Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/5/2023
Sắp nhập khẩu điện từ nhà máy thủy điện Nam Kong 2, 3 của Lào; Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận hoãn thanh toán một phần tiền khí đốt với Nga; Thái Lan tăng cường đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 3/5/2023.
Sắp nhập khẩu điện từ nhà máy thủy điện Nam Kong 2, 3 của Lào
Dự kiến trước ngày 15/5/2023, khi dự án nhà máy thủy điện Nam Kong 2, 3 phía Lào hoàn thành các thủ tục theo quy định, Trạm cắt Bờ Y sẽ nhận điện từ các nhà máy này để hòa vào hệ thống điện Việt Nam.
Ban Quản lý dự án Điện 2 phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công trạm cắt 220kV Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) và các đường dây 220kV đấu nối vào cuối tháng 4. Dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 2 được giao quản lý điều hành dự án. Dự án được đầu tư xây dựng nhằm mục tiêu nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện Nam Kong 1, 2, 3 (Lào) về Việt Nam.
Dự án Trạm cắt 220kV Bờ Y và các đường dây 220kV đấu nối góp phần thực hiện cam kết song phương về quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Lào trong lĩnh vực phát triển năng lượng; đồng thời tăng cường năng lực cho hệ thống điện Việt Nam nhất là vào mùa nắng nóng.
Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận hoãn thanh toán một phần tiền khí đốt với Nga
Theo hãng tin Sputnik, thông tin trên được Bộ trưởng Năng lượng và tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez công bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Haber Global. "Năm ngoái, sau khi giá khí đốt tăng mạnh, chúng tôi đã đàm phán với Tập đoàn Gazprom để hoãn một phần các khoản thanh toán và đã đạt được thỏa thuận”, ông Donmez thông tin.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Donmez được đề nghị xác nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sau bầu cử sẽ trả cho Nga 20 tỷ USD tiền khí đốt được gia hạn nợ. Tuy nhiên, ông Donmez bác bỏ con số 20 tỷ USD, khẳng định đây là con số không đúng.
Trước đó, vào tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thống nhất rằng Ankara sẽ thanh toán 25% tiền khí đốt bằng đồng rúp.
Nga nói chỉ một lượng tối thiểu khí đốt đi qua Ukraine tới châu Âu
Hiện tại nguồn cung khí đốt Nga chỉ đi qua đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) và ở mức tối thiểu qua lãnh thổ Ukraine, theo hãng tin Kommersant của Nga. Kommersant cho hay sản lượng khí đốt ở Nga trong quý I/2023 đã giảm xuống còn 61 tỷ m3, thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Việc giảm khai thác khí đốt là do việc xuất khẩu cho các nước Liên minh châu Âu (EU) giảm.
"EU từ trước đến nay là thị trường lớn nhất của Gazprom, nhưng hiện tại nguồn cung chỉ đi qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và ở mức tối thiểu qua lãnh thổ Ukraine", tờ báo lưu ý. "Gazprom đang đồng thời tăng nguồn cung cho Trung Quốc từ các mỏ ở Đông Siberia, nhưng chúng không được kết nối với các đường ống cung cấp khí đốt cho EU, cho đến nay khối lượng này không thể sánh được với các nguồn cung trước đó cho châu Âu", bài viết khẳng định thêm.
Lượng xuất khẩu khí đốt bằng đường ống sang châu Âu giảm mạnh trong bối cảnh châu Âu từ chối nhập khí đốt của Nga, cũng như các vấn đề về cơ sở hạ tầng ở những tuyến chính. Vào năm 2022 việc giao hàng đến châu Âu đã dừng trên toàn bộ tuyến chính (“Dòng chảy phương Bắc”) và tuyến cân đối (Yamal-Châu Âu), còn khối lượng đi qua hệ thống trung chuyển khí đốt của Ukraine sụt giảm khoảng ba lần so với trước đây, theo Kommersant.
Thổ Nhĩ Kỳ tự tin không cần nguồn cung cấp năng lượng từ bên ngoài
Ngày 2/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, nước này đã phát hiện một mỏ dầu mới có thể giúp Ankara không còn cần tới nguồn cung cấp năng lượng từ nước ngoài. “Chúng tôi đã tìm thấy dầu ở khu vực Đông Nam Gabar ở độ sâu 2,6 km. Mỏ này có công suất khai thác 100.000 thùng dầu mỗi ngày. Sản lượng dầu ở đó sẽ lớn hơn so với tất cả các mỏ dầu khác ở Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao sự độc lập về năng lượng và muốn thoát khỏi nhập khẩu, vốn là nguồn đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nước này đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp dầu khí từ Nga, Azerbaijan, Iran, Nigeria và Algeria, cũng như nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ.
Tháng 12/2022, ông Erdogan tiết lộ, Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ra một mỏ dầu ở tỉnh Sirnak, với trữ lượng khoảng 150 triệu thùng và trị giá ước tính 12 tỉ USD. Ankara đã thúc đẩy đáng kể tham vọng dầu khí của nước này trong năm qua. Tháng 1/2023, nước này đã ký thỏa thuận dài hạn với Bulgaria, cho phép quốc gia vùng Balkan tiếp cận các cảng LNG của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thái Lan tăng cường đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời
Cục Sản xuất điện quốc gia Thái Lan (EGAT) đang đặt mục tiêu tăng công suất phát điện từ các trang trại năng lượng mặt trời nổi tại chín nhà máy thủy điện lên 10 gigawatt (GW) vào năm 2037, với khoản đầu tư gần 300 tỷ baht (tương đương 8,7 tỷ USD).
Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn kế hoạch phát triển thêm 2.725 megawatt (MW) điện mặt trời từ các trang trại nổi, được xây dựng tại 9 nhà máy thủy điện của cơ quan này trên khắp cả nước. Cục trưởng EGAT Boonyanit Wongrukmit cho biết, cơ quan này hiện đang chờ Ủy ban soạn thảo Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia 2023 thông qua kế hoạch mở rộng công suất.
EGAT đã hoàn tất việc xây dựng trang trại điện mặt trời nổi đầu tiên với công suất 45MW tại Đập thủy điện Sirindhorn, tỉnh Ubon Ratchathani. Hiện cơ quan này đang tiến hành xây dựng trang trại điện mặt trời thứ hai với công suất 24MW tại đập Ubonrattana, cũng ở khu vực đông bắc Thái Lan.
Công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi dự án khí đốt ở Nga
Mitsui & Co., một công ty thương mại Nhật Bản thuộc sở hữu một phần của Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett, sẽ tiếp tục theo đuổi một dự án khí đốt tự nhiên đang được phát triển ở Nga. Thông tin trên được ông Kenichi Hori, Giám đốc Điều hành của Mitsui, công bố hôm 2/5.
Theo ông Hori, dự án Arctic LNG 2 ở vùng Cực Bắc của Nga là một phần quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên. Chuyến tàu đầu tiên của dự án, hoặc cơ sở xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, ông Hori cho biết.
Giám đốc Điều hành của Mitsui cho biết không có cuộc đàm phán nào đang được tiến hành để sửa đổi kế hoạch xây dựng nhưng nhấn mạnh nếu có thay đổi, ông sẽ thông báo.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-352023-684019.html