Nhìn ra thế giới: Nhiều doanh nghiệp hòa mình vào cuộc đua 'xanh hóa'

Trong bối cảnh các quốc gia đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ tại COP26 và đề ra thời hạn cụ thể để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, chuyển đổi xanh là xu hướng không thể đảo ngược. Là lực lượng dẫn dắt nền kinh tế, các doanh nghiệp không thể nằm ngoài làn sóng chuyển đổi xanh.

Thay đổi về phương thức sản xuất, cách thức vận hành, ứng dụng công nghệ và phát minh mới nhất vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

CÔNG TRÌNH XANH – XU HƯỚNG CỦA THỜI ĐẠI

Hòa mình vào làn sóng chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp đang không ngừng cải tiến phương thức kinh doanh và cách thức vận hành thân thiện hơn với môi trường. Và Google cũng không phải một ngoại lệ. Đây là khuôn viên làm việc tại thị trấn Mountain View, California, Mỹ mới được Google đưa vào hoạt động từ giữa tháng 5/2022. Toàn bộ khu phức hợp có tên gọi là Bay View, bao gồm hai tòa nhà văn phòng và một tòa nhà tổ chức sự kiện, với tổng diện tích lên tới 102.000 mét vuông. Bên cạnh đó, Google dự kiến đưa vào vận hành một dự án tương tự có tên gọi Charleston Ease vào năm 2023.

Bà MICHELLE KAUFMANN, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển môi trường xây dựng tại Google: “Chúng tôi muốn định hình lại tư duy: Điều tự nhiên nhất đối với một văn phòng là gì? Làm thế nào để xây dựng nên những công trình, tạo ra những nơi chốn mà mọi người yêu thích và có thể gắn bó trong nhiều thập kỷ? Chúng tôi muốn thay đổi cách thức thiết kế và xây dựng, từ phương thức truyền thống chuyển sang thiết kế cho tương lai.”

“Với tổng cổng 3 tòa nhà, chúng tôi sẽ có khoảng 4.000 nhân viên của Google làm việc tại đây, cả trực tiếp và trực tuyến.”

Tính bền vững là chìa khóa để thiết kế nên công trình này.

Bà MICHELLE KAUFMANN, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển môi trường xây dựng tại Google: “Các cột tại đây được đặt cách xa nhau, trần được xây rất cao, tạo nên khoảng không gian rộng mở. Chúng tôi cũng tạo điều kiện để ánh sáng tự nhiên len lỏi vào mọi không gian.”

Trên đỉnh mỗi tòa nhà là một loạt các tấm pin năng lượng mặt trời được xếp chồng lên nhau theo dạng “vảy rồng”. Mỗi tấm có chiều rộng 0,9 mét, dài 0,9 mét. Theo Google, những tấm pin này, cùng với các trang trại điện gió ở gần đó sẽ cung cấp năng lượng không carbon phục vụ 90% nhu cầu tiêu thụ.

Không chỉ vậy, mái nhà còn có tác dụng thu giữ nước mưa, từ đó cung cấp cho hệ thống ao hồ nhân tạo trong khuôn viên. Lượng nước thu được cũng được sử dụng để xả nhà vệ sinh và chăm sóc vườn tược. Đây là một phần trong chiến lược của Google để trả lại tự nhiên 120% lượng nước mà tập đoàn này tiêu thụ vào năm 2030.

Xây dựng các công trình xanh đang trở thành xu hướng của thời đại. Các vận động viên tham gia Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2024 tại Pháp sẽ có cơ hội được lưu trú trong một ngôi làng Olympic vô cùng đặc biệt, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon.

Ông NICOLAS FERRAND, Giám đốc điều hành SOLIDEO, Đơn vị thi công Làng Olympic: “Công nghệ được áp dụng tại làng Olympic sẽ giúp giảm một nửa lượng khí thải carbon trên mỗi mét vuông. Đó là mục tiêu của chúng tôi vào năm 2030, mà chúng tôi đang hiện thực hóa tầm nhìn này ngay tại làng Olympic này. Nếu chúng tôi có thể làm điều này trong một quy mô rộng lớn như tại làng Olympic, thì có nghĩa là chúng tôi có thể làm được điều đó ở bất cứ nơi đâu trên toàn nước Pháp.”

