Nhìn lại năm 2024: Chuyển đổi số Việt Nam vươn tầm bứt phá

Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số để đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Năm 2024, Chính phủ đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là Công nghiệp công nghệ thông tin; Số hóa các ngành kinh tế; Quản trị số và Dữ liệu số làm động lực cho tăng trưởng và phát triển xã hội nhanh, bền vững. Bước sang năm 2025 - năm bản lề quan trọng, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số để đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Trước đó, từ năm 2020, Việt Nam khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021 diễn ra tổng diễn tập chuyển đổi số. Trong năm 2022, mọi hoạt động của người dân được dịch chuyển lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. 2023 là năm dữ liệu số quốc gia.

* Đồng lòng xây dựng Chính phủ số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số - người đứng đầu là Thủ tướng chính phủ, cùng sự tham gia điều phối, thúc đẩy của Bộ Thông tin và Truyền thông – Cơ quan thường trực quốc gia về chuyển đổi số, hoạt động chuyển đổi số Việt Nam diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ trên cả 3 lĩnh vực: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Ở phạm vi Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung xây dựng thể chế, ban hành chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia với nhiều văn bản quan trọng như: Ban hành Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, Chiến lược dữ liệu quốc gia, phát triển công nghiệp bán dẫn, chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, khung phát triển hạ tầng số Việt Nam… Đây là những văn bản mang tính kim chỉ nam để mở đường cho chuyển đổi số Việt Nam phát triển tập trung vào các lĩnh vực như: Công nghệ cao, thanh toán điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý dữ liệu quốc gia...

Xác định đẩy nhanh chuyển đổi số phải bằng nền tảng công nghệ, năm 2024, nền tảng số quốc gia được các bộ, ngành, địa phương huy động nhiều nguồn lực để triển khai. Theo đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai thần tốc đảm bảo liên thông, kết nối dữ liệu cho 18 bộ, 63 địa phương, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu, hơn 537 triệu lượt đồng bộ thông tin (tính đến tháng 9/2024). Gần 3.000 danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của các bộ, ngành, địa phương đã được ban hành. Đặc biệt, khối cơ quan nhà nước tích cực triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc với mức chia sẻ hơn 81 triệu giao dịch mỗi tháng trong năm 2024. Đồng thời, ứng dụng định danh điện tử VNeID được triển khai đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân lẫn công tác quản lý nhà nước. Hiện đã có hơn 20 triệu lượt sử dụng căn cước điện tử, 8 triệu tài khoản đăng nhập cổng dịch vụ công trực tuyến và hơn 14 triệu thông tin công dân tích hợp vào sổ sức khỏe điện tử.

Đến hết 30/11, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45,79% (mục tiêu 2024: 50%, năm 2025: 80%), trong đó khối bộ đạt 63,47%, khối tỉnh đạt 18,54%. Đáng nói, đối với việc ban hành chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, 100% địa phương đã ban hành chính sách về phí, lệ phí, trong đó có 4 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn phí, lệ phí (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và Quảng Nam), 57 tỉnh ban hành chính sách giảm tối đa 50% phí, lệ phí. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm là nâng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong đó, chuyển đổi số giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến.

Tháng 9/2024, theo kết quả khảo sát chính phủ điện tử được Liên Hợp quốc công bố, Việt Nam đứng thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ với mức vươn lên 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có bước nhảy vọt về kết quả xây dựng Chính phủ điện tử kể từ khi tham gia vào đánh giá xếp hạng năm 2003. Với kết quả xếp hạng này, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu năm 2024 về xếp hạng Chính phủ điện tử.

* Kinh tế số là nền tảng phát triển xã hội số

Năm 2024, chuyển đổi số quốc gia có chủ đề: "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững". Ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, tăng trưởng bền vững và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Đại diện Tập đoàn FPT giới thiệu Bộ chuyển đổi số doanh nghiệp toàn diện tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Đại diện Tập đoàn FPT giới thiệu Bộ chuyển đổi số doanh nghiệp toàn diện tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Năm 2024, hạ tầng số của Việt Nam được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Hạ tầng viễn thông có bước tiến vượt bậc khi Cục Viễn thông đã phối hợp với các nhà mạng triển khai đấu giá thành công các băng tầng 5G. Việt Nam đã hoàn thành tắt sóng 2G trên đất liền, phổ cập hạ tầng 3G, 4G và thúc đẩy thương mại hóa 5G để người dân sử dụng dịch vụ băng rộng với chất lượng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn, tính năng nhiều hơn. Đến nay, 2 nhà mạng lớn là Viettel và VinaPhone đã chính thức triển khai mạng 5G trong toàn quốc để tăng cường khả năng phục vụ mọi nhu cầu số của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số và thúc đẩy tăng tốc chuyển đổi số quốc gia.

Ngọc Bích

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhin-lai-nam-2024-chuyen-doi-so-viet-nam-vuon-tam-but-pha/357974.html