Nhìn lại chặng đường đã qua để đi tới
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập ngày 19/5/2006 trên cơ sở tổ chức lại Quỹ Hỗ trợ phát triển và chính thức đi vào hoạt động từ 1/7/2006, với nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ, VDB còn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện những nhiệm vụ quan trọng khác nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư phát triển của nền kinh tế.
Chặng đường 17 năm phát triển
Trải qua 17 năm xây dựng và phát triển, VDB luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan Trung ương và địa phương, sự đồng hành của các doanh nghiệp. VDB đã từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao với vai trò là ngân hàng chính sách của Chính phủ.
Từ khi thành lập đến nay, VDB đã cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tương đối lớn, đáp ứng một phần quan trọng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế. Phần lớn những dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB có tổng mức đầu tư lớn, thời gian đầu tư và thu hồi vốn kéo dài.
Từ khi thành lập đến nay, VDB đã cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tương đối lớn, đáp ứng một phần quan trọng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế.
Việc tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước giúp chủ đầu tư đủ sức thực hiện nhiều dự án lớn, quan trọng (như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Ninh Bình, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa TH, Nhà máy Khí điện đạm Cà Mau…) và nhiều dự án thuộc các chương trình kinh tế trọng điểm và các chương trình mang tính xã hội khác (xây mới, mở rộng cơ sở khám chữa bệnh của 18 bệnh viện công; kiên cố hóa kênh mương, tôn nền vượt lũ, giao thông nông thôn…).
Đặc biệt, trong 17 năm hoạt động, VDB đã cho vay gần 200 dự án trọng điểm (nhóm A) trên phạm vi cả nước, trong đó hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ bản (xi-măng, thép, điện, giấy, phân bón, chế biến cao-su, cơ khí, vệ tinh viễn thông) với tổng số vốn vay chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư, tác động tích cực đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền và cả nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đó, thông qua nguồn vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, VDB đã cho hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu thuộc đối tượng vay vốn để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với các đối tác nước ngoài, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU… đến các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi.
Ngoài việc tài trợ vốn tín dụng xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, hàng đầu cả nước có vai trò đòn bẩy đối với ngành hàng xuất khẩu, VDB còn tài trợ các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Với doanh số cho vay xuất khẩu lên đến hơn 142 nghìn tỷ đồng, VDB đã giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, tranh thủ thời cơ mở rộng và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp giữ vững thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới và tiềm năng, góp phần hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, mở rộng quan hệ đối tác chiến lược, tình hữu nghị với các nước trên thế giới (xuất khẩu sang Cuba, Iraq…) theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ trong hợp tác kinh tế và quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
Cùng với việc thực thi chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu Nhà nước, VDB còn thực hiện nhiệm vụ cho vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Trong 17 năm hoạt động, VDB đã quản lý cho vay lại nguồn vốn ODA với 374 dự án cho vay theo Hiệp định của Chính phủ với tổng số vốn cam kết hơn 14 tỷ USD và dư nợ (quy đổi) gần 160 nghìn tỷ đồng. Thông qua việc hỗ trợ kịp thời nguồn vốn ODA cho vay lại giúp các dự án phát huy được hiệu quả về kinh tế – xã hội, uy tín của VDB đối với các nhà tài trợ quốc tế không ngừng được nâng cao, góp phần khẳng định vị thế cơ quan cho vay lại ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài hàng đầu ở Việt Nam.
Cùng với các hoạt động cho vay trực tiếp nói trên, các hình thức hỗ trợ gián tiếp khác của VDB như hỗ trợ sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các tổ chức tín dụng… cũng góp phần quan trọng trong việc mở rộng thêm các kênh tài trợ vốn thương mại, thúc đẩy huy động nguồn lực xã hội dành cho đầu tư phát triển, đồng thời làm tăng quy mô tín dụng của các tổ chức tín dụng, tăng tổng dư nợ nền kinh tế.
