Nhìn lại thị trường bất động sản 2023: Môi giới nghỉ việc, bỏ nghề tới 70%
Khép lại 2023, những chỉ số thống kê cho thấy thị trường bất động sản tiếp tục suy giảm, 90% nhân sự ngành này bị giảm thu nhập, mối giới bất động sản nghỉ việc, bỏ nghề tới 70%. Điều tích cực nhất là nhiều chính sách, quyết sách về đất đai, nhà ở được đưa ra.
Thị trường bất động sản tiếp tục suy giảm
Nhìn lại thị trường bất động sản (BĐS) năm 2023, hàng loạt các chuyên gia, những người trong ngành đều cùng kết luận là "một năm buồn, một năm màu xám cho thị trường", "thị trường bất động sản đã chạm đáy". Một giám đốc công ty môi giới bất động sản chia sẻ: "Không thể hiểu vì sao thị trường lại cứ tiếp đà sụt giảm mạnh như vậy và không biết biết đến bao giờ mới đi lên". Đà sụt giảm của thị trường bất động sản bắt đầu từ cuối 2021 kéo dài cho đến thời điểm hiện tại.
Số liệu từ Tổng cục thống kê còn cho thấy tổng cộng 10 tháng đầu năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng so với năm 2022. Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh liên quan đến BĐS thành lập mới chỉ là 3.850, con số này chỉ bằng 1 nửa số doanh nghiệp BĐS thành lập mới ở năm 2022.
Theo Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong năm 2023, khoảng 70% môi giới bất động sản đã nghỉ việc, bỏ nghề. Năm 2023, hơn 90% nhân sự ngành BĐS bị giảm thu nhập. Làn sóng cắt giảm nhân sự diễn ra trong hầu hết các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.
Lãnh đạo một tập đoàn hàng đầu về bán bất động sản cho biết, giai đoạn 2020 - 2021, tập đoàn này tặng thưởng 8 xe ô tô cho 8 môi giới xuất sắc nhất, giải ngân những khoản thưởng Tết trăm triệu cho nhân viên. Trong năm 2023, tập đoàn cắt giảm tới khoảng 90% nhân sự. Còn các môi giới thuộc công ty này nói rằng nguy cơ "chỉ có quyển lịch mang về" mùa Tết.
Năm có nhiều quyết sách "giải cứu" thị trường bất động sản
Trong năm 2023, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các địa phương đã đưa ra nhiều quyết sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Tháng 1/2023, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 03 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng BĐS đối với doanh nghiệp BĐS và người mua nhà, thúc đẩy phát triển các dự án BĐS hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường BĐS. Tháng 2/2023, Thủ tướng chủ trì "Hội nghị trực tuyến Toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững". Ngay sau Hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 338/QĐ-TTg, phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ Nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cùng tổ chức hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ tín dụng đối với BĐS và phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng lập tổ công tác tháo gỡ, giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS. Các bộ ban ngành phối hợp cùng các địa phương thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về thủ tục pháp lý cho BĐS. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, đến cuối tháng 9, TP HCM đã giải quyết vướng mắc cho 67/180 dự án, Hà Nội giải quyết được 419/712 dự án.
Gói tín dụng 120.000 tỉ cho nhà ở xã hội được đưa ra, tuy nhiên tốc độ giải ngân còn rất chậm. Tính đến cuối năm 2023 mới có 20 địa phương phê duyệt 52 dự án Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, với khoảng chưa đầy 100 tỉ đồng được giải ngân.
Liên quan đến thể chế, cuối tháng 11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2025. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS liên quan chặt chẽ đến Luật Đất đai. Rất nhiều điểm mới của Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) được doanh nghiệp, chuyên gia và người dân ủng hộ. Cấp sổ hồng cho chung cư mini, bỏ quy định về thường trú trong mua nhà ở xã hội, môi giới bất động sản bắt buộc phải thuộc một doanh nghiệp có chức năng môi giới bất động sản... là những điều luật, qui định sát với thực tế cuộc sống.
Khởi tố nhiều vụ án liên quan đến bất động sản
Sau các vụ án được khởi tố liên quan đến Tân Hoàng Minh, FLC, tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản, năm 2023, rất nhiều vụ án được khởi tố với các bị can có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến BĐS.
Ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Capella (Capella Holdings), ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư LDG, ông Đinh Trường Chinh - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, ông Lê Huy Lân - nguyên Tổng Giám đốc của CTCP Coma 18..., một loạt những vụ án liên quan đến bất động sản được khởi tố trong năm 2023.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Quí Thanh cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích, thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát; Công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là những vụ việc được dư luận quan tâm. Vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các bị can xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB với hàng trăm bất động sản, các dự án "đất vàng" có liên quan cũng nhận được sự quan tâm lớn.
Những tháng cuối năm 2023, thị trường bất động sản có một vài tín hiệu tích cực, các giao dịch trong nhiều phân khúc có tăng lên, chưa đủ để thấy rõ được dấu hiệu của đà hồi phục. Tất cả cùng đều chờ đợi ở những tín hiệu, dấu hiệu rõ hơn sẽ đến vào đầu năm 2024.