Nhìn lại hành trình 24 năm di dân vượt lũ: Bài 1: Đã an cư nhưng rất khó an sinh
LTS: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không còn chịu nhiều thiệt hại bởi lũ lụt như trước, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, sạt lở và tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Vì vậy, kết quả đạt được và cả những hạn chế, thiếu sót sau gần 1/4 thế kỷ xây dựng, di dời người dân vùng ngập lũ về các cụm, tuyến dân cư vượt lũ theo Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL vẫn sẽ là những bài học kinh nghiệm quý với các địa phương trong thích ứng bền vững với sạt lở, biến đổi khí hậu. Những vấn đề này sẽ được Báo Quân đội nhân dân đề cập trong loạt bài “Nhìn lại hành trình 24 năm di dân vượt lũ”.
Có thể khẳng định, các cụm, tuyến dân cư vượt lũ đã hoàn thành “sứ mệnh”-mục tiêu chính là bảo đảm chỗ ở an toàn, ổn định cho người dân vùng ngập lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, sinh kế cho người dân lại chưa được quan tâm, giải quyết tương xứng, làm nảy sinh không ít vấn đề...
Quyết sách đúng sau trận lũ lịch sử
Lũ năm 2000 tại ĐBSCL khiến 539 người chết, 212 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính hơn 4.600 tỷ đồng. Sau trận lũ lịch sử này, ngày 6-11-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg về phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2001-2005, trong đó có mục tiêu: Đầu tư xây dựng xong các cụm, tuyến dân cư phù hợp với quy hoạch chung, bảo đảm người dân vùng ngập lũ không phải di dời, các xã đều có trạm y tế, nhân dân được khám, chữa bệnh kịp thời, học sinh vùng ngập lũ không phải nghỉ học trong mùa lũ, từng bước có cuộc sống an toàn và ổn định, xã hội ngày càng văn minh trong điều kiện hằng năm thường xuyên có lũ. Từ kết quả thực hiện trong giai đoạn này (giai đoạn 1), ngày 26-8-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1151/2008/QĐ-TTg đầu tư xây dựng thêm các cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL (giai đoạn 2).
Tìm hiểu thực tế ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang..., chúng tôi nhận thấy, sau khoảng 20 năm đi vào hoạt động, các cụm, tuyến dân cư vượt lũ chẳng khác mấy so với những khóm, ấp dân cư lâu đời khác, thậm chí có phần hơn vì được quy hoạch bài bản; thuận tiện kết nối với trung tâm xã, thị trấn, huyện; có nhà sinh hoạt ấp, một số có trường mẫu giáo, công viên, cây xanh. Người dân đã về ở và xây dựng nhà khá khang trang, kiên cố. Hệ thống đường giao thông đều được trải thảm nhựa; đầy đủ điện và nước sạch, tiện ích cơ bản phục vụ sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Khá (63 tuổi) ở Cụm dân cư vượt lũ Tây kênh đào, ấp Long Hiệp, xã Long An (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi ở cồn Vĩnh Hòa, bị sạt lở hết. Sau đó tôi mướn đất ở cồn Long An. Mỗi mùa nước lên là chỉ có trời với nước, ngập tứ bề, cực khổ lắm. Năm 2003, nghe xã thông báo có cụm dân cư vượt lũ, tôi liền xung phong đăng ký mua nền và được chấp thuận với giá 15 triệu đồng, kích thước 8mx15m. Có chỗ ở ổn định, tôi yên tâm làm ăn và trúng mùa. Hai năm sau thì cất được nhà, trả được hết nợ mua nền, bây giờ đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ở đây rất an tâm, đầy đủ tiện ích, con cháu được học hành đầy đủ. Cháu nội đầu của tôi hiện đang học đại học”. Còn bà Trương Thị Điệp ở khu D, Khu dân cư vượt lũ Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) bày tỏ: “Trước kia, nhà tôi ở cập mé sông thuộc ấp Phú Tân, xã Phú Hữu (nay thuộc xã Phú Tân) nên thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt, sống trong lo lắng. Năm 2004, nghe thông báo có khu này nên tôi đăng ký và được duyệt mua nền kích thước 5mx20m và nhà với giá 17 triệu đồng, trả trong 10 năm. Ở đây, chúng tôi yên tâm hơn, các con mua thêm được nền ở cạnh nhà tôi để lập gia đình”.
Theo ông Lê Hữu Phú, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp), giai đoạn 1 và giai đoạn 2, tỉnh Đồng Tháp xây dựng được 263 cụm, tuyến dân cư vượt lũ với 54.658 nền chính sách, 10.405 nền sinh lợi; giải quyết chỗ ở ổn định cho các hộ dân và đạt 99% mục tiêu của chương trình. Hiện nay, tỷ lệ hộ dân được bố trí đã đầu tư xây dựng nhà ở chiếm khoảng 95%. Các cụm, tuyến dân cư này đã tạo điều kiện hình thành và phát triển các chợ nông thôn, phát sinh nhu cầu các dịch vụ, tạo điều kiện sản xuất, trao đổi hàng hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, giải quyết công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn, nâng cao giá trị các loại sản phẩm của địa phương.