Dự án Làng Olympic bao gồm 31 tòa nhà, trải rộng trên phạm vi 44ha và bắc qua sông Seine, đặt mục tiêu sử dụng tới 94% vật liệu tái chế, dự kiến được hoàn thành trong 19 tháng.

Ông NICOLAS FERRAND, Giám đốc điều hành SOLIDEO, Đơn vị thi công Làng Olympic: “Chúng tôi sẽ xây dựng 330.000 mét vuông mặt sàn, đây là quy mô rất lớn và chính điều đó tạo nên tính độc nhất của dự án này. Điều đáng chú ý là chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ mới trên toàn bộ 330.000 mét vuông này. Những công nghệ mới nhất sẽ được giới thiệu tới mọi người thông qua công trình này. Điều đó cũng sẽ chứng tỏ rằng ngành xây dựng đã đạt được những bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi xanh.”

Ông EMMANUEL DESMAIZIERES, Giám đốc điều hành Công ty xây dựng Icade Promotion:“Chúng tôi đặt ra chính sách tái chế vật liệu xây dựng, theo đó, 10% vật liệu xây dựng sẽ được tái chế. Điều này giúp chúng tôi đạt được các mục tiêu giảm phát thải carbon. Theo thỏa thuận Paris, chúng ta đã cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Để làm được điều đó, chúng ta đang nỗ lực cắt giảm 41% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tương đương 4% mỗi năm, từ nay cho đến năm 2030.”

Làng Olympic sẽ chào đón 15.000 vận động viên tới tham dự Thế vận hội mùa hè 2024. Sau đó, ngôi làng này sẽ trở thành nơi cư trú của 6.000 người và cung cấp nơi làm việc cho khoảng 6.000 nhân viên.

CÁC DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC VÀ CUỘC ĐUA XANH HÓA

Làn sóng chuyển đổi xanh cũng đang len lỏi vào mọi mặt đời sống tại Trung Quốc. Và các doanh nghiệp tại đất nước tỷ dân không thể nào đứng ngoài cuộc đua này.

Ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông, một lĩnh vực tưởng chừng như khó có thể chuyển đổi xanh, lại đang tham gia mạnh mẽ vào đường đua nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon. Quyết tâm của ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông thể hiện rõ nhất ở các trạm phát sóng 5G được áp dụng công nghệ xanh.

Đầu tháng 6/2022, Trung Quốc đã bắt đầu đưa vào thử nghiệm các trạm phát sóng 5G “không carbon” đầu tiên tại quốc gia này, đặt tại các hòn đảo xa xôi ngoài khơi bờ biển phía Đông.

Các trạm phát sóng mới này hoạt động chủ yếu dựa vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Pin và máy phát điện vẫn được lắp đặt, nhưng chỉ đóng vai trò dự phòng. Vận hành với 95% năng lượng xanh, mỗi trạm phát sóng như thế này có thể giúp giảm thiểu 14,5 tấn carbon mỗi năm.

Không chỉ vậy, các trạm phát sóng 5G thế hệ mới còn được tích hợp một cabin giúp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Đến nay, khoảng 20.000 cabin tích hợp tương tự đã được lắp đặt trên khắp Trung Quốc, giúp tiết kiệm hơn 20 triệu kilowwatt giờ điện mỗi năm, tương đương với giảm phát thải hơn 20.000 tấn khí thải carbon.

