Nhìn lại công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Với quyết tâm cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh, năm 2024, ngành nông nghiệp đã tập trung nguồn lực hoàn thành tốt công tác tiêm phòng vắc xin, phân bổ hóa chất, khử trùng, kịp thời khống chế các ổ dịch...
Năm 2024, trên cả nước, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm... diễn ra phức tạp; đáng chú ý là sự gia tăng đột biến của bệnh dại ở những tỉnh, thành phố trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dịch bệnh.
Tại Thanh Hóa, tuy các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt nhưng trong năm lại xuất hiện 3 ổ bệnh dại tại 2 huyện Thường Xuân và Quan Hóa. Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp trên cả nước cũng như điều kiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, ngành nông nghiệp đã đặt ra quyết tâm cao trong năm 2024 về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; UBND tỉnh Thanh Hóa cũng lấy năm 2024 là “Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo”.
Thực hiện các chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ đến các đơn vị, địa phương. Trong đó, tiêm phòng vắc xin được xem là “lá chắn” bảo vệ đàn vật nuôi đã được các huyện, thị xã, thành phố triển khai nghiêm túc. Ông Nguyễn Đình Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Triệu Sơn cho biết: “Từ kế hoạch đã được xây dựng, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện rà soát tổng đàn để tiêm phòng bắt buộc 100% vật nuôi trong diện tiêm theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, các trường hợp, ví dụ cụ thể để người chăn nuôi biết về hậu quả nếu không thực hiện tiêm phòng.
Đối với bệnh dại, tổng đàn chó, mèo được cập nhật số liệu hằng ngày, có sổ theo dõi, thống kê chi tiết đến tận từng hộ dân có xác nhận trưởng thôn, tổ dân phố, để đảm bảo tiêm phòng đạt 100% diện tiêm.
Tại các xã, thị trấn, trung tâm đã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình kỹ thuật tiêm phòng, kịp thời nắm bắt và khắc phục sai sót trong thực hiện tiêm phòng; thực hiện tiêm theo phương pháp cuốn chiếu để tránh bỏ sót; lực lượng trực tiếp tiêm phòng được trang bị đầy đủ kiến thức, dụng cụ phòng hộ, chuyên dụng để bắt chó, mèo...”.
Không chỉ ở huyện Triệu Sơn, các huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc... cũng có tỷ lệ tiêm phòng cao, hoàn thành đúng thời gian. Nhất là công tác tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh dại toàn tỉnh có tỷ lệ 96,35%, đứng thứ 3 cả nước; các ổ dịch đã được khống chế kịp thời.
Bên cạnh công tác tiêm phòng vắc xin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thực hiện phân bổ gần 33.000 lít hóa chất để triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”.
Để chủ động đánh giá các nguy cơ dịch bệnh, chẩn đoán chính xác các loại dịch bệnh nhằm ứng phó kịp thời trong các trường hợp có dịch bệnh xảy ra Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai giám sát lưu hành bệnh động vật và giám sát sau tiêm phòng; lấy 500 mẫu Swab để giám sát lưu hành bệnh cúm gia cầm, 528 mẫu giám sát sau tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, 50 mẫu sau tiêm phòng bệnh dại động vật...
Cùng với đó, công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh và tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông được thực hiện đúng quy trình, không để xảy ra sai sót...
Ông Lương Xuân Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Phòng, chống dịch bệnh được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển. Vì vậy, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi; các ổ dịch phải được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, dập tắt trong diện hẹp, không để lây lan ra diện rộng; giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi; nhất là tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục, bệnh cúm gia cầm; tiếp tục khống chế tốt bệnh dại. Bên cạnh đó, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng các huyện miền xuôi đạt từ 70% diện tiêm trở lên, các huyện miền núi đạt từ 60% diện tiêm trở lên; kiểm dịch động vật giống đạt 100%; 90% lượng gia súc, gia cầm lưu thông ra ngoài tỉnh; hơn 95% lượng gia súc, gia cầm đi qua các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông...”.