Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/11/2022
Châu Âu không thống nhất được mức trần giá khí đốt; EU bỏ khí đốt Nga ra khỏi kế hoạch mua chung; Nga cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của việc áp giá trần dầu mỏ… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 25/11/2022.
Châu Âu không thống nhất được mức trần giá khí đốt
Các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/11 đã không nhất trí được về mức trần giá khí đốt nhằm giảm thiểu cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Một số bộ trưởng tham dự cuộc họp ngày 24/11 phàn nàn về đề xuất giá trần khí đốt mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố 2 ngày trước đó, cho rằng đề xuất này rõ ràng không khả thi. Theo ông Sikela, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ tiếp tục nhóm họp vào đầu tháng 12 tới để nỗ lực thu hẹp các bất đồng.
Kế hoạch giới hạn giá đặt ra ngưỡng tối đa 275 euro/MWh. Tuy nhiên, mức giá này đi kèm theo rất nhiều điều kiện, đến nỗi mức giá này đã không được áp dụng vào tháng 8 vừa qua khi giá khí đốt tăng vọt lên mức 300 euro trong thời gian ngắn, qua đó cảnh báo châu Âu về những mức giá lịch sử chênh lệch khoảng 10% so với mức giá này.
Kế hoạch giới hạn giá, nếu được thông qua, sẽ bắt đầu từ tháng 1/2023. Kế hoạch này sẽ được triển khai đồng thời với một sáng kiến tự nguyện dành cho các quốc gia thành viên EU nhằm cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa đông ở Bắc Bán cầu.
EU bỏ khí đốt Nga ra khỏi kế hoạch mua chung
Trong một cuộc họp không chính thức hôm 24/11, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các bộ trưởng năng lượng của EU đã đồng ý loại trừ khí đốt của Nga khỏi danh sách mua chung. “Các quy tắc mới sẽ giúp các quốc gia thành viên EU và các công ty năng lượng có thể mua khí đốt chung trên thị trường toàn cầu. Các nước thành viên đã nói rõ rằng khí đốt của Nga sẽ bị loại khỏi danh sách mua chung”, tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ.
Tuy nhiên, khái niệm “khí đốt của Nga” vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng và vẫn chưa biết liệu khí đốt được sản xuất tại Nga và được mua với sự trợ giúp của một bên trung gian hay một chuỗi các bên trung gian sẽ được định nghĩa như vậy.
“Trên thực tế, các quốc gia thành viên đã thống nhất rằng các công ty khí đốt và các công ty tiêu thụ khí đốt ở EU và các nước thuộc Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu sẽ đệ trình nhu cầu nhập khẩu khí đốt. EU sẽ thuê một nhà cung cấp dịch vụ để tính tổng nhu cầu và tìm kiếm các bên trên thị trường toàn cầu để đáp ứng nhu cầu”, EC cho biết. Động thái này vẫn chưa được chính thức thông qua cho đến cuộc họp của Hội đồng Năng lượng EU, dự kiến diễn ra vào tháng 12.
Nga cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của việc áp giá trần dầu mỏ
Ngày 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần đối với dầu mỏ Nga có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trên thế giới. Cảnh báo trên trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani diễn ra cùng ngày.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã đề cập việc một số nước phương Tây tìm cách áp đặt mức giá trần đối với dầu thô của Nga. Ông nhấn mạnh rằng những hành động như vậy "trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu".
Lời cảnh báo trên được nhà lãnh đạo Nga đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc áp mức giá trần mua dầu mỏ Nga lâm vào bế tắc. Bộ trưởng An ninh năng lượng và Môi trường Italy Gilberto Pichetto Fratin cho biết 15 nước thành viên EU kêu gọi áp giá trần khí đốt đã quyết định bác bỏ cơ chế giới hạn mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất.
Đại gia khí đốt Đức yêu cầu gấp đôi viện trợ từ chính phủ
Uniper, công ty chịu thiệt hại lớn nhất trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu cho đến nay, cho biết Berlin sẽ cần bơm thêm 25 tỉ EUR (25,8 tỉ USD) vốn cổ phần bổ sung cho nhà nhập khẩu khí đốt đang gặp khó khăn này để bù lỗ phát sinh sau khi Nga cắt nguồn cung.
Trước đó, trong một gói cứu trợ đưa ra hồi tháng 7, Berlin đã đưa ra gói cứu trợ trị giá 15 tỉ EUR cho Uniper, bao gồm khoảng tăng vốn 8 tỉ EUR. Tuy nhiên, "gã khổng lồ" khí đốt giờ đây tuyên bố khoản tăng vốn dự kiến sẽ không đủ để ổn định Uniper".
Theo Reuters, yêu cầu hỗ trợ mới nhất sẽ đưa chi phí quốc hữu hóa công ty lên 51,5 tỉ EUR (53 tỉ USD) bao gồm hạn mức tín dụng và bơm vốn chủ sở hữu. Các nhà đầu tư sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận này, bao gồm tới 33 tỉ EUR vốn cổ phần do nhà nước hậu thuẫn, hạn mức tín dụng lên tới 18 tỉ EUR từ công ty cho vay nhà nước KfW và 500 triệu EUR để mua lại công ty mẹ của Uniper Fortum, tại cuộc họp ngày 19/12.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-25112022-672369.html