Nhìn ra thế giới: Thế giới hướng tới mục tiêu trung hòa carbon
Biến đổi khí hậu, những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên và phức tạp trên phạm vi toàn cầu đe dọa đến sự sống khắp hành tinh. Giải pháp trung hòa carbon đang trở thành mục tiêu theo đuổi chung của mọi quốc gia. Thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn, giảm lượng khí thải carbon... là xu hướng không thể đảo ngược.
Thế giới cần một mô hình mới, hướng tới phát triển bền vững, nhằm thúc đẩy sự trung hòa carbon và đẩy mạnh phát triển xanh. Đây là lời kêu gọi của Tổng giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhân sự kiện Ngày trái đất năm 2022.
Ông MARCO LAMBERTINI, Tổng giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên: "Chúng ta cần áp dụng một mô hình phát triển mới trung tính với carbon, tích cực với thiên nhiên, tôn trọng môi trường và coi thiên nhiên là bạn chứ không phải kẻ thù, nhưng vẫn tạo ra của cải và thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng. Đây là điều hoàn toàn có thể đạt được, với sự giúp sức của công nghệ.
Chúng ta cần phải quay trở lại với câu hỏi về tài chính, cần phải điều hướng, xác định lại mục tiêu của hàng nghìn tỉ đôla hiện nay đang được đầu tư vào năng lượng, nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp, theo cách gây tổn hại đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, theo cách không bền vững.
Chúng ta cần phải chuyển hướng nguồn tài chính khổng lồ của cả khu vực công và khu vực tư nhân theo hướng bền vững hơn. Đó là thách thức đặt ra cho chúng ta. Và đó cũng là mệnh lệnh đối với chúng ta.”
Theo đại diện Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, trung hòa carbon không chỉ là mục tiêu của riêng các quốc gia phát triển, mà các nước phát triển cũng cần phải quan tâm tới vấn đề này, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển một cách bền vững.
Ông MARCO LAMBERTINI, Tổng giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên: "Chúng tôi đang vận động cho một mục tiêu toàn cầu tích cực với thiên nhiên và trung hòa các bon. Đây là hai mục tiêu toàn cầu sẽ là ánh sáng dẫn đường cho chương trình nghị sự phát triển bền vững của chúng ta. Điều này liên quan đến nỗ lực của các nền kinh tế phát triển để giảm thiểu dấu chân carbon, hay lượng khí thải nhà kính thải vào khí quyển.
Các nền kinh tế phát triển cũng cần hỗ trợ về tài chính để thúc đẩy chuyển đổi xanh tại các quốc gia phát triển. Chính vì vậy, các nền kinh tế đang phát triển cũng đang có nhiều cơ hội khi hướng tới mô hình phát triển mới, xanh và bền vững hơn, công bằng và an toàn hơn.”
Tổng giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên cũng khuyến nghị, lĩnh vực kinh doanh nên áp dụng cách thức sản xuất tự nhiên hơn để thúc đẩy phát triển xanh và cần khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách cân bằng.
Ông MARCO LAMBERTINI, Tổng Giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên: “Ở nhiều quốc gia, thực phẩm hữu cơ có giá bán cao hơn các loại thực phẩm sản xuất theo phương thức truyền thống. Điều đó cần phải thay đổi và chúng ta có thể thay đổi điều đó. Cần phải có các chính sách khuyến khích và trợ cấp từ cả khu vực công và tư nhân để hướng tới phương thức sản xuất lương thực theo hướng tự nhiên hơn và có lợi cho sức khỏe hơn.
Chúng ta cũng cần gửi đi thông điệp về yêu cầu chuyển đổi cách thức sản xuất, từ cách trồng trọt trên mặt đất, đánh bắt dưới đại dương hay khai thác tài nguyên thiên nhiên, tất cả đều phải đảm bảo tính cân bằng. Thông điệp đó cần phải được hiểu và chấp nhận trên phạm vi toàn thế giới.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, rất cần có các quy định rõ ràng. Chúng ta không thể chỉ dựa vào một vài công ty, hay một vài nhà đầu tư tiến bộ. Chúng ta cần gửi đi tín hiệu mạnh mẽ thông qua các quy định tạo động lực cho doanh nghiệp, từ đó tạo nên những thay đổi mang tính hệ thống.”
