết bị kỹ thuật, mà còn là khoảng trống của niềm tin. Tin rằng người Việt có thể làm được những việc mà lâu nay ta vẫn quen nhìn ra thế giới. Tin rằng ngành Dầu khí không chỉ là khai thác tài nguyên, mà còn có thể làm chủ những dịch vụ kỹ thuật tinh vi nhất.

Tôi còn nhớ rất rõ, vào cuối những năm 1980, khi Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, thì toàn bộ các dịch vụ hỗ trợ từ khoan, vận tải, cơ khí, đến xây lắp ngoài khơi, gần như đều do các công ty nước ngoài đảm nhiệm. Còn chúng tôi, những người Việt trong ngành, vẫn đang loay hoay đi tìm câu trả lời: “Làm sao để có một ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí của riêng mình?”.

Chính từ khoảng trống ấy, một quyết định mang tính định hướng đã được lãnh đạo ngành Dầu khí đưa ra, đó là phải nhanh chóng phát triển công nghiệp dịch vụ kỹ thuật trong nước. Và như một cái duyên, tôi được tham gia vào bước khởi đầu đầy thử thách đó. Khi hai đơn vị dịch vụ kỹ thuật đầu tiên ra đời: Công ty Địa vật lý và Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (GPTS) và Công ty Dịch vụ Dầu khí (PSC), chúng tôi không có gì nhiều trong tay, thiếu trang thiết bị, thiếu kinh nghiệm quốc tế, nguồn nhân lực cũng còn rất non trẻ. Nhưng chúng tôi có một thứ quan trọng nhất, đó là khát vọng làm chủ.

Tàu Bình Minh - tàu khảo sát địa chấn ven biển đầu tiên của Tổng cục Dầu khí (Ảnh tư liệu năm 1986)

Tàu Bình Minh - tàu khảo sát địa chấn ven biển đầu tiên của Tổng cục Dầu khí (Ảnh tư liệu năm 1986)

Đến năm 1993, trước sức ép ngày càng lớn từ môi trường cạnh tranh quốc tế, ngành Dầu khí đứng trước yêu cầu phải có một tổ chức đủ mạnh, đủ thực lực để giữ được thị phần ngay trên sân nhà. Việc sáp nhập GPTS và PSC thành Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (tiền thân của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC ngày nay) khi đó là một quyết định kịp thời và vô cùng đúng đắn, không chỉ là sự cộng gộp đơn thuần về tổ chức, mà là sự kết hợp những gì tinh túy nhất của hai đơn vị về kỹ thuật, nhân lực và cơ sở vật chất.

Nhưng chặng đường phát triển của PTSC không hề bằng phẳng. Chúng tôi khởi đầu với mặt bằng rất thấp cả về thiết bị, kỹ thuật lẫn nhân lực. Trong khi đó, các đối thủ nước ngoài đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm năm kinh nghiệm. Không có lựa chọn nào khác, chúng tôi phải học nhanh, làm thật, và chấp nhận va đập với thực tế. Chúng tôi lăn lộn ngoài công trường, tiếp cận công nghệ mới, vừa học vừa làm, và dần dần tạo dựng uy tín không chỉ trong nước mà cả với các nhà thầu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Chính trong giai đoạn đầy gian khó ấy, một bản sắc rất riêng của PTSC đã được hình thành, đó là sự năng động, quyết liệt, không sợ thất bại và không ngừng đổi mới. Lớp cán bộ thời đó, không chỉ góp phần phát triển PTSC, mà còn là nơi tôi luyện nhiều lãnh đạo chủ chốt cho ngành Dầu khí sau này.

PTSC đã trở thành lực lượng nòng cốt, đặt nền móng cho sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam. Từ nền tảng đó, PTSC đã từng bước xây dựng vị thế vững chắc ngay trên chính thị trường nội địa, đồng thời tạo tiền đề để mở rộng ra quốc tế. Cũng chính từ PTSC, theo dòng phát triển, nhiều đơn vị dịch vụ kỹ thuật khác đã hình thành và lớn mạnh, từ dịch vụ khoan, vận tải, thương mại, cho đến phân phối sản phẩm dầu khí. Đến hôm nay, năng lực dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam đã vươn lên rõ rệt, vượt khỏi mặt bằng khu vực, điều mà cách đây vài thập niên, rất ít người dám hình dung.