Thời cơ và định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo
17 năm xây dựng và phát triển vừa qua là quãng thời gian có ý nghĩa quan trọng đánh dấu những bước phát triển trong hoạt động của VDB theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ. VDB đã và đang phát huy tốt vai trò là công cụ tài trợ phát triển của Chính phủ, có những đóng góp tích cực để thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, hỗ trợ phát triển các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, chặng đường phát triển của VDB cũng chứng kiến nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động mà trong đó nổi bật là chất lượng tín dụng chưa cao và thâm hụt tài chính chậm được cải thiện. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ cả những vướng mắc về cơ chế chính sách, sự thiếu hụt về nguồn lực cũng như kinh nghiệm để vận hành VDB như một ngân hàng chính sách chuyên nghiệp của Chính phủ. Chính vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, VDB sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm khắc phục những hạn chế đang gặp phải hiện nay.
17 năm xây dựng và phát triển vừa qua là quãng thời gian có ý nghĩa quan trọng đánh dấu những bước phát triển trong hoạt động của VDB theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ.
Đến thời điểm hiện tại, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ngành, chủ trương tiếp tục cơ cấu lại VDB giai đoạn 2023-2027 đã được Bộ Chính trị thông qua. Từ chủ trương quan trọng này, thời gian tới, hàng loạt cơ chế, chính sách sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban hành hoặc điều chỉnh nhằm tháo gỡ những vướng mắc về hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động VDB, từ đó nâng cao hiệu quả của các chính sách tín dụng mà Nhà nước giao VDB thực hiện.
Với tầm nhìn như trên, hoạt động của VDB trong giai đoạn 2023-2027 sẽ phải hướng tới mục tiêu tiếp tục củng cố và phát triển mô hình hoạt động của một ngân hàng chính sách, từng bước nâng cao chất lượng tín dụng, cải thiện tình hình tài chính, nâng cao khả năng tự chủ để phát triển hiệu quả và bền vững, góp phần ngày càng lớn hơn vào việc hỗ trợ hoạt động đầu tư phát triển của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, cùng với việc tiếp tục thực hiện các công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, toàn thể hệ thống VDB từ Trụ sở chính đến các chi nhánh, Sở Giao dịch cần tập trung trí tuệ và nguồn lực để triển khai có hiệu quả một số công việc trọng tâm:
Một là: Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hoàn thiện phương án cơ cấu lại và định hướng hoạt động của VDB giai đoạn 2023-2027, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Hai là: Tích cực làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của VDB, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành.
Ba là: Báo cáo các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ phí quản lý của VDB cũng như thanh toán các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho VDB (bổ sung vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý…).
Bốn là: Hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình và văn bản quản trị nội bộ để sẵn sàng đưa vào thực hiện ngay khi các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của VDB được ban hành.
Năm là: Rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy tại Trụ sở chính cũng như các Chi nhánh, Sở Giao dịch và có những điều chỉnh cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành.
Sáu là: Làm tốt công tác tuyển dụng cũng như đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.
Bảy là: Đầu tư xứng đáng cho việc nâng cao năng lực của cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống thông tin, nhằm hỗ trợ tốt cho việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ theo mô hình của một ngân hàng hiện đại.
Tám là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý và thu hồi nợ nhằm giảm nhanh quy mô và tỷ lệ nợ xấu, lành mạnh hóa danh mục cho vay và từng bước đưa các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động tín dụng của VDB tiến dần đến chuẩn mực chung về hoạt động ngân hàng.
Để hoàn thành những công việc quan trọng này, bên cạnh sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước; toàn hệ thống VDB, từ đội ngũ lãnh đạo đến tập thể người lao động cần nỗ lực nhiều hơn với ý chí và quyết tâm xây dựng VDB thành một ngân hàng chính sách của Chính phủ hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả. Chủ động, sẵn sàng thực hiện phương án cơ cấu lại, định hướng hoạt động của NHPT giai đoạn 2023-2027 theo chủ trương của Bộ Chính trị đã thông qua và cơ chế, chính sách do Chính phủ, các bộ, ngành ban hành đối với hoạt động của VDB cho cả giai đoạn phát triển mới của VDB.
Tin rằng, từ những bài học đã đúc kết được qua chặng đường 17 năm triển khai hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước, cùng với sự chung tay, góp sức của đội ngũ lãnh đạo và người lao động từ Trụ sở chính đến các Chi nhánh và Sở Giao dịch, VDB sẽ sớm đạt được các mục tiêu đặt ra, xứng đáng là một công cụ ngày càng tin cậy của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước.
Nguồn:https://nhandan.vn/nhin-lai-chang-duong-da-qua-de-di-toi-post753437.html
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/583101-nhin-lai-chang-duong-da-qua-de-di-toi.html