NHÌN LẠI TUẦN LÀM VIỆC THỨ HAI, KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV: TRỌNG TÂM LÀ CÔNG TÁC LẬP PHÁP VÀ THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI

Tuần làm việc thứ hai tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 27/5 đến 31/5 ) đã hoàn thành toàn bộ nội dung Chương trình đề ra. Trong không khí dân chủ, trách nhiệm, Quốc hội dành phần lớn thời gian tập trung cho ý kiến đối với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp. Đặc biệt, trong tuần qua, Quốc hội cũng tiến hành thảo luận sôi nổi, chất lượng về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

* RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, XEM XÉT THẬN TRỌNG, LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU, ĐẢM BẢO CAO NHẤT CHẤT LƯỢNG DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ 2, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là dự án luật có tác động sâu rộng đến toàn xã hội. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh mẫn chủ trì phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh mẫn chủ trì phiên họp.

Tại phiên thảo luận đã có 55 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 02 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội; Các hành vi bị nghiêm cấm; Quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội; Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý; Chế độ ốm đau; chế độ thai sản; trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm hưu trí bổ sung; Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần;…

Qua thảo luận, các ĐBQH kiến nghị một số nội dung nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội thông qua:

- Quy định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội

- Linh hoạt hơn về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai

- Hướng đến chế độ an sinh bền vững và bảo vệ tối đa quyền lợi chính đáng của người lao động

Các đại biểu thảo luận, góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Các đại biểu thảo luận, góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

* NHIỀU DỰ ÁN LUẬT QUAN TRỌNG KHÁC ĐƯỢC THẢO LUẬN TRONG TUẦN

Các dự án luật khác cũng được Quốc hội thảo luận trong tuần, gồm:

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi): Tại phiên thảo luận đã có 39 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, trong đó có 09 lượt ý kiến đại biểu tranh luận. Các vị đại ĐBQH đã tập trung thảo luận về các nội dung như: đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; Việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án; Tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa,…

Qua thảo luận, các ĐBQH kiến nghị một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như:

- Tăng cường tính chuyên môn, chuyên nghiệp hóa trong giải quyết các vụ án

- Cần thiết quy định chặt chẽ hơn về hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên tòa

- Kiến nghị thành lập thí điểm Tòa án chuyên biệt

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tại phiên thảo luận đã có 24 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 01 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; vị trí, vai trò của Thủ đô; áp dụng Luật Thủ đô; trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; mô hình tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;...

Qua thảo luận, các ĐBQH kiến nghị một số nội dung tâm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như:

- Cân nhắc kỹ hơn phạm vi đối tượng thử nghiệm có kiểm soát

- Làm rõ mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao

- Tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan, nhất là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học;...

- Một số quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa đột phá, chưa thực sự huy động được nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường của Thủ đô.

Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp: Tại phiên thảo luận đã có 16 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ĐBQH tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng; tổ hợp công nghiệp quốc phòng; chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh;…

Qua thảo luận, các ĐBQH kiến nghị một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như:

- Tiếp tục rà soát, bổ sung vào điều kiện cụ thể để thực hiện động viên công nghiệp nhằm thể chế hóa cao nhất chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

- Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh lợi dụng chính sách

- Quy định cụ thể nhóm chức năng, nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng; rà soát, bổ sung cơ chế quản lý đặc thù phù hợp để tạo điều kiện trong quá trình liên kết, hợp tác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

* NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ, KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội cũng thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Tại phiên thảo luận đã có 15 đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó đa số ý kiến đại biểu thể hiện sự đồng thuận cao với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết kèm theo. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung về nội dung, tiến độ thời gian trình một số dự án luật, dự thảo nghị quyết cụ thể. Các đại biểu cũng góp ý kiến về các vấn đề cụ thể, tập trung phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều biện pháp bảo đảm tiến độ chuẩn bị trình các dự án luật, nghị quyết theo đúng chương trình đã được Quốc hội quyết định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật,…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 3.