Căn cứ dịch vụ dầu khí PTSC Vũng Tàu (năm 1997)

Căn cứ dịch vụ dầu khí PTSC Vũng Tàu (năm 1997)

Tôi luôn tin rằng, dịch vụ kỹ thuật không chỉ là một mảng kinh doanh phụ trợ, mà là xương sống, là nơi thử lửa tinh thần tự lực của ngành Dầu khí. Không thể có một ngành công nghiệp dầu khí thực thụ nếu không có hệ sinh thái dịch vụ mạnh và chủ động. Chính nhờ dịch vụ, chúng ta mới có thể làm chủ, tự vận hành những dự án lớn.

Một minh chứng rõ ràng nhất là Dự án Biển Đông 01. Đây là dự án không chỉ lớn về quy mô, mà còn đặc biệt nhạy cảm về mặt địa chính trị. Khi những nhà thầu nước ngoài có tiềm lực đều rút lui vì sức ép tranh chấp, nhiều người đã hoài nghi về khả năng Việt Nam có thể tự thực hiện được một dự án lớn như vậy. Nhưng dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam đã làm được, bằng chính nội lực của mình.

PTSC, cùng các đơn vị dịch vụ kỹ thuật khác, đã đảm nhận vai trò chủ lực trong thi công dự án: từ căn cứ cảng, tàu thuyền, giàn khoan, cơ khí chế tạo đến xây lắp công trình biển. Từng hạng mục đều do người Việt đảm nhiệm. Đó không chỉ là thành công về mặt kỹ thuật, mà là một chiến thắng về niềm tin. Và từ sau thành công ấy, con đường phát triển tự chủ càng được khẳng định vững chắc hơn bao giờ hết.

Từ những nỗ lực ban đầu ấy, ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã từng bước khẳng định vai trò của mình trong tổng thể sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn, khi giá dầu xuống thấp, thị trường biến động mạnh, không ít khâu trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng nặng nề thì chính các đơn vị dịch vụ kỹ thuật, cùng với các lĩnh vực lọc hóa dầu, điện, đạm… đã trở thành lực lượng hậu phương vững chắc, góp phần duy trì sự ổn định cho toàn ngành.

Đó là một đóng góp không dễ cân đong bằng con số, nhưng lại mang ý nghĩa chiến lược về dài hạn. Cũng chính từ môi trường thực tiễn khốc liệt ấy, đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong ngành dịch vụ dầu khí từng bước trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm và được tin tưởng giao nhiều trọng trách. Đến nay, có thể thấy rất rõ rằng, đội ngũ lãnh đạo các cấp của Petrovietnam xuất phát hoặc từng kinh qua lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật chiếm một con số không nhỏ, và cũng không phải ngẫu nhiên.

Khối thượng tầng Giàn xử lý trung tâm PQP-HT (Dự án Biển Đông 01) được chế tạo tại khu vực cảng PTSC, Vũng Tàu, năm 2011.

Khối thượng tầng Giàn xử lý trung tâm PQP-HT (Dự án Biển Đông 01) được chế tạo tại khu vực cảng PTSC, Vũng Tàu, năm 2011.

Hiện nay, với uy tín và thương hiệu đã được gây dựng qua nhiều thập niên, ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí đang mạnh dạn mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới mang tính chiến lược, như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuỗi cung ứng toàn cầu LNG, và phát triển điện gió ngoài khơi. Những hướng đi này không chỉ phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, mà còn thể hiện sự nhạy bén, năng động và tư duy đổi mới rất rõ nét của thế hệ lãnh đạo kế cận ngày hôm nay.