Tại thị xã Tân Châu, trong hai giai đoạn, địa phương xây dựng được 43 cụm, tuyến dân cư vượt lũ với 9.470 nền, trong đó có 7.596 nền cơ bản, 1.874 nền linh hoạt. Số nền đã xét duyệt là 9.310/9.470 và đã có 9.192/9.310 hộ vào ở; có 6.602/9.310 nền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 70,91%. Còn ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, tổng số nền được tạo lập trong hai giai đoạn là 8.887 nền với 7.697 nền cơ bản (đã xét duyệt 100%), 1.085 nền linh hoạt (tổ chức bán đạt 98,25%); có 8.613 hộ dân vào ở; cấp được 3.334 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Trần Kiến Vinh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện An Phú thông tin: “Các cụm, tuyến dân cư đã tạo bước phát triển dịch vụ nông thôn cùng với chức năng chỗ trú an toàn cho dân cư trong mùa lũ. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân tốt hơn; trẻ em đến trường bình thường trong mùa lũ; sức khỏe người dân nâng cao rõ rệt, được tiếp cận chăm sóc y tế và điều trị bệnh trong mọi điều kiện thời tiết”.
Sinh kế - gốc của nhiều vấn đề
Phần lớn hộ dân thuộc diện được ưu tiên di dời, tái định cư về các cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL là hộ nghèo và cận nghèo, không nghề nghiệp, ít hoặc không có đất canh tác, thiếu vốn sản xuất, chủ yếu làm thuê hoặc dựa vào thiên nhiên kiếm sống. Khi về sống tại các cụm, tuyến dân cư này, nhiều người dân không quen với tập quán sinh hoạt, khó chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khi đó, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, khó đánh bắt.
Thiếu việc làm, thiếu vốn, phương tiện sản xuất, người dân phải đi làm ăn ở các tỉnh xa nên đã nảy sinh nhiều vấn đề nan giải. Trước hết, đó là tình trạng sang nhượng nền trái phép dẫn đến khó thu hồi tiền cho vay mua nền nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thứ hai là tình trạng nhà bỏ hoang gây lãng phí tại nhiều cụm, tuyến dân cư, điển hình là ở tỉnh Long An. Ông Trần Kiến Vinh nêu thực tế ở các cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại huyện An Phú: “Có rất nhiều hộ dân đã xây dựng nhà, vào ở nhưng lại đóng cửa đi làm ăn xa nên việc vận động nộp tiền nền nhà, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Một số hộ đã mua bán qua nhiều chủ, người được xét duyệt ban đầu không còn ở địa phương nên việc thu tiền nền nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp khó”.
Không chỉ huyện An Phú mà nhiều địa phương ở tỉnh An Giang cũng gặp khó vì quá trình thu hồi nợ cho vay mua nền tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ cực kỳ gian nan, kéo dài, không đạt kế hoạch đề ra. Phần lớn hộ dân vẫn đang trong diện hộ nghèo, cận nghèo, đi làm ăn xa tại thành phố lớn, ở nhà chỉ còn người già và trẻ em. Họ chỉ trở về địa phương vào dịp lễ, tết, thời điểm cơ quan nhà nước cũng nghỉ làm.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: “Một trong những bất cập lớn trong quy hoạch, xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ là không gắn với an sinh. Người dân vùng lũ quen sống theo con nước lớn, nước ròng, thu nhập chính của họ dựa vào nguồn lợi thủy sản. Thế nên, khi vào cụm, tuyến dân cư này, họ không thể kiếm sống được, nhất là khi lũ lớn không còn nhiều nữa. Trong khi đó, người dân vẫn phải tốn chi phí liên quan đến các dịch vụ như cấp nước, điện, tiền đổ rác, đi lại... dù ít nhưng người nghèo vẫn thấy khó khăn. Và để mưu sinh, bắt buộc họ phải bỏ hoặc bán lại nền cho người khác để quay trở về chỗ ở cũ hoặc qua nơi khác kiếm việc làm”.
Vấn đề đào tạo nghề cho người dân trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ cũng được các địa phương quan tâm. Nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn cho người dân đã được mở, nhưng ngặt nỗi có nghề lại không có việc vì hiếm hoi lắm mới có cụm, tuyến dân cư nằm gần các nhà máy, xí nghiệp. Thực tế, trong số rất nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ mà chúng tôi tìm hiểu, chỉ có Khu dân cư vượt lũ Phú Hữu A ở gần Khu công nghiệp Sông Hậu 2. Trước đây, nhiều người dân ở khu này cũng phải đi làm ăn xa ở các tỉnh Vĩnh Long, Bình Dương, Đồng Nai, TP Cần Thơ... đến khi có khu công nghiệp này mới trở về.
(còn nữa)