Ngoài ra, cũng trong tuần qua liên quan tới công tác lập pháp, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về các dự thảo nghị quyết:

- Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An;

- Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Cũng trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên VTV1, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và VOV1 thu hút sự quan tâm đông đảo của Nhân dân và cử tri cả nước.

Tại phiên thảo luận đã có 57 ĐBQH phát biểu, 03 ĐBQH tranh luận, cụ thể như sau:

Liên quan đến đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá cao các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, phân tích rõ những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra những giải pháp khả thi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung:

- Cải cách thủ tục hành chính;

- Tình trạng doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn; chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng sạch, nguyên liệu sạch;

- Phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển thị trường tín chỉ carbon; quản lý thị trường vàng;

- Tăng cường thương hiệu, uy tín quốc gia; tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương;

- Tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn; vấn đề phát triển bền vững của dân số liên quan đến lực lượng lao động;

- Công tác xóa đói, giảm nghèo; Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân;…

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về đào tạo nguồn nhân lực y tế; an toàn thông tin, an ninh mạng; phòng cháy, chữa cháy; chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; việc sử dụng các phương thức thanh toán tiền kỹ thuật số, tiền ảo; biện pháp kiểm soát và xử lý đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng; việc quản lý, sử dụng và chất lượng của Cổng dịch vụ công trực tuyến…

Đề xuất giải pháp: Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá và các mặt hàng thiết yếu để ổn định đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh; cải thiện thị trường tiền tệ, khôi phục sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay; cải cách thủ tục hành chính, tăng năng suất lao động, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với nợ xấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;..

Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị khắc phục các hạn chế trong phân bổ giải ngân vốn đầu tư công; quản lý điều hành, thu chi ngân sách nhà nước đảm bảo cân đối ngân sách, an ninh tài chính, ngân sách quốc gia; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm; …

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng góp ý vào kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Cũng trong chương trình làm việc tuần này, Quốc hội họp phiên toàn thể nghe trình bày báo cáo của Chính phủ, báo cáo kiểm toán và báo cáo thẩm tra về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Thu ngân sách vượt dự toán, bảo đảm chi cho phát triển: Công tác quản lý thu NSNN được thực hiện quyết liệt dẫn đến kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán, qua đó bảo đảm nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách 21.346 tỷ đồng: Qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 21.346,33 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 28.595,09 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản.

Tán thành trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 theo đề xuất của Chính phủ và Kiểm toán nhà nước: Ủy ban Tài chính Ngân sách (cơ quan chủ trì thẩm tra) trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 theo đề xuất của Chính phủ và Kiểm toán nhà nước. Chính phủ, Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, số liệu quyết toán NSNN năm 2022 bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, đặc điểm tình hình năm 2025 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 01 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 01 chuyên đề tại Phiên họp tháng 8/2025.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao. Cụ thể: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại phiên thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến ĐBQH cho rằng, các nội dung trong Tờ trình đã được UBTVQH chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. Các đại biểu cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá trong việc triển khai hoạt động giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, cũng như dự kiến chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội nêu trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết; đánh giá cao việc UBTVQH chủ động xây dựng Chương trình giám sát với nhiều nội dung đổi mới rất quan trọng kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, trong đó năm 2023 và đầu năm 2024 đã triển khai 6 nội dung mới theo Đề án Đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các ý kiến đại biểu cũng đánh giá cao việc lựa chọn hai chuyên đề giám sát năm 2025 là phù hợp, đều là những vấn đề rất quan trọng, những vấn đề nóng, cần phải được giám sát để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị tiếp tục giám sát việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát các chuyên đề của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua; giao Đoàn ĐBQH lựa chọn những nội dung cụ thể trong các chuyên đề giám sát tối cao, cũng như giám sát của UBTVQH để giám sát cho phù hợp với thực tiễn của địa phương; theo dõi việc giải quyết, trả lời các kiến nghị trong báo cáo giám sát của các Đoàn ĐBQH;…

Lan Anh - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87211