Nhìn lại hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
Nhìn lại hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
Sau nhiều năm thực hiện chủ trương sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp thành trung tâm GDTX - giáo dục nghề nghiệp (GDNN), bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đặt ra đối với các trung tâm này, đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền các cấp và bản thân mỗi trung tâm phải nỗ lực tháo gỡ.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện nay, toàn tỉnh có 24 trung tâm GDTX - GDNN thu hút khoảng 8.000 học sinh tham gia học tập. Mặc dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc, song các trung tâm GDNN-GDTX đều duy trì, củng cố và phát triển tốt mô hình học văn hóa kết hợp học nghề nhằm thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS. Năm học 2021-2022, 100% học sinh lớp 10 học chương trình GDTX cấp THPT đều tham gia học văn hóa kết hợp với học nghề. Nhiều trung tâm đã tổ chức được các lớp bồi dưỡng ngắn hạn như giáo dục kỹ năng sống; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; phổ biến kiến thức khoa học, kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người lao động... Đơn cử như tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Triệu Sơn, năm học 2021-2022, trung tâm đã liên kết với Trường Cao đẳng công nghệ, Kinh tế và Chế biến lâm sản Hà Nam; cao đẳng Lilama1; cao đẳng Bách khoa Việt Nam; cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật công thương Thanh Hóa duy trì 30 lớp trung cấp nghề với 957 học viên tham gia học tập. Đối với các lớp đào tạo lái xe máy, bình quân mỗi tháng tổ chức được 1 lớp với số lượng từ 100 người trở lên. Về hoạt động dạy văn hóa, nhiều năm qua, trung tâm luôn duy trì tốt chất lượng dạy và học với tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt trên 35%; 100 học sinh đỗ tốt nghiệp THPT mỗi năm. Đặc biệt về chất lượng giáo dục mũi nhọn, trong những năm qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Triệu Sơn luôn xếp nhất, nhì toàn tỉnh. Đơn cử như trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa lớp 12 năm học 2022-2023 do Sở GD&ĐT tổ chức, học sinh của trung tâm GDNN-GDTX đạt 12 giải, xếp trong tốp đầu toàn tỉnh.
Cùng với kết quả đạt được, qua khảo sát từ thực tiễn cũng như đánh giá của ngành chức năng cho thấy, hoạt động của nhiều trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Một trong những khó khăn đặt ra đó là về cơ sở vật chất. Theo thống kê, tại 24 trung tâm GDNN-GDTX và 1 trung tâm GDTX tỉnh có 443 phòng học kiên cố, 274 phòng học bán kiên cố; 43 phòng thí nghiệm, 7 phòng thư viện và 61 phòng máy tính. So với quy mô, nhu cầu học tập và yêu cầu đổi mới giáo dục, cơ sở vật chất này mới đáp ứng cơ bản việc giảng dạy lý thuyết; các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDTX cấp THPT còn thiếu, như: thư viện, phòng học bộ môn, phòng thực hành...
Theo chia sẻ của anh Lê Anh Sơn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP Sầm Sơn, trung tâm được xây dựng từ những năm 1980, từ đó đến nay chưa được tu bổ, sửa chữa lớn nên nhiều hạng mục, công trình đã có biểu hiện xuống cấp. Hiện trung tâm không có phòng học chức năng, phòng Tin học, Ngoại ngữ, phòng thực hành, dạy nghề... Đặc biệt, hơn 10 năm nay trung tâm chưa được đầu tư, mua sắm trang thiết bị, mặc dù số trang thiết bị được cấp trước đó đã hư hỏng, xuống cấp. Cũng theo anh Sơn, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, trung tâm còn rơi vào tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Sử; thiếu nhân viên hành chính. Đấy là chưa nói đến việc giáo viên dạy nghề tại trung tâm chủ yếu là giáo viên được đào tạo dạy tiếng Anh, Tin học, Kỹ thuật không phải là giáo viên giáo dục nghề chuyên ngành. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và đào tạo nghề tại trung tâm. Anh Lê Anh Sơn cho biết: Mong muốn lớn nhất của cán bộ, giáo viên và học sinh là trung tâm sớm được đầu tư xây dựng mới theo Nghị quyết số 188/NQ-HĐND của HĐND TP Sầm Sơn nhằm đáp ứng yêu cầu học tập, giảng dạy của cả giáo viên và học sinh cũng như tạo điều kiện để trung tâm phát triển toàn diện xứng tầm với sự phát triển của thành phố du lịch trọng điểm quốc gia.
Cùng với những khó khăn trên, nhiều lãnh đạo trung tâm GDNN-GDTX cho rằng, việc phân cấp quản lý cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Trước đây khi chưa sáp nhập trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp thì trung tâm GDTX cấp huyện do Sở GD&ĐT quản lý, trung tâm dạy nghề do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Sau sáp nhập, công tác chỉ đạo, quản lý do UBND cấp huyện trực tiếp đảm nhiệm, Sở Lao động - Thương và Xã hội, Sở GD&ĐT hướng dẫn thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ. Một đơn vị mà có tới 3 cơ quan tham gia quản lý, đây là một bất cập, bởi không phải lúc nào 3 đơn vị này cũng tìm được tiếng nói chung về mọi vấn đề...
Trung tâm GDNN-GDTX giữ vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ dân trí cũng như tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Từ vai trò, ý nghĩa cũng như khó khăn, thách thức đã, đang hiện hữu, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan trong tỉnh để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các trung tâm. Cùng với đó, chính quyền các cấp, ngành chức năng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực bảo đảm, phù hợp với hoạt động của cả hai hình thức học là GDTX và dạy nghề. Đặc biệt, đối với mỗi trung tâm cần phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo; chủ động tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, qua đó nâng cao chất lượng công tác dạy nghề và GDTX đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.