Nhìn xa, hành động sớm, kịp thời
Tập trung dự báo đúng tình hình, chủ động chuẩn bị và thích ứng trước những tác động, thách thức mới; cần nhìn xa, chủ động, sớm hành động, mau lẹ, ứng xử kịp thời với từng vấn đề - là những cam kết được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra ngay khi bắt đầu phiên chất vấn của Quốc hội sáng qua. Đó cũng là yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và nhân dân với 'tư lệnh ngành' lao động, thương binh và xã hội trong thời gian tới khi tình hình kinh tế dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn, tác động trực diện đến đời sống của hàng chục triệu lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Hồ Long
Là “tư lệnh ngành” đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng là người dày dặn kinh nghiệm nhất trong số 4 bộ trưởng trả lời chất vấn lần này, không chỉ là kinh nghiệm nghị trường - với 3 lần trả lời chất vấn trước Quốc hội trong hai nhiệm kỳ Khóa XIV, XV và 1 lần trả lời chất vấn tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV - mà còn là kinh nghiệm quản lý ngành, lĩnh vực khi đã có 7 năm đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Đó là những yếu tố rất quan trọng để Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có phần trả lời chất vấn – như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - “đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực và cam kết với Quốc hội cả về hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện đối với các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ”.
Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, đây là lần thứ hai Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội. Thời gian giữa hai lần trả lời chất vấn cũng rất ngắn - chỉ hơn một năm. Nhưng không phải vì thế mà phiên chất vấn “giảm nhiệt” bởi ngay từ những phút đầu tiên đã có tới 99 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn. Điều này cho thấy, lao động, việc làm vốn đã luôn là vấn đề hệ trọng, thu hút sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội, Nhân dân và cử tri cả nước trong điều kiện bình thường thì nay, lại càng trở lên nóng bỏng hơn trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid – 19 và hệ lụy từ những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới.
Những con số về doanh nghiệp rời khỏi thị trường, lao động mất việc làm, giảm việc làm, giảm thu nhập, những tín hiệu không mấy lạc quan từ tình hình kinh tế toàn cầu, những đòi hỏi gay gắt về trình độ, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... đã được các đại biểu Quốc hội đề cập liên tục trên diễn đàn Quốc hội từ đầu kỳ họp này... Đó cũng là áp lực vô cùng lớn đối với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và toàn ngành lao động, thương binh và xã hội trong hơn một năm qua.
Không thể phủ nhận những nỗ lực vô cùng lớn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và toàn ngành trong việc giải quyết những thách thức nêu trên. Đặc biệt là việc đến nay, thị trường lao động đã phục hồi và từng bước ổn định sau nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong năm 2021. Là việc 68,43 triệu người dân, người lao động và trên 1,4 triệu người sử dụng lao động đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hơn hai năm qua với tổng kinh phí trên 120.000 tỷ đồng. “Chưa bao giờ, các địa phương cùng với các ngành làm tốt công tác an sinh như thời gian qua. Các chính sách đã đến với người dân nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít tiêu cực nhất, mặc dù chúng ta phát tiền mặt nhưng số phải xử lý hình sự chỉ trên đầu ngón tay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời thẳng thắn về nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra, như câu chuyện đang rất nóng và rất đáng lo ngại vừa qua là tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng nhanh, giai đoạn trước năm 2019 trung bình mỗi năm khoảng 500.000 người, nhưng năm 2023 đã tăng lên hơn 900.000 người gần bằng với số tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh), nguyên nhân lớn nhất của tình trạng trên là “sự bất an của người lao động đối với sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội. Công nhân xem bảo hiểm xã hội là của để dành của cá nhân mình, nhưng lo sợ các chính sách mới ban hành sẽ làm hạn chế quyền tự quyết, quyền tự chủ động và mức lương hưu mà họ sẽ được hưởng sẽ không đủ sống”. Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp xử lý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận “nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không được hạn chế lại, giảm bớt đi thì nguy cơ người già về hưu khó đảm bảo an sinh xã hội và hệ thống chính sách an sinh xã hội của chúng ta khó đảm đương được tính bền vững”.
Lý giải nguyên nhân rút bảo hiểm một lần, theo Bộ trưởng, trước hết là đời sống thu nhập thấp, khó khăn, tuyệt đại bộ phận rút bảo hiểm một lần rơi vào công nhân lao động, đây là vấn đề rất phải suy nghĩ. Thứ hai là, không một quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ dàng như Việt Nam. Thông lệ quốc tế chỉ cho rút chủ yếu trong 2 trường hợp: một là, mắc bệnh nan y; hai là, chuyển sang định cư ở nước ngoài. “Còn ta thì rút tự do mà đã cho rút bằng quyền của công dân thì người ta rút, đấy là quyền của người ta, không thể cấm được”. Thứ ba là, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần rất cao, đóng 8% nhưng được hưởng toàn bộ phần đóng của Nhà nước, của doanh nghiệp. Số đóng của Nhà nước và doanh nghiệp cũng là cho người lao động, nên nhiều trường hợp có khi chưa muốn rút nhưng thấy lợi ích tốt hơn nên rút, sau đó một thời gian lại tham gia.
Từ việc nhận diện rõ nét những nguyên nhân như vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, giải pháp phải tính toán một cách căn cơ. “Tôi xin báo cáo trước Quốc hội và cử tri, tinh thần sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền lợi mà đi theo hướng tăng quyền lợi, còn quyết định cách thức xử lý cụ thể như thế nào thì kỳ họp tới Quốc hội sẽ bàn để xử lý bảo hiểm xã hội một lần có hiệu quả nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong hơn 3 giờ đồng hồ trả lời chất vấn trước Quốc hội, việc nào làm được – Bộ trưởng khẳng định rõ, việc nào chưa thể hứa ngay, việc nào ngoài “tầm tay” của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng được Bộ trưởng giải trình rõ ràng với Quốc hội, không phải để thoái thác trách nhiệm mà với tinh thần thực sự cầu thị, với cam kết Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tập trung dự báo sát đúng tình hình, chủ động chuẩn bị và tham mưu sớm, kịp thời để cấp có thẩm quyền quyết định chính sách ở “thời điểm thích hợp nhất, hiệu quả nhất và đúng lúc nhất”.
Cũng có những việc qua tranh luận của đại biểu Quốc hội mới sáng tỏ nhưng đúng như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chất vấn không phải là “đánh đố” Bộ trưởng mà qua đó, các đại biểu Quốc hội cùng cộng đồng trách nhiệm với Bộ trưởng, Quốc hội đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc, tìm giải pháp hữu hiệu thúc đẩy các vấn đề của cuộc sống, để từ đó, mọi việc tốt đẹp hơn, đáp ứng tốt hơn sự mong đợi và kỳ vọng của nhân dân. Ở góc độ này, với phương châm được Bộ trưởng khẳng định ngay khi bắt đầu phiên chất vấn và đã được chứng minh qua thực tiễn hành động suốt thời gian qua - “sẽ tập trung dự báo đúng tình hình, chủ động chuẩn bị và thích ứng trước những tác động, thách thức mới; cần nhìn xa, chủ động, sớm hành động, mau lẹ, ứng xử kịp thời với từng vấn đề” - thì chắc chắn, những chuyển biến trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội... trong thời gian tới sẽ ngày càng tốt hơn.