Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/2/2023

OPEC+ có thể điều chỉnh sản lượng nếu điều kiện thị trường thay đổi; Nam Á cũng khủng hoảng vì khí đốt; Trung Quốc ủng hộ yêu cầu của Nga về việc điều tra vụ tấn công đường ống Nord Stream… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 21/2/2023.

OPEC+ có thể thay đổi chính sách sản lượng nếu các điều kiện thị trường thay đổi. Ảnh: Investors

OPEC+ có thể thay đổi chính sách sản lượng nếu các điều kiện thị trường thay đổi. Ảnh: Investors

OPEC+ có thể điều chỉnh sản lượng nếu điều kiện thị trường thay đổi

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, ngày 20/2 cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, sẽ vẫn linh hoạt và có thể thay đổi chính sách sản lượng nếu các điều kiện thị trường thay đổi.

Phát biểu của ông Abdulaziz được đưa ra sau khi OPEC+ nhất trí giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng dầu hiện này là 2 triệu thùng/ngày tại cuộc họp hồi đầu tháng 2/2023. Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3/4 tới.

Tuần trước, OPEC đã nâng mức dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 thêm 100.000 thùng/ngày, giữa lúc khối này rất kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Nam Á cũng khủng hoảng vì khí đốt

Pakistan và Bangladesh đều đang nỗ lực tránh để lặp lại tình trạng cắt điện trên diện rộng như năm 2022. Tuy nhiên, các quan chức ngành này và các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng có thể tồi tệ hơn trong năm 2023, do lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giảm mạnh.

Hiện cả hai quốc gia Nam Á phụ thuộc lớn vào khí đốt trong sản xuất điện, nhưng đã giảm LNG nhập khẩu sau khi giá tăng vọt do nhu cầu tại châu Âu tăng mạnh. Số liệu của nhà cung cấp các giải pháp cho thị trường năng lượng Kpler cho thấy, lượng nhập khẩu LNG của Pakistan năm 2022 giảm 17% so với năm 2021, xuống mức thấp nhất trong 5 năm. 1/3 sản lượng điện tại Pakistan là từ khí đốt, nhưng dự trữ ngoại tệ giảm do việc nhập khẩu năng lượng.

Trong khi đó, tại Bangladesh, 2/3 sản lượng điện là từ khí đốt. Lượng nhập khẩu LNG của nước này năm 2022 giảm 14% so với năm 2021, khiến sản lượng điện giảm, trong khi nhu cầu tăng.

Trung Quốc ủng hộ yêu cầu của Nga về việc điều tra vụ tấn công đường ống Nord Stream

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân ngày 20/2 cho biết, Bắc Kinh ủng hộ dự thảo nghị quyết của Nga yêu cầu Liên Hợp Quốc (LHQ) điều tra vụ tấn công đường ống khí đốt Nord Stream hồi tháng 9 năm ngoái.

Trước đó cùng ngày, ông Uông Văn Bân - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, cần tiến hành điều tra vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream của Nga một cách khách quan, công bằng và chuyên nghiệp, truy cứu trách nhiệm để có câu trả lời trước cộng đồng quốc tế về vụ nổ cơ sở hạ tầng lớn xuyên quốc gia.

Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, sự cố khiến đường ống khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 rò rỉ đã gây tác động tiêu cực đáng kể đến thị trường năng lượng toàn cầu và môi trường sinh thái. Trước những tác hại và hậu quả nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế có quyền yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng.

IEA hối thúc ngành năng lượng tiếp tục giảm phát thải khí metan

Một báo cáo do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố ngày 21/2 cho thấy ngành nhiên liệu hóa thạch chưa giải quyết được vấn đề phát thải khí metan, trong năm 2022 ngành năng lượng phát thải khoảng 135 triệu tấn khí metan, gần bằng mức kỷ lục ghi nhận năm 2019, mặc dù nhiều chính phủ và doanh nghiệp đã cam kết khắc phục việc phát thải metan.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhấn mạnh dù đạt được một số tiến bộ, song lượng phát thải metan "vẫn ở mức quá cao và giảm không đủ nhanh". IEA cho rằng các công nghệ hiện có sẽ giúp giảm 70% lượng phát thải metan từ riêng lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.

Cơ quan này cũng ước tính khoản đầu tư 100 tỷ USD, chưa đến 3% thu nhập của các công ty dầu mỏ và khí đốt trên thế giới vào năm ngoái, sẽ đủ để đạt được mục tiêu giảm 75% lượng khí thải metan. Bên cạnh đó, IEA cho rằng biện pháp hiệu quả nhất mà các quốc gia có thể thực hiện để hạn chế lượng phát thải là ngừng tất cả các hoạt động đốt và thải khí metan không cần thiết.

Ai Cập sẽ chào thầu quốc tế 3 gói thăm dò và sản xuất dầu khí

Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek El Molla cho biết nước này có kế hoạch chào thầu quốc tế 3 gói thầu thăm dò và sản xuất dầu khí, bên cạnh kế hoạch khoan 300 giếng đến năm 2025. Kế hoạch chào thầu sẽ tiếp tục cho đến tháng 5/2023.

Vòng mời thầu quốc tế này, do Công ty Cổ phần Khí đốt Tự nhiên Ai Cập (EGAS) khởi động, là một phần trong "chiến lược hành động" của Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản. Chiến lược được bắt đầu vào năm 2016 nhằm thu hút đầu tư vào các hoạt động thăm dò dầu khí ở những khu vực triển vọng, đặc biệt là Địa Trung Hải.

Trước đó, tháng 12/2022, ông El Molla thông báo khởi động vòng đấu thầu quốc tế mới để tìm kiếm và thăm dò dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tại 12 khu vực ở Địa Trung Hải và đồng bằng sông Nile, bao gồm 6 khu vực ngoài khơi và 6 khu vực trên đất liền. Hồi tháng 1/2022, Ai Cập đã trao 8 lô thăm dò dầu khí cho BP (Anh), ENI (Italy), Apex International (Mỹ), Energean (Ai Cập) và United Energy (Mỹ). Xuất khẩu dầu mỏ của Ai Cập trong năm 2022 đã tăng 41% so với năm trước đó lên 18,2 tỷ USD.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-2122023-678818.html