Nhìn ra thế giới: Nâng cao nhận thức và giảm thiểu rác thải sinh hoạt ra môi trường

Khi các quốc gia và thành phố đô thị hóa, phát triển kinh tế và gia tăng về dân số, Ngân hàng Thế giới ước tính lượng rác thải sinh hoạt phát sinh sẽ tăng từ 2 tỷ tấn năm 2016 lên 3,40 tỷ tấn vào năm 2050. Và ít nhất 33% lượng rác thải này bị quản lý sai cách, ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người.

Để giữ gìn một hành tinh xanh, các quốc gia đang có những giải pháp gì GIẢM THIỂU RÁC THẢI SINH HOẠT ra môi trường?

BIẾN RÁC THẢI THÀNH PHÂN BÓN

Chàng thanh niên này đang đi khắp các ngõ ngách của thành phố Mexico City của Mehico để thu gom các thùng rác thải. Rác thải hữu cơ trong cuộc sống hàng ngày như vỏ trứng, vỏ hạt, túi trà, vỏ trái cây… sẽ được mang đến bãi tập kết và ủ thành phân bón cho cây trồng. Dự án này có tên Hagamos Composta tức “Hãy làm phân bón”.

Anh GERARDO MONTES DE OCA, Người đứng đầu Dự án “Hagamos Composta”: "Dự án Hagamos Composta giúp chúng tôi làm phân bón một cách dễ dàng ở các thành phố. Nhiều lúc chúng tôi không có đủ thời gian, không gian và kiến thức nhưng chúng tôi luôn mong muốn bảo vệ môi trường. Dự án cũng giúp việc làm phân bón ở các thành phố trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy việc tái sử dụng, văn hóa tiêu dùng bền vững trong thành phố.”

Dự án này đã hoạt động được 4 năm, thu hút khoảng 3000 người dân tại thành phố Mexico City và 5000 người dân tại 22 thành phố khác trên cả nước. Người dân tham gia dự án này sẽ được tập huấn phân loại rác tại nhà và trả phí để thành viên dự án đến thu gom. Rác hữu cơ sau khi được thu gom sẽ mang về địa điểm tập kết và ủ từ 4-6 tháng để thành phân bón. Các thành viên của Dự án hy vọng giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường cho Mexico cũng như tái sử dụng những vật liệu có ích.

Anh GERARDO MONTES DE OCA, Người đứng đầu Dự án “Hagamos Composta”: "Khi chất thải hữu cơ được phân loại khỏi chất thải vô cơ tức là sẽ có một nửa lượng rác được chúng ta tái sử dụng. Khi chất thải hữu cơ được ủ và biến thành phân bón ở những nơi như thế này, nó sẽ ngăn chặn việc tạo ra khí nhà kính. Rất nhiều chất thải hữu cơ khi chuyển đến các bãi rác với các điều kiện môi trường khác nhau, tạo ra khí nhà kính gây ô nhiễm và góp phần làm trái đất nóng lên. Do vậy, khi chất thải hữu cơ được làm phân bón, các khí này sẽ giảm đi."

Chị PAULINA CAMACHO, Điều phối viên Dự án “Hagamos Composta”: "Chúng tôi bắt đầu với việc nâng cao nhận thức xử lý rác tại các hộ gia đình. Trẻ em sẽ được học về tầm quan trọng của việc phân loại và xử lý rác thải đúng cách. Đồng thời, chúng tôi đang thúc đẩy một nền văn hóa mà ở đó chúng tôi nhận thức rõ hơn về việc tiêu thụ rác thải. Nếu chúng ta có cách thức phù hợp thì chúng ta sẽ trả lại chất dinh dưỡng cho trái đất."

Góp phần duy trì nền kinh tế tuần hoàn, phân bón sau kh sản xuất sẽ được cung cấp cho các nhà vườn tại các vùng lân cận hay cho chính người dân thành phố muốn trồng trọt tại ngôi nhà của mình.

Chị CAROLINA URETA SANCHEZ, Thành viên Dự án “Hagamos Composta”: “Hệ thống rác thải ở Thành phố Mexico khá phức tạp. Chúng tôi là những người quan tâm đến môi trường nên dự án này đảm bảo rằng rác thải hữu cơ của chúng tôi sẽ góp phần tạo ra đất đai màu mỡ thay vì làm thành phố thêm ô nhiễm.”