TRUNG HÒA CARBON – MỤC TIÊU KHÔNG THỂ TRÌ HOÃN
Nhiệt độ ngày càng tăng cao. Các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn. Nước biển dâng. Khủng hoảng khí hậu đang diễn ra với tần suất và mức độ ngày càng tăng. Nguyên nhân chính đến từ sự gia tăng lượng CO2 trong khí quyển, gây ra hiệu ứng nhà kính, khiến trái đất ấm dần lên.
Để cứu lấy sự sống của hành tinh, trung hòa carbon – đạt mức phát thải ròng bằng 0 - trở thành mục tiêu không thể trì hoãn. Theo đó, lượng phát thải CO2 từ các hoạt động của con người cần phải được giảm bớt và cân bằng lại bằng các phương thức giúp hấp thụ CO2 khác như trồng rừng hoặc các công nghệ thu hồi carbon.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) được tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh năm 2021, hơn 100 quốc gia đã cam kết thực hiện các biện pháp bền vững để đối mặt với biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
TRUNG QUỐC VÀ QUYẾT TÂM XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ CARBON THẤP
Là quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra những thay đổi căn bản, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Để làm được điều này, Trung Quốc coi phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn, ít phát thải carbon là mục tiêu then chốt.
Đầu tiên là chuyển đổi về năng lượng. Hiện Trung Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào nhiệt điện than, chiếm 60% tổng nguồn cung về năng lượng tại quốc gia này. Lượng khí thải carbon từ lĩnh vực sản xuất điện và sưởi ấm chiếm khoảng 40% tổng lượng khí thải CO2 ở Trung Quốc.
Để chuyển đổi xanh, việc loại bỏ dần nhiệt điện than, tiến tới sử dụng năng lượng tái tạo, xanh, sạch hơn là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, vừa chuyển dịch năng lượng, vừa đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế là không hề dễ dàng.
Trong bối cảnh này, Cơ quan năng lượng quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này sẽ nỗ lực gấp nhiều lần để nâng cấp hoạt động sản xuất nhiệt điện than, nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Hiện tiêu thụ than trên mỗi kW điện của Trung Quốc ở mức 305 gram, cao hàng đầu thế giới, một phần là do các cơ sở sản xuất điện than vận hành bằng công nghệ lạc hậu. Nếu đầu tư vào các công nghệ mới, cải tiến hệ thống sản xuất điện than và các tổ máy phát điện, Trung Quốc có thể giảm mức tiêu thụ than, từ đó giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ giảm hơn 10 triệu tấn than phục vụ sản xuất năng lượng trong năm 2022. Đến năm 2025, các nhà máy nhiệt điện than phải điều chỉnh tỷ lệ tiêu thụ than xuống mức 300 gam tiêu chuẩn cho mỗi kW. Các nhà máy điện sử dụng than trung bình trên 300 gam/kW mà không thể nâng cấp hoạt động để đáp ứng yêu cầu tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ dần bị đóng cửa.
Ông ĐỖ TRUNG MINH, Chủ tịch Viện Quy hoạch và Kỹ thuật Điện lực Trung Quốc: “Các cơ sở sản xuất nhiệt điện than tại Trung Quốc có số lượng và quy mô lớn, với công suất lắp đặt hơn 1,1 tỷ Kw. Bằng việc nâng cấp các cơ sở này, Trung Quốc có thể giúp các nhà máy này hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm năng lượng hơn. Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống điện mới trong tương lai.”
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời, chiếm một nửa nguồn vốn đầu tư trên toàn cầu vào lĩnh vực này, theo thống kê năm 2020. Tính đến cuối tháng 10/2021, công suất năng lượng tái tạo đã lắp đặt của Trung Quốc đạt 1 triệu MW, gấp đôi số liệu năm 2015, khẳng định những nỗ lực mạnh mẽ của đất nước này nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon.