Tại thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc, trung tâm điện toán thông minh lớn nhất khu vực Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc đã bắt đầu đưa vào thử nghiệm hệ thống phân phối điện mới trong tháng 6 vừa qua. Hệ thống mới có thể điều phối tốt hơn việc cung cấp điện theo yêu cầu, đồng thời được trang bị hệ thống làm mát cải tiến. Các bộ làm mát bằng nước được lắp trực tiếp vào các máy chủ, giúp tiết kiệm điện năng hơn 10%. Thêm vào đó, trung tâm cũng kết hợp các nguồn khí lạnh tự nhiên vào hệ thống điều hòa không khí, giúp cắt giảm chi phí sử dụng năng lượng.

Ông ÂN HỌC BÌNH, Giám đốc phát triển xanh, Chi nhánh Thiên Tân, China Telecom:“Chúng tôi tận dụng các nguồn làm mát tự nhiên. Ví dụ như vào mùa đông, chúng tôi sẽ dẫn luồng không khí mát từ bên ngoài vào các phòng đặt máy chủ, giúp tiết kiệm chi phí năng lượng dùng cho việc làm mát. Chúng tôi cũng tái chế các nguồn nhiệt tỏa ra từ các máy tính lớn, lưu trữ lượng nhiệt này để sưởi ấm cho khu vực văn phòng của toàn bộ tòa nhà. Song song với đó, chúng tôi cũng nỗ lực cắt giảm lượng khí thải của mình.”

Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), nước này đặt mục tiêu cải thiện 20% hiệu quả sử dụng năng lượng đối với các trạm phát sóng 5G, giảm 15% chi phí tiêu thụ năng lượng của các công ty viễn thông.

Trong khi đó, Ngành năng lượng, vốn là lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh cũng đang đẩy nhanh tốc độ xanh hóa, với mục tiêu đạt cam kết trung hòa carbon vào năm 2060.

Nằm tại thành phố Ngọc Lâm thuộc tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, công ty này là một trong số những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực tái chế than đã qua sử dụng tại các nhà máy nhiệt điện, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Công ty đang đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất than tiên tiến và chuyển đổi thông minh, xây dựng cơ sở năng lượng mới.

Ông CHU VĨNH ĐÀO, Phó tổng giám đốc Công ty Hóa chất, Năng lượng Ngọc Lâm CNH: “Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng một ngành công nghiệp tiên tiến, đa dạng, với mức carbon thấp, để trở thành doanh nghiệp xử lý than hòa mình với quá trình phát triển xanh, thông minh và ít phát thải carbon.”

Còn đây là khung cảnh tại một công trường xây dựng nhà máy điện địa nhiệt. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ chuyển đổi nguồn nhiệt năng được khai thác từ độ sâu 150-200 mét dưới lòng đất thành điện năng để sưởi ấm và làm mát.

Ông QUÝ GIANG BA, Thành viên Ủy ban Năng lượng địa nhiệt, Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc: “Điện địa nhiệt là nguồn năng lượng được khai thác từ nhiệt dưới lòng đất và cũng chính là một loại năng lượng tái tạo.”

Dự trữ năng lượng địa nhiệt của Trung Quốc chiếm khoảng 1/6 tổng trữ lượng toàn thế giới. Với sự phát triển của công nghệ địa nhiệt và sự gia tăng sử dụng năng lượng địa nhiệt, dự kiến 2,1 tỉ mét vuông điện tích tại Trung Quốc sẽ được sưởi ấm bằng địa nhiệt vào năm 2025, giúp giảm phát thải hơn 160 triệu tấn CO2.

Còn tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc, dự án nhiên liệu sinh học dành cho vận tải hàng không đang dần thành hình. Mức tiêu thụ nhiên liệu của ngành hàng không Trung Quốc là khoảng 30 triệu tấn mỗi năm. Nếu được thay thế bằng nhiên liệu sinh học, lượng khí thải carbon được cắt giảm có thể lên tới 55 triệu tấn.

Ông HOÀNG ÁI BÂN, Trưởng phòng Phát triển Khoa học công nghệ, Công ty hóa chất và lọc dầu Zhenhai:“Cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học cho ngành hàng không do chúng tôi phát triển có khả năng chế biến 100.000 tấn dầu ăn thừa thành nhiên liệu máy bay mỗi năm sau khi đi vào hoạt động.”

