Nhịp đập năng lượng ngày 24/9/2023

Nhà đầu tư Nhật mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh tại Việt Nam; Giá dầu có thể lên 100 đô la/thùng; Thị trường dầu sẽ có thêm cung từ Nigeria… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 24/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Nhà đầu tư Nhật mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh tại Việt Nam

Cùng với việc mở rộng đầu tư các ngành truyền thống như công nghiệp chế tạo, thương mại dịch vụ, các nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng mở rộng “khẩu vị” đầu tư vào các dự án năng lượng xanh tại Việt Nam.

Thời gian qua, Tập đoàn Năng lượng JERA (Nhật Bản) đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực điện khí, điện gió ngoài khơi. Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp vốn cho Tập đoàn Toda để thực hiện các nghiên cứu về tiềm năng điện gió nổi ngoài khơi ở Việt Nam, trên cơ sở đó Toda đề xuất việc xây dựng trạm đo gió tại vùng biển Bình Thuận.

Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp nặng IHI và Maeda được Bộ Kinh tế Công thương Nhật Bản cấp vốn thực hiện nghiên cứu về hydrogen xanh và ammonia xanh tại Việt Nam. Tập đoàn EREX tham gia đầu tư phát triển dự án điện sinh khối từ trấu tại Hậu Giang và đang mở rộng tìm kiếm dự án tại Thanh Hóa, Yên Bái, Bình Định…

Giá dầu có thể lên 100 đô la/thùng trong ngắn hạn

Giá dầu đã vượt 90 đô la Mỹ/thùng trong những ngày gần đây và lên mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua, làm dấy lên lo ngại về lạm phát gia tăng và có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu còn có thể tăng tới 100 đô la/thùng.

Các nhà phân tích tại Bank of America cho biết, họ tin rằng giá dầu có thể sớm tăng lên trên 100 đô la/thùng. Với sự kết hợp của hàng loạt yếu tố, từ nguồn cung thắt chặt cho tới nhu cầu tăng, chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cũng cho biết việc giá dầu nhảy vọt tới cột mốc 100 đô la là điều hoàn toàn “hợp lý”.

Tuy nhiên theo ông Varga, bất kỳ mức tăng vọt nào lên tới 100 đô la/thùng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chia sẻ quan điểm trên, ông Christyan Malek, người đứng đầu chiến lược năng lượng toàn cầu và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn cổ phần dầu khí tại JPMorgan cũng cho biết giá dầu có thể được giao dịch trong khoảng từ 80 đến 100 đô la trong ngắn hạn và khoảng 80 đô la trong dài hạn.

Thị trường dầu sẽ có thêm cung từ Nigeria

Tổng thống Nigeria ngày 23/9 cho biết nước này dự kiến sẽ nâng sản lượng dầu lên 2,1 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm tới, sau khi các công ty dầu mỏ hoạt động tại nước này cam kết đầu tư 13,5 tỷ USD trong ngắn hạn.

Nigeria là nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi, nhưng sản lượng của nước này đang suy giảm do nạn trộm cắp dầu thô quy mô lớn, các cuộc tấn công vào đường ống dẫn dầu ở khu vực đồng bằng Niger và sự thiếu hụt đầu tư, khiến doanh thu của chính phủ sụt giảm và thâm hụt tài chính lớn. Dữ liệu từ cơ quan quản lý xăng dầu cho thấy sản lượng dầu của Nigeria đạt 1,41 triệu thùng/ngày trong tháng 8, tăng 8% so với tháng 7.

Cố vấn đặc biệt về năng lượng của Tổng thống Bola Tinubu và cơ quan quản lý dầu mỏ đã tổ chức một loạt cuộc họp với 15 công ty dầu mỏ, bao gồm Total, Chevron, Shell và ExxonMobil để thảo luận về cách họ có thể tăng cường sản xuất. Tuyên bố sau đó nhấn mạnh: "Với việc kết thúc các cuộc tham vấn này, 13,5 tỷ USD trong các dự án đầu tư ngắn hạn hiện đang được triển khai được dự đoán sẽ mở đường cho việc cung cấp sản lượng 2,1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 12/2024, trừ khi những thách thức không lường trước xảy ra".

Trữ lượng khí đốt đủ để Ukraine vượt qua mùa đông

Ông Oleksiy Chernyshov, Giám đốc điều hành của Công ty khí đốt nhà nước Ukraine Naftogaz nói với Reuters rằng trữ lượng khí đốt của Ukraine sẽ vượt ngưỡng 16 tỷ m3 vào đầu mùa đông năm nay, đủ để Ukraine vượt qua mùa đông sắp tới, thường bắt đầu vào giữa tháng 10 đến cuối tháng 10.

"Mức tiêu thụ khí đốt hàng năm của Ukraine chưa đến 20 tỷ m3, khoảng 18-19 tỷ m3", ông Chernyshov cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Ông Chernyshov nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ không nhập khẩu khí đốt trong năm nay, đồng thời nói rằng Naftogaz không có ý định ký hợp đồng trung chuyển khí đốt mới với Nga sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào cuối năm 2024.

Gazprom, công ty độc quyền về khí đốt của Nga, hiện đang vận chuyển khoảng 42 triệu m3 khí đốt mỗi ngày qua Ukraine. Ông Chernyshov cho biết các quốc gia khác đang nắm giữ khoảng 2 tỷ m3 khí đốt ở Ukraine, thể hiện "niềm tin và cam kết của các thương nhân quốc tế". Khối lượng trên đã góp phần tăng doanh thu của Naftogaz và duy trì áp lực cao tại các cơ sở lưu trữ.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2492023-695021.html