Ông KRISHNA SRINIVASAN, Giám đốc Bộ phận châu Á và Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): “Nói về chuyển đổi xanh, trong bối cảnh giá năng lượng trên toàn cầu có nhiều biến động, rõ ràng rằng Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quá trình chuyển dịch sang năng lượng xanh. Khi hướng tới tương lai, có thể thấy rằng chúng ta buộc phải hành động ngay bây giờ để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới năng lượng sạch và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Trung Quốc đóng vai trò to lớn trong quá trình này.”
Không chỉ chuyển đổi xanh trong hoạt động sản xuất mà đời sống của người dân Trung Quốc cũng dần chuyển đổi theo hướng xanh và phát thải ít carbon hơn.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng sạch, như thủy điện, điện gió và điện mặt trời tại Trung Quốc tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP tiếp tục giảm. Quý I/2022, mức tiêu thụ năng lượng trên 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.552 USD) giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường, được gắn nhãn phát thải carbon thấp. Trong quý I/2022, số lượng xe ứng dụng năng lượng mới được tung ra thị trường ghi nhận mức tăng ấn tượng 140,8%, thể hiện mối quan tâm của người dân Trung Quốc với các loại phương tiện thân thiện với môi trường. Sản lượng tấm năng lượng mặt trời cũng tăng 24,3%.
ĐẢO HẢI NAM PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA HỆ SINH THÁI CARBON XANH
Có nhiều con đường khác nhau để đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Một mặt, cần nỗ lực cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Mặt khác, cần tăng cường khả năng hấp thụ khí CO2.
Không chỉ được các cánh rừng trên cạn hấp thụ mà khí CO2 còn có thể được hấp thụ bởi những “cánh rừng” dưới đại dương và hệ sinh thái ven biển. Theo Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ thuộc UNESCO, các nghiên cứu khoa học cho thấy, hệ sinh thái dưới biển và ven biển – còn được gọi là hệ sinh thái carbon xanh – có khả năng lưu trữ lượng carbon nhiều hơn từ 2 - 4 lần so với những cánh rừng trên cạn.
Thuật ngữ “carbon xanh” đề cập đến lượng carbon được lưu trữ trong các hệ sinh thái biển và ven biển. Các hệ sinh thái carbon xanh như rừng ngập mặn, đầm lầy ven biển hay cỏ biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hấp thụ khí CO2 và lưu trữ carbon.
Đây cũng chính là thế mạnh được tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) tập trung phát huy. Với diện tích 2 triệu km2 mặt biển, cùng hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú, Hải Nam hy vọng sẽ phát huy được sức mạnh của hệ sinh thái carbon xanh để đạt mục tiêu trung hòa carbon. Tháng 2/2022, tỉnh Hải Nam đã khánh thành trung tâm nghiên cứu carbon xanh quốc tế.
Bà HÌNH HIỂU, Giám đốc Học viện nghiên cứu về Khoa học môi trường:“Mục tiêu của trung tâm là tạo nên một nền tảng nghiên cứu chuyên nghiệp, mang tầm quốc tế. Tỉnh Hải Nam xác định, trung tâm này sẽ thực hiện 3 nhiệm vụ chính: nghiên cứu về công nghệ và chính sách carbon xanh, thúc đẩy các dự án thí điểm về carbon xanh, đồng thời thúc đẩy hợp tác và giao lưu quốc tế trong lĩnh vực này.”
Ông TRƯƠNG HY LƯƠNG, Giám đốc Viện Năng lượng, Môi trường và Kinh tế, Đại học Thanh Hoa: “Hiện tại, hiệu quả giảm phát thải carbon là tương đối tốt, vì chi phí ở mức thấp. Nhưng khi lượng phát thải đã giảm trên 80%, sẽ rất khó để giảm thêm nữa. Chi phí khi đó sẽ ở mức rất cao, và quá trình giảm phát thải sẽ trở nên kém hiệu quả hơn. Đó là khi carbon xanh thể hiện sự ưu việt của mình.”
Cũng trong tháng 2/2022, tỉnh Hải Nam đã thông qua quyết định thành lập trung tâm thương mại khí thải carbon quốc tế, với mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, đóng góp vào các nỗ lực cấp quốc gia hướng tới trung hòa carbon.