Hiện tại, người dân thành phố Mexico xả khoảng 12.500 tấn rác mỗi ngày, với 7.000 tấn được đưa vào các bãi chôn lấp. Qua 4 năm triển khai dự án, các thành viên đã giải quyết được khoảng 2 triệu kg rác thải hữu cơ của thành phố và đang nỗ lực để sản xuất ra nhiều phân bón hữu cơ giúp bảo vệ môi trường sống và nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng và quản lý rác thải.

ẤU TRÙNG ĂN RÁC THẢI NHỰA

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Queensland, Australia vừa công bố một nghiên cứu mới có thể giải quyết vấn đề rác thải nhựa đang hiện hữu trên toàn cầu: đó là siêu giun ăn rác thải nhựa. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm và thu được kết quả từ ba nhóm ấu trùng với các chế độ ăn khác nhau trong suốt ba tuần: một nhóm ăn cám lúa mì và phát triển tốt; một nhóm khác không được cho ăn, chúng vẫn giữ được cân năng nhưng kém hoạt động; nhóm thứ ba được cho ăn nhựa nhiệt dẻo polystyrene, thì chúng không những sống sót mà thậm chí còn tăng cân. Nghiên cứu kỹ hơn, các nhà khoa học chứng minh được rằng nhờ có một loại enzyme vi khuẩn có trong ruột của chúng mà những con giun này có thể tiêu hóa được nhựa polystyrene.

Nhà vi sinh vật học CHRISTIAN RINKE, Đại học Queensland, Australia: “Chúng có khoang miệng rất tốt. Vì vậy, chúng có thể cắt nhỏ polystyrene, ăn và tiêu hóa. Chúng tôi đã chứng minh được rằng đây là một mối quan hệ cộng sinh. Đầu tiên, con giun sẽ cắt polystyrene thành các phần nhỏ hơn và sau đó các vi sinh vật nằm trong con giun sẽ xử lý hóa học tức là sử dụng các enzym để phân hủy tiếp polystyrene."

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật có tên gọi metagenomics nghiên cứu vật liệu di truyền được lấy từ các mẫu để xác định được chính xác loại enzym có khả năng phân hủy polystyrene.

Nhà vi sinh vật học CHRISTIAN RINKE, Đại học Queensland, Australia: "Chúng tôi lấy các enzym và phân tích chúng trong phòng thí nghiệm với số lượng lớn hơn. Chúng tôi muốn biết chính xác chức năng của mỗi loại enzym, nếu chúng hoạt động cùng nhau thì cần những điều kiện gì, nhiệt độ bao nhiêu, PH bao nhiêu để hoạt động tối ưu và sau đó hy vọng chúng ta có thể so sánh chúng và tìm ra các enzym đã hoạt động tốt nhất."

Mục tiêu dài hạn của nhóm nghiên cứu là tạo ra các enzym được mô phỏng theo các enzym được tìm thấy trong siêu giun để xử lý chất thải nhựa tại các nhà máy tái chế sau khi chúng được cắt nhỏ bằng cơ học.

Nhà vi sinh vật học CHRISTIAN RINKE, Đại học Queensland, Australia: "Tôi nghĩ đây là một khám phá rất thú vị. Khi chúng tôi bắt đầu thí nghiệm, chúng tôi không biết liệu siêu giun có thể làm được những gì, có phân hủy được nhựa hay không, vì vậy đây là một kết quả tốt. Cũng rất khả quan khi các phương pháp chúng tôi sử dụng đang đi đúng hướng. Nếu được đầu tư phù hợp, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và có thể nâng cấp nó lên phục vụ môi trường công nghiệp.”

Nhựa polystyrene, vốn được sử dụng để sản xuất các loại đồ nhựa phổ biến hiện nay như dao dĩa hay hộp đựng đồ ăn nhanh. Các nhà khoa học kỳ vọng với phương pháp mới này, các loại rác thải nhựa hiện nay không những có thể được xử lý, giảm thiểu việc chôn lấp, mà quy trình này còn có thể tạo các hợp chất nhựa có khả năng tự phân hủy sinh học. Theo ước tính, mỗi năm, người dân Australia xả ra môi trường khoảng 1 triệu tấn nhựa các loại, trong đó chỉ có 12% là được đem đi tái chế. Việc nghiên cứu ra cách thức phân hủy vật liệu nhựa một cách nhanh chóng và thân thiện với môi trường được Chính phủ và người Australia rất hoan nghệnh và ủng hộ.