Ông LƯU MẠN BÌNH, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia: “Ngành năng lượng là mặt trận chính trong việc thúc đẩy phát triển xanh, ít phát thải carbon. Khi nguồn cung năng lượng ngày càng trở nên đa dạng hơn, hệ thống cung cấp năng lượng dựa trên than và nhiên liệu truyền thống đang dần chuyển sang sử dụng điện, khí đốt, gió, năng lượng mặt trời và các loại năng lượng sạch khác. Một hệ thống cung cấp năng lượng đa dạng đã cơ bản được hình thành.”

Xu hướng chuyển đổi xanh cũng tác động mạnh mẽ đến nhận thức và thói quen của người tiêu dùng. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hay đạp xe dần trở thành hoạt động yêu thích của người dân Trung Quốc. Từ khi thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên đưa vào hoạt động con đường vành đai xanh, các công ty và đại lý cho thuê xe đạp ngày càng ăn nên làm ra. Không chỉ vậy, các nhà bán lẻ xe đạp ở khu vực thành thị cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhanh chóng về doanh thu.

Ông PHONG, Khách hàng mua xe đạp: “Tôi đi hỏi mua xe đạp tại nhiều cửa hàng, thì mới biết rằng có nhiều mẫu đã hết hàng. Các mẫu xe đạp dùng để di chuyển trong thành phố, có trọng lượng nhẹ thường đắt hàng nhất.”

Chủ cửa hàng xe đạp (nam): “Từ tháng 4 vừa qua, nhiều người có thói quen đạp xe tại khu vực đường vành đai xanh. Chúng tôi bán được nhiều xe hơn so với mọi năm.”

Chủ cửa hàng xe đạp (nữ): “Có 4 đến 5 loại xe đạp leo núi đều đã cháy hàng, và tất cả các xe đạp để di chuyển trong thành thị cũng đã được bán hết.”

Được khởi công từ năm 2017, con đường xanh Tianfu tại Thành Đô có chiều dài dự kiến 16.900 km, nghĩa là dài hơn cả khoảng cách từ thủ đô Bắc Kinh tới thành phố New York, Mỹ. Đây cũng là hệ thống đường xanh dài nhất trên thế giới. Con đường này nằm trong một không gian xanh rộng 14.000 km vuông, bao gồm một công viên khổng lồ và mạng lưới cây xanh bao phủ toàn thành phố. Quá trình phủ xanh thành phố đã làm sống dậy ngành sản xuất xe đạp, vốn tưởng chừng đã bị lãng quên trong quá trình hiện đại hóa.

NHÀ HÀNG XANH ĐẶC BIỆT VỚI NHỮNG CHIẾC TẠP DỀ HẤP THỤ CO2

Hãy hít vào, thở ra và giúp cho khu vườn dưới tầng hầm của chúng tôi phát triển tươi tốt. Những dòng chữ in trên chiếc tạp dề của nhân viên nhà hàng này chắc hẳn sẽ khiến cho thực khách đến đây dùng bữa cảm thấy tò mò. Trên thực tế, chiếc tạp dề này thực sự có khả năng hấp thụ khí CO2 từ không khí. Đây là sản phẩm thử nghiệm của Viện Nghiên cứu Dệt may Hong Kong (HKRITA), với sự đồng hành của nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M. Vải bông được trải qua một quá trình xử lý đặc biệt, giúp cho sản phẩm hoàn thiện có khả năng hấp thụ CO2 và lưu trữ ngay trên bề mặt của vải.

Theo Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Dệt may Hong Kong, ông lấy cảm hứng từ chính kỹ thuật được sử dụng trong ống khói của các nhà máy nhiệt điện than để hạn chế khí thải.

