Nhịp đập năng lượng ngày 21/6/2023

Lưu lượng nước về các hồ thủy điện đang tăng nhẹ; Công suất xử lý dầu thô của Nga đạt mức cao kỷ lục; Chile dành 1 tỷ USD hỗ trợ phát triển hydro xanh… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 21/6/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Lưu lượng nước về các hồ thủy điện đang tăng nhẹ

Theo số liệu cập nhật sáng 21/6 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), ngày 20/6, công suất đỉnh hệ thống là 41.407,1 MW, phụ tải toàn hệ thống đạt 856,6 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 405,6 triệu kWh, miền Trung khoảng 79,5 triệu kWh, miền Nam khoảng 370,9 triệu kWh.

Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) vào lúc 14h00 đạt 41.407,1 MW. Cụ thể, công suất đỉnh ở miền Nam đạt 18.417,8 MW. Trong khi đó công suất đỉnh ở miền Bắc đạt 18.871,5 MW, ở miền Trung đạt 4.086,7 MW.

Trong ngày 20/6, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 197,1 triệu kWh; Nhiệt điện than 441,1 triệu kWh; Turbine khí 104,1 triệu kWh; điện năng lượng tái tạo trên 119,7 triệu kWh. Nguồn điện dầu không phải huy động. Nguồn nhiên liệu than cho sản xuất đủ. Đáng chú ý, đối với nguồn thủy điện, lưu lượng nước về các hồ thủy điện đang tăng nhẹ.

Công suất xử lý dầu thô của Nga đạt mức cao kỷ lục

Các nhà máy lọc dầu của Nga trong tuần 8/6-14/6 đạt mức xử lý 5,49 triệu thùng/ngày, con số này nhiều hơn gần 200.000 thùng/ngày so với thống kê của tuần trước và đạt mức cao nhất trong 2 tháng qua khiến nhiều người đặt câu hỏi về cam kết của Nga đối với việc cắt giảm sản lượng dầu đã được Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) thông qua.

Trước đó vào tháng 2, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố rằng nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu ở mức 500.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng. Ông Novak đã nhiều lần khẳng định rằng Nga đang thực hiện việc cắt giảm sản lượng như đã cam kết, nhưng dữ liệu xuất khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển vẫn tăng mạnh.

Viktor Katona, Trưởng bộ phận phân tích dầu tại công ty nghiên cứu Kpler nhận định: "Nga đang khôi phục công suất lọc dầu hàng ngày của mình khi đợt bảo dưỡng mùa xuân gần như đã kết thúc. Các cơ sở lọc dầu quan trọng như Kirishi của Surgutneftegas PJSC cũng sẽ hoạt động trở lại vào đầu tháng 7".

Chile dành 1 tỷ USD hỗ trợ phát triển hydro xanh

Chính phủ Chile vừa ra mắt Quỹ Phát triển hydro xanh trị giá hơn 1 tỷ USD, với mục đích cung cấp nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ cho các dự án sản xuất năng lượng tái tạo tại quốc gia Nam Mỹ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Chile Mario Marcel, sáng kiến này sẽ chính thức hoạt động vào nửa cuối năm 2024. Các dự án quốc gia sẽ nhận được khoản hỗ trợ tài chính từ Quỹ. Bên cạnh nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Quỹ cũng đóng vai trò giúp giảm thiểu rủi ro, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển của ngành công nghiệp hydro xanh tại Chile.

Chile là một trong những nước tiên phong trong việc thúc đẩy hydro xanh - được mệnh danh là "nhiên liệu của tương lai”. Nguồn năng lượng này là một “ứng cử viên sáng giá” có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Lượng dầu nhập khẩu từ Nga của EU giảm 90% sau 1 năm

Theo Euronews, Liên minh châu u (EU) đã chính thức không còn là khách hàng hàng đầu của dầu mỏ Nga. Do các lệnh cấm quy mô lớn được áp dụng sau cuộc xung đột tại Ukraine, lượng dầu nhập khẩu từ Nga của khối EU đã giảm 90% chỉ trong vòng một năm.

Vào tháng 2 năm ngoái, EU đã mua khoảng 15,189 triệu tấn dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga như dầu diesel, dầu hỏa và xăng. Tháng 2 năm nay, lượng nhập khẩu tương tự chỉ còn tổng cộng khoảng 1,876 triệu tấn. Vào tháng 3 năm nay, con số này tiếp tục giảm xuống còn 1,445 triệu tấn.

Khoảng trống lớn nhu cầu nhiên liệu bị thiếu hụt do Nga bỏ lại đã được các quốc gia châu u thay thế từ nhiều nguồn khác, bao gồm Mỹ, Na Uy, Algeria, Brazil, Angola và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Trung Quốc và Qatar ký hợp đồng thứ hai cung cấp khí đốt trong 27 năm

Trung Quốc và Qatar hôm qua (20/6) đã ký kết một văn bản hợp tác trong Dự án mở rộng công suất đoạn phía Đông mỏ khí đốt Phương Bắc (North Field) tại thủ đô Doha của Qatar với Công ty Năng lượng Qatar (Qatar Energy).

Đây là thỏa thuận mua bán LNG dài hạn thứ hai được ký kết giữa Trung Quốc và Qatar, trong khuôn khổ Dự án mở rộng công suất mỏ khí đốt Phương Bắc. Theo thỏa thuận giữa hai bên, trong vòng 27 năm tới, mỗi năm Qatar sẽ cung cấp 4 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho Trung Quốc, với tổng lượng cung cấp là 108 triệu tấn.

Tháng 11/2022, Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) đã ký thỏa thuận mua bán LNG 27 năm với Qatar Energy. Công ty này cũng cung cấp cho Sinopec 4 triệu tấn LNG mỗi năm và nguồn khí cũng đến từ Dự án mở rộng công suất mỏ khí đốt Phương Bắc. Hai thương vụ ký với Trung Quốc được coi là hợp đồng có thời gian dài nhất trong ngành công nghiệp khí hóa lỏng của Qatar.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2162023-687712.html