TÁI CHẾ NƯỚC THẢI

Thống đốc California Gavin Newsom đang đi kiểm tra nhà máy tái chế nước thải. Nhà máy này được cho là mang tính cách mạng cho tình hình hạn hán, thiếu nước sử dụng tại California thời điểm này. Thông thường, nước thải sau khi được các hộ dân nơi đây sử dụng sẽ xả qua các đường ống, thì giờ đây, nước sẽ được dẫn nhà máy này, đi qua các bộ phận lọc và trở thành nước sạch, quay lại chính các hộ dân để phục vụ họ hàng ngày. Khi chính thức đi vào hoạt động, nhà máy này có thể lọc đến 150 triệu gallon nước một ngày, đủ để cung cấp cho hơn 500.000 ngôi nhà và các cơ sở công nghiệp ở Nam California.

Ông GAVIN NEWSOM, Thống đốc California, Mỹ: “Chưa bao giờ có một dự án như thế này trong lịch sử nước Mỹ, mở ra cơ hội để tái chế một cách khoa học như nhà máy ở đằng sau lưng tôi đây. Chúng tôi sẽ triển khai tái chế nước ở nhiều tiểu bang khác nhau. Đây là một dự án rất quan trọng đối với tương lai của California."

Khi chính thức đi vào hoạt động, nhà máy này có thể lọc đến 150 triệu gallon nước một ngày, đủ để cung cấp cho hơn 500.000 ngôi nhà và các cơ sở công nghiệp ở Nam California.

Ông GAVIN NEWSOM, Thống đốc California, Mỹ:“Rất nhiều bộ phận của nhà máy đã được thiết lập và đi vào hoạt động tốt, và bây giờ chúng tôi sẽ vận hành chúng một cách đồng bộ. Đây là một sự đổi mới. Tôi hy vọng rằng công nghệ này sẽ được nhân rộng và hữu ích.”

California đã trải qua nhiều năm thiếu nước trầm trọng, và năm 2022 cũng được dự báo là một năm hạn hán khắc nghiệt đối với California khi lượng mưa 3 tháng đầu năm nay ít hơn gần 10 inch so với mức thấp kỷ lục trước đó.

Ông GAVIN NEWSOM, Thống đốc California, Mỹ: “Chúng ta đã rất kiên cường và nhạy bén, chúng tôi đã vượt qua hạn hán kéo dài 5 năm, từ năm 2012 đến năm 2016, chúng ta sẽ vượt qua đợt hạn hán năm nay chỉ cần chúng ta làm mọi thứ khác đi một chút, sáng tạo hơn một chút."

California đang đưa ra những hạn chế nghiêm trọng về sử dụng nguồn nước để tiết kiệm, tránh lãng phí như: Người dân Los Angeles sẽ được yêu cầu cắt giảm đáng kể lượng nước sử dụng từ ngày 1 tháng 6, với kế hoạch đưa ra những ngày cấp nước định sẵn dựa trên nơi họ sinh sống, cộng với những giới hạn nghiêm ngặt về lượng nước và thời gian vòi phun nước, cắt nước bất kỳ ngày nào trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, che phủ các hồ bơi để giảm thiểu lượng nước bốc hơi. Nhà máy tái chế nước thải này mở ra hy vọng với chính quyền và người dân California trong tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước sinh hoạt.

HÀNG RÀO NGĂN RÁC THẢI

Las Vacas là một nhánh của sông Rio Motagua chảy từ thủ đô Guatemala của Cộng hòa Guatemala ra biển Caribe. Nhưng những gì có thể nhìn thấy hiện nay không phải là một dòng sông xanh hiền hòa mà là một con sông đục và tràn ngập rác thải. Rác thải sinh hoạt nhiều tới mức lấp gần hết dòng chảy của con sông, ước tính mỗi năm, nhánh sông này đổ gần 4.000 tấn rác thải ra biển Caribe. Và để bảo vệ dòng sông, bảo vệ biển, một hàng rào ngăn rác thải đã được dựng lên mang tên Interceptor Trashfence.