Ông EDWARD KEH, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Dệt may Hong Kong: “Chiếc tạp dề mà chúng tôi tạo ra được làm từ một loại vải bông đặc biệt. Chúng tôi đã xử lý bề mặt của chất liệu để giúp nó có khả năng hấp thụ khí thải carbon. Khi một người đeo chiếc tạp dề này và xử lý các công việc thường ngày, nó sẽ tự động hấp thụ CO2. Sau đó, chúng tôi sẽ làm nóng vải tới 30 độ C, và khí CO2 lại được thải ra ngoài môi trường. Khi ấy, chúng tôi sẽ dẫn khí CO2 thu được vào các nhà kính trồng cây tại đây. CO2 được sử dụng như thức ăn cho cây trồng, cây cần khí CO2 cho quá trình quang hợp và tạo ra chất dinh dưỡng.”

Anh MARTIN WALL, Đầu bếp tại Nhà hàng Bảo tàng Fotofrafiska, Thụy Điển:“Tôi nghĩ rằng điều này thật thú vị. Đây là cách mà chúng ta có thể giúp hạn chế biến đổi khí hậu, quản lý lượng carbon do chính mình thải ra và sau đó cung cấp lượng khí CO2 này cho cây trồng.”

Tại Nhà hàng Bảo tàng Fotofrafiska, nhân viên được khuyến khích mặc tạp dề có tác dụng thu giữ CO2, sau đó sử dụng chính lượng CO2 thu nhận được để cung cấp cho các loại rau và thảo mộc được trồng dưới tầng hầm. Những cây rau này, sau đó, sẽ được sử dụng làm nguyên liệu chế biến ra các món ăn phục vụ thực khách.

“Chúng được dùng trong món pizza, và chúng tôi cũng có món salad đặc biệt từ những cây cải được trồng dưới tầng hầm.”

Ứng dụng của nghiên cứu không chỉ dừng lại ở tạp dề, mà còn có thể sản xuất ra những chiếc áo phông thân thiện với môi trường.

Ông EDWARD KEH, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Dệt may Hong Kong: “Những chiếc áo phông được may bằng chất liệu đặc biệt này có khả năng hấp thụ lượng khí CO2 bằng 1/3 lượng CO2 được hấp thu bởi một cây xanh thông thường. Thậm chí, chúng tôi có thể ứng dụng ở quy mô lớn hơn, tại những lĩnh vực phát thải nhiều khí CO2 nhất, ví dụ như ống khói nhà máy hay các cơ sở sản xuất điện. Và tuyệt vời hơn cả là mỗi người chúng ta đều có thể tham gia vào quá trình hấp thu carbon bằng cách lựa chọn sử dụng các trang phục đặc biệt này. Từ đó, chúng ta có thể giúp thế giới đạt được mục tiêu trung hòa carbon.”

Dự án phát triển hàng dệt may có khả năng hấp thụ khí thải các-bô-níc mới đang được triển khai ở giai đoạn thử nghiệm. Thách thức đặt ra với các nhà nghiên cứu là làm cách nào đưa công nghệ này vào thương mại hóa, đồng thời giúp cho quá trình thu giữ cũng như thải khí CO2 diễn ra dễ dàng hơn.

Ông EDWARD KEH, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Dệt may Hong Kong:“Áp lực đối với chúng tôi là tìm ra các phương án triển khai ý tưởng này một cách thân thiện, gần gũi hơn với người dùng. Vì vậy, chúng tôi đang tìm kiếm thêm cách ứng dụng công nghệ này trong gia đình. Không phải ai cũng có một nhà kính trồng cây, vì vậy chúng tôi phải khiến cho công nghệ này trở nên thật dễ hiểu và dễ sử dụng đối với tất cả mọi người.”

Nếu được đưa vào triển khai trên thực tế, công nghệ này được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp dệt may và thời trang trên toàn cầu, vốn là lĩnh vực gây nhiều tác động đến môi trường, sử dụng lượng nước khổng lồ, tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới.

Thực hiện : Kim Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-nhieu-doanh-nghiep-hoa-minh-vao-cuoc-dua-xanh-hoa