CÁC HÃNG ĐỒ CHƠI ĐÓNG GÓP VÀO NỖ LỰC TRUNG HÒA CARBON
Thoạt nhìn, các khối xếp hình này trông không có gì quá khác biệt so với các dòng đồ chơi tương tự trên thị trường. Tuy nhiên, ẩn sau đó là một câu chuyện đặc biệt. Đây là dòng đồ chơi đầu tiên của hãng Mattel đạt chứng nhận carbon trung tính.
Dòng đồ chơi Mega Bloks được thiết kế dành riêng cho các em nhỏ dưới 6 tuổi; mô phỏng một “Thị trấn xanh” với trang trại năng lượng mặt trời, tuabin điện gió, xe tải tái chế và các tổ ong. Thông qua dòng sản phẩm này, nhà sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới mong muốn truyền tải thông điệp về trung hòa carbon và bảo vệ môi trường tới các em nhỏ.
Bà ELIZABETH EAVES, kỹ sư cấp cao, Hãng đồ chơi Mattel:“Chúng tôi mong muốn dẫn đầu trong lĩnh vực đồ chơi bền vững và giúp định hình tương lai của ngành đồ chơi. Thật tuyệt vời khi thông qua Mega Bloks, chúng tôi sẽ mang đến cho trẻ em những hình dung đầu tiên về cách sống bền vững. Từ đó, các em có thể biết được những điều gì là đúng đắn và tốt cho môi trường, ngay từ những năm tháng đầu đời.”
Để đạt được chứng nhận trung hòa carbon, hãng đồ chơi Mattel đã mua 500 tấn CO2 từ một dự án bảo tồn rừng tại Canada để bù đắp lại lượng phát thải từ hoạt động của công ty. Mattel cũng định hướng sản xuất các sản phẩm có vòng đời dài hơn, được sử dụng lâu hơn, từ đó giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường.
Bà ELIZABETH EAVES, kỹ sư cấp cao, Hãng đồ chơi Mattel:“Trong ngành công nghiệp đồ chơi, chúng tôi phải đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu về an toàn rất rất cao. Điều đó có nghĩa là, chúng tôi phải lựa chọn chất liệu sử dụng rất kĩ lưỡng để đảm bảo rằng chúng không chỉ bền vững mà còn an toàn và có chất lượng cao. Nhờ đó, sản phẩm đồ chơi sẽ có tuổi thọ lâu hơn và có thể được sử dụng trong nhiều năm một cách an toàn.”
Để chuyển đổi xanh, Mattel đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong vật liệu sản xuất đồ chơi. Các khối xếp hình của dòng đồ chơi Mega Bloks được cấu thành từ một loại nhựa đặc biệt, với hơn 50% là nhựa từ thực vật và ít nhất 26% nhựa tuần hoàn sinh học, hay nhựa được tái chế. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục được tăng cao hơn nữa trong tương lai.
Bà ELIZABETH EAVES, kỹ sư cấp cao, Hãng đồ chơi Mattel: “Phát triển bền vững là một hành trình lâu dài, và có nhiều cách khác nhau để đạt được điều đó. Tại Mattel, chúng tôi cố gắng tập trung vào các bước nhỏ để tiến tới mục tiêu, vào năm 2030, công ty sẽ sử dụng 100% nhựa tái chế, có thể tái chế hoặc nhựa sinh học trong các sản phẩm đồ chơi và bao bì đóng gói.”
Mattel không phải là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và quyết tâm chuyển đổi xanh. Năm 2018, Lego – hãng đồ chơi số 1 thế giới – đã cho ra mắt dòng sản phẩm xếp hình bền vững đầu tiên, với tất cả các khối xếp hình đều được làm từ nhựa có nguồn gốc thực vật; nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và tổn hại đến môi trường. Chất liệu chủ yếu của dòng đồ chơi này là polyethylene, một loại nhựa mềm và có độ bền cao, có thể sản xuất bằng ethanol chiết xuất từ nguyên liệu mía đường tự nhiên.
Nhà máy sản xuất trung hòa carbon đầu tiên của Lego trên toàn thế giới dự kiến được khởi công vào cuối năm 2022 tại Việt Nam và có thể đưa vào vận hành từ năm 2024, với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD./.
Thực hiện : Kim Ngọc