Anh BOYAN SLAT, Người đứng đầu dự án: "Chúng ta biết rằng các con sông chính là đường dẫn mang rác thải sinh hoạt từ đất liền ra biển, và đây có lẽ là 1 trong những dòng sông ô nhiễm nhất trên thế giới. Lượng rác thải nhựa mà chúng ta thấy ở đây thực sự chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, vì vậy nếu chúng ta ngăn chặn rác thải tại nơi đây thì đó sẽ là một thành công lớn đối với các đại dương."

Hàng rào Interceptor Trashfence có nhiệm vụ ngăn tất cả rác thải lại tránh đổ ra biển. Khi nhiều rác, máy xúc sẽ đến và mang rác đến địa điểm tập kết rác thải để xử lý.

Anh BOYAN SLAT, Người đứng đầu dự án: “Tôi không nghĩ thế giới sẽ giảm tiêu thụ rác thải nhựa nhanh được. Trên thế giới có những quốc gia có lượng rác thải nhiều hơn Guatemala, nhưng họ cũng có những con sông không bị ô nhiễm. Vì vậy vấn đề thực sự ở đây là quản lý và xử lý lượng rác thải như thế nào, vấn đề thu gom, quản lý bãi rác an toàn để không đổ vào sông.”

Dự án hàng rào ngăn rác thải Interceptor Trashfence vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm với hy vọng khi chính thức đi hoạt động, dự án sẽ làm sạch rác thải sinh hoạt trên 1000 con sông ô nhiễm nhất thế giới, trả lại cảnh quan và thiện nhiên như vẻ đẹp vốn có.

Anh BOYAN SLAT, Người đứng đầu dự án: “Tôi rất sốc khi thấy một đất nước xinh đẹp, thiên nhiên tươi đẹp ở mọi góc độ với những ngọn núi, khu rừng, bờ biển hoàn mỹ, nhưng lại xả ra môi trường một lượng rác khổng lồ như thế này, nó thật lãng phí, thật đáng tiếc. Tôi nghĩ rằng toàn bộ bờ biển sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho du lịch, nhưng bây giờ thì thực sự là không thể vì có một lớp rác cao tới một mét trên bãi biển dài hàng dặm, thật đau lòng.”

Guatemala thuộc Trung Mỹ, nằm bên bờ Thái Bình Dương và biển Caribe, mang trong mình nền văn hóa lâu đời nơi được coi là cái nôi của nền văn minh Maya cách đây 3000 năm. Việc làm sạch rác thải và giảm ô nhiễm giúp cho nơi đây giữ gìn được cảnh quan và ngày càng thu hút du khách.

Việc phát sinh rác thải sinh hoạt đã gia tăng ồ ạt trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây, và dường như không có dấu hiệu chậm lại. Rác thải sinh hoạt có thể do người dân đổ trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống sông, ao hồ, cống rãnh… sau khi bị phân hủy sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng nước mặt, nước ngầm trong khu vực. Trong thành phần rác thải sinh hoạt có chứa nhiều chất hóa học xâm nhập vào đất sẽ tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích cho đất, làm cho môi trường đất bị giảm tính đa dạng sinh học và phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Rác thải sinh hoạt bị vứt bừa bãi, chất đống lộn xộn, không thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý,… cũng để lại những hình ảnh mất mỹ quan. Nguy hiểm hơn, trong rác thải sinh hoạt có hàm lượng hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn sau khi phân hủy sẽ tạo ra vi khuẩn gây bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Vì vậy, cần nâng cao nhận thức và hành vi quản lý rác thải sinh hoạt, một trong những nỗ lực đó là phân loại rác từ nguồn, hạn chế xả rác ra môi trường sống, tái chế rác thải một cách thông minh để rác thải được xử lý kịp thời, không còn tình trạng ùn ứ, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường sống bền vững.

Thực hiện : Hà Thu

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-nang-cao-nhan-thuc-va-giam-thieu-rac-thai-sinh-hoat-ra-moi-truong