Nhìn nhận lại về lương tối thiểu

Hai năm không được tăng lương, lại gặp đại dịch, đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động đang rất khó khăn.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Ngay sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định chọn phương án tăng 6% lương tối thiểu từ 1/7/2022 để trình Chính phủ quyết định, 8 hiệp hội ngành hàng đã có đơn gửi Thủ tướng đề nghị lùi thời điểm tăng lương đến 1/1/2023.

Lý do các hiệp hội (trong đó có những hiệp hội có số lượng lao động lớn như dệt may, thủy sản, gỗ và lâm sản…) đưa ra là, 2 năm qua, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp thực sự rất khó khăn và kiệt quệ. Hiện tại, nhiều công nhân vẫn là F0, kéo theo tình trạng hậu Covid ảnh hưởng đến năng suất lao động và doanh nghiệp đang phải gồng mình đối phó.

Nếu Chính phủ quyết định tăng lương từ 1/7 tới, các doanh nghiệp không thể xoay sở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến quá gần, các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng đều được xây dựng từ cuối năm trước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021 và 2022. Hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hóa... đều đã được chốt và ký từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hóa.

Trước đó, trong cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Hai năm không được tăng lương, lại gặp đại dịch, đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động đang rất khó khăn. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ trong quý I. Vì thế lúc này cần tăng lương giúp lao động ổn định cuộc sống và yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Những tranh luận giữa Tổng Liên đoàn và doanh nghiệp về thời gian và mức tăng lương tối thiểu vùng năm nào cũng diễn ra gay gắt. Ai cũng có lý của mình vì một bên muốn quyền lợi người lao động tốt hơn trong khi bên kia muốn duy trì sức cạnh tranh của người sử dụng lao động.

Kết quả thường là một mức tăng nằm đâu đó ở giữa hai luồng tranh cãi này. Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Lê Văn Thanh cũng thừa nhận, mức tăng 6% năm nay tuy chưa cao nhưng dung hòa được mong muốn của hai bên và phần nào đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động.

Vậy nhưng, chính “giải pháp hài hòa” này khiến mức lương tối thiểu của người lao động ngày càng xa rời mức sống tối thiểu. Theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức lương hiện nay chỉ đáp ứng 80% chi phí cho mức sống tối thiểu của người lao động trong khu vực sản xuất.

Còn theo Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, ngay cả mức lương tối thiểu cao nhất cũng chưa đáp ứng được mức sống thấp nhất và chỉ vào khoảng 59% lương đủ sống.

Giả sử, Chính phủ quyết tăng lương tối thiểu thêm 6% từ 1/7 tới, thì tùy theo vùng người lao động sẽ được tăng thêm 180 - 260 nghìn đồng/tháng, như vậy liệu có thấm tháp gì so với “cơn bão giá” càn quét từ đầu năm đến nay và hứa hẹn còn tiếp tục trong những tháng tới hay không?

Tất nhiên, mức lương tối thiểu mà Nhà nước ấn định chỉ là “mức sàn” để doanh nghiệp và người lao động thương lượng. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều doanh nghiệp coi đây là “mức trần” họ trả cho người lao động, hoặc chỉ tăng thêm chút đỉnh. Bởi vậy, Nhà nước cần định nghĩa lại về lương tối thiểu và tính toán để bảo đảm mức đủ sống cho người lao động.

Lương tối thiểu phải bao gồm chi phí khả biến như phí tổn sinh hoạt trực tiếp hàng ngày; chi phí cố định gồm nhà ở, phương tiện đi lại…; và chi phí liên quan là gia đình, con cái, sức khỏe, học tập… Mọi thay đổi về tiền lương nếu không đi vào thực chất như vậy thì sẽ mãi lẩn quẩn, không giải quyết được vấn đề.

Tuệ Lâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/nhin-nhan-lai-ve-luong-toi-thieu-B2RfxiQ7g.html