Nhịp cầu nối những bờ vui
Ở những vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều cây cầu treo dân sinh đã và đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kết nối tình đoàn kết
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống chủ yếu tại bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát) và bản Lách, xã Mường Chanh (Mường Lát). Trước đây người dân chủ yếu đi lại, buôn bán, giao thương đều bằng xuồng, bè qua sông Mã. Vào mùa mưa bão, trẻ em không thể đến trường. Các hoạt động mua bán cũng phải tạm dừng. Bà con muốn xuống thị trấn Mường Lát, nếu bằng đường bộ phải đi vòng về xã Tam Chung mất 15km và từ thị trấn Mường Lát lên trung tâm xã Tén Tằn thêm 10km nữa. Mong mỏi của người dân là có một cây cầu bắc qua sông Mã kết nối với tuyến Quốc lộ 15C để người dân, học sinh được đến trường, đi lại thuận lợi. Ước mong đó đã trở thành hiện thực vào năm 2005 khi Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng cầu treo bản Đoàn Kết. Đến năm 2018, do ảnh hưởng của thiên tai, cây cầu bị cuốn trôi, khiến cho bà con trong bản đi lại, giao thương hết sức khó khăn. Năm 2019, cầu treo đã được UBND huyện Mường Lát sửa chữa, khắc phục. Nhờ có cây cầu này mà hơn 170 hộ/700 nhân khẩu của khu phố Đoàn Kết đi lại thuận lợi. Cây cầu không chỉ mang giá trị sử dụng mà còn tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó của bà con khu phố Đoàn Kết với các bản khác trên địa bàn thị trấn Mường Lát.
Tại huyện Lang Chánh, cây cầu treo Bến Lậm được xây dựng từ năm 2006 có chiều dài hơn 100m, là cây cầu duy nhất phục vụ nhu cầu của hộ dân các thôn Khụ I, Khụ II, xã Giao Thiện và thôn Trô, xã Giao An. Người dân thôn Khụ I, Khụ II chủ yếu là dân tộc Mường sinh sống. Kinh tế chủ yếu chỉ dựa vào nghề trồng luồng, keo. Do đường sá xa xôi nên việc vận chuyển, buôn bán, giao thương hàng lâm sản của người dân với bên ngoài chủ yếu đi đường vòng hoặc đường sông, chi phí vận chuyển khá cao. Nếu muốn lên trung tâm huyện, bà con thường chọn con đường qua cầu Bến Lậm sang đất Giao An, thuận lợi hơn trong việc di chuyển, rút ngắn thời gian.
Đảm bảo an toàn giao thông cho người dân
Huyện Quan Hóa hiện có 11 cầu treo dân sinh đang khai thác sử dụng. Trong đó có 4 cây cầu được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2004 đến năm 2008 gồm: cầu treo Chiềng, xã Phú Sơn; cầu treo Hang Ma, xã Nam Xuân; cầu treo Nam Tân, xã Nam Xuân; cầu treo Yên - Pheo, xã Hiền Chung. Trong đó, cầu treo Chiềng, xã Phú Sơn; cầu treo Yên - Pheo, xã Hiền Chung đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều thiết bị hoen gỉ, ván lát mặt cầu bị mục nát, thanh thép treo liên kết bị bong tróc. Còn lại 7 cầu treo dân sinh được đầu tư từ Đề án Xây dựng 186 cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số của Thủ tướng Chính phủ năm 2014. Hiện trạng sử dụng các cầu đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Tạm thời khắc phục việc hư hỏng, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ngày 16-6-2023, HĐND huyện Quan Hóa đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư xây dựng dự án: Sửa chữa cầu treo bản Chiềng, xã Phú Sơn; Nghị quyết số 31/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư xây dựng dự án: Sửa chữa cầu treo bản Yên - Pheo, xã Hiền Chung. Hiện nay, huyện Quan Hóa đang triển khai thực hiện sửa chữa, dự kiến cuối tháng 10-2023 hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, UBND huyện Quan Hóa đã và đang đề xuất với tỉnh có kế hoạch hỗ trợ kinh phí thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên 7 cầu dân sinh từ Đề án Xây dựng 186 cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số của Thủ tướng Chính phủ năm 2014. Huyện Quan Hóa cũng đề xuất với tỉnh, đề nghị Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO sớm hoàn thành việc đầu tư xây dựng hoàn trả công trình đối với cầu treo Chiềng, xã Phú Sơn do ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Hồi Xuân, có phương án sửa chữa các cầu treo bị hư hỏng nghiêm trọng.
Thông tin từ Phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa: Hiện nay trên địa bàn 9 huyện miền núi có 45 cầu treo dân sinh gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành và Ngọc Lặc. Trong đó, có 5 cầu treo đã không còn sử dụng do đã xây dựng cầu cứng, đường tràn thay thế tại các huyện Mường Lát, Cẩm Thủy, Bá Thước. Còn lại 40 cầu treo đang sử dụng khai thác, phục vụ người và phương tiện xe máy, xe đạp tham gia giao thông. Đối với các cầu treo dân sinh xuống cấp, hiện nay UBND các huyện đã có phương án khắc phục sửa chữa hư hỏng đảm bảo cho người và phương tiện đi lại an toàn. Ngoài ra, tại Thanh Hóa hiện có 28 cầu, cống thuộc dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) trên địa bàn các huyện Lang Chánh, Thạch Thành, Mường Lát, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân. Đến nay các dự án thành phần đã được thi công xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư; bàn giao cho địa phương tiếp tục khai thác sử dụng, quản lý.