Dù vậy, cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, việc chuyển sang các lĩnh vực mới không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm quá khứ hay cơ sở vật chất sẵn có. Thành công trong những lĩnh vực này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quản trị rủi ro, năng lực kỹ thuật và chất lượng nhân lực. Nếu làm được điều đó một cách bài bản, ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí chắc chắn sẽ tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới, tạo dựng được dấu ấn rõ nét hơn trên trường quốc tế.

Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC ngày nay.

Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC ngày nay.

Sau từng ấy năm gắn bó, có lẽ điều đọng lại lớn nhất trong tôi là niềm tin vào nội lực. Khi bắt đầu, ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí gần như trắng tay. Nhưng bằng sự nỗ lực bền bỉ, bằng tinh thần không cam chịu lệ thuộc, bằng quyết tâm không chùn bước trước khó khăn, ngành đã vươn lên khẳng định mình, từ chỗ hoàn toàn bị chi phối bởi bên ngoài, đã trở thành một lực lượng đủ năng lực làm chủ.

Tôi rất hạnh phúc khi thấy các thế hệ tiếp nối ngày càng năng động, quyết liệt và mạnh dạn hơn trong tư duy phát triển. Đó là tín hiệu đáng mừng, đặc biệt trong bối cảnh vai trò của ngành Dầu khí trong nền kinh tế đã có nhiều thay đổi. Nếu trước đây, có những năm ngành đóng góp trên 30% ngân sách quốc gia, thì nay tỷ trọng ấy còn khoảng 10%. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngành Dầu khí giảm đi vị thế, mà là toàn nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển đa dạng hơn, sâu rộng hơn.

Trong bối cảnh ấy, tôi cho rằng lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí vẫn có rất nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt khi biết chủ động tìm tòi và sáng tạo, biết định vị lại vai trò trong chuỗi giá trị năng lượng mới. Với tinh thần đó, tôi hoàn toàn tin tưởng vào con đường chuyển mình mà các bạn đang đi, tin vào sự trưởng thành và trách nhiệm của thế hệ làm dịch vụ kỹ thuật ngày nay - những người đang viết tiếp hành trình mà chúng tôi, từ hơn 3 thập niên trước, đã khởi đầu từ những viên gạch đầu tiên.

Nguyễn Xuân Nhậm
(Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam,

Nguyên Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí)

Ông Nguyễn Xuân Nhậm

Ông Nguyễn Xuân Nhậm

Khi nhìn lại hành trình nửa thế kỷ của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), ông Nguyễn Xuân Nhậm thấy mình thật may mắn vì được có mặt từ những ngày đầu, được chứng kiến và góp một phần công sức vào quá trình hình thành và phát triển ấy. Từ những bước đi ban đầu của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam vào tháng 9/1975, cho đến hôm nay, Tập đoàn đã trưởng thành vượt bậc, trở thành lực lượng trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Ông tự hào vì trong suốt chặng đường ấy, dịch vụ kỹ thuật dầu khí - tưởng chừng chỉ là khâu phụ trợ, đã vươn lên thành một lĩnh vực mũi nhọn, góp phần quan trọng vào việc tạo dựng nội lực và khả năng tự chủ cho toàn ngành. Và ông càng tự hào hơn khi biết rằng trong thành công chung của Petrovietnam hôm nay, có dấu ấn của rất nhiều con người đã lặng lẽ, bền bỉ đóng góp cho ngành dịch vụ dầu khí từ những năm tháng khởi đầu khó khăn cho đến hiện tại.

Niềm tự hào ấy không thuộc về riêng ai, mà thuộc về tất cả những thế hệ đã nối tiếp nhau xây dựng nên một ngành công nghiệp năng lượng mang bản sắc Việt Nam, đủ sức vươn ra biển lớn. Với tinh thần đó, ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí sẽ tiếp tục đóng vai trò xứng đáng trong tiến trình xây dựng Petrovietnam trở thành một tập đoàn năng lượng hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững trong thời đại mới.

Trúc Lâm
(Biên tập theo lời kể của ông Nguyễn Xuân Nhậm)

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nhin-lai-50-nam-petrovietnam-mot-hanh-trinh-cua-niem-tin-va-ban-linh-727016.html