Nhịp sống mới của dân xê dịch trong giãn cách

Vốn là người thích dịch chuyển, dịch Covid-19 khiến nhiều kế hoạch, dự định của những travel blogger, người yêu du lịch bị ảnh hưởng, khiến họ phải làm quen với nhịp sống mới.

Vốn là người thích đi, hay đi, dịch Covid-19 khiến nhiều kế hoạch, dự định của những travel blogger, người yêu du lịch bị ảnh hưởng, khiến họ phải làm quen với nhịp sống mới.

 Đầu năm 2020, Nguyễn Huy Tâm có chuyến du lịch cuối cùng đến Bali trước khi phải tạm ngừng mọi dự định vì đại dịch.

Đầu năm 2020, Nguyễn Huy Tâm có chuyến du lịch cuối cùng đến Bali trước khi phải tạm ngừng mọi dự định vì đại dịch.

Nguyễn Huy Tâm là travel writer, tác giả của hai cuốn sách về du lịch: Bước qua thành phố lạThrough Asia: A whisper from the East (tạm dịch: Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông). Đây là chia sẻ của anh dành cho Zing về trải nghiệm, cảm nhận một cuộc sống thật khác trong đại dịch.

Tôi từng ghé qua nhiều thành phố ở 4 châu lục trên thế giới. Bắt đầu xê dịch khi đã bước qua tuổi 30, tôi đi từng chút, từng chút, từ nơi gần như Campuchia, Thái Lan, Singapore rồi đến những chốn xa hơn như Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc rồi đến châu Âu. Sau thời gian ngắn sống tại Mỹ, Canada, tôi bắt đầu đến những nơi xa xôi hơn nữa như Iran, Bhutan, Cuba rồi châu Phi.

Tôi không đặt nặng thành tích, số lượng phải được thế này, thế kia mà ưu tiên trải nghiệm của bản thân, để có tri thức, để giúp mình trở nên tốt hơn mình của ngày hôm qua và cân bằng cuộc sống, công việc.

Thế rồi đại dịch ập đến. Sinh sống ở TP.HCM, một trong những điểm nóng Covid-19 của cả nước, cũng như bao người, tôi bắt đầu đóng cửa, nghiêm ngặt thực hiện các biện pháp phòng dịch, đọc tin tức đầy đủ và trông chờ phép màu vào mỗi buổi sáng sớm.

Kế hoạch dang dở

Tôi nhớ lần cuối mình đi du lịch là vào đầu năm 2020. Khi đó, tôi chọn Bali làm điểm đến ăn mừng sinh nhật một mình. Tôi có thói quen như vậy, tự đón sinh nhật ở nơi xa nào đó.

Nhưng lần ấy, tôi thấy có nhiều điều lạ lùng. Bali luôn luôn đầy ắp khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, đường sá luôn kẹt cứng, nóng bức. Nhưng sao lần đó tôi đến, hoàn toàn vắng khách du lịch châu Á đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Khi đó, ở Việt Nam vẫn chưa bị dịch bệnh tác động nhiều và mọi người nghĩ mọi thứ sẽ qua nhanh thôi. Ai ngờ...

Ở chuyến đi cuối cùng ấy, tôi xem đó là thời gian nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt mỏi. Lịch trình trong ngày chỉ là ngủ nhiều, đi cà phê đến chiều rồi say xỉn. Tôi cũng không biết đó là những ngày vui vẻ cuối cùng trước khi cả thế giới đứng yên.

Cũng vì dịch Covid-19, nhiều dự định của tôi phải dừng lại. Tháng 3/2020, tôi phát hành quyển sách tiếng Anh “Through Asia: A whisper from the East” tại Mỹ. Sau đó, tôi có lịch trình dài để giới thiệu sách tại quốc gia này song không thể tham gia, các hội chợ sách cũng không diễn ra như dự định.

Vì thế, tôi thay đổi kế hoạch, phát hành bản tiếng Việt tại Việt Nam, vì khi đó đại dịch chưa thực sự ảnh hưởng đến đất nước mình. Ấy vậy mà khi mọi sự chuẩn bị hoàn tất thì các đợt dịch bùng phát. Cá nhân tôi và công ty phát hành sách đã dừng lại mọi kế hoạch, đơn giản là ngay thời điểm đó, phát hành một quyển sách du lịch là điều không nên làm.

Bên cạnh đó, chuyến đi trở lại châu Phi của tôi cũng không thực hiện được. Sau lần đầu tiên đến Kenya và Tanzania một mình, tôi thấy mình gắn bó và có trách nhiệm với mảnh đất này cũng như có nhiều bí ẩn cần khám phá. Mà chắc không sao đâu ha, châu Phi vẫn ở đó thôi.

Thích nghi

Với một người bình thường, việc chôn chân trong 4 bức tường đã là khủng khiếp, thì với một người chọn những cung đường làm lẽ sống như tôi, điều đó còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Tôi đã có những ngày đầu tiên loay hoay, mệt mỏi, thất vọng và ngột ngạt.

Có 4 thứ chính yếu tác động đến tâm lý của chúng ta trong mùa dịch: tài chính, sức khỏe, phương tiện giải trí và kết nối. Nếu một trong 4 nội dung này không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe, kéo những thứ khác xuống tới đáy.

Vì vậy, tôi sắp xếp lại chỗ ngồi làm việc tại nhà ngăn nắp, gọn gàng, có nhiều ánh sáng để mỗi ngày có thể vui vẻ ngồi vào bàn làm việc.

 Từng đi đến nhiều nơi trên thế giới, Huy Tâm phải học cách làm quen với cuộc sống xoay quanh 4 bức tường vì đại dịch.

Từng đi đến nhiều nơi trên thế giới, Huy Tâm phải học cách làm quen với cuộc sống xoay quanh 4 bức tường vì đại dịch.

Về sức khỏe, tôi chăm tập thể dục và chú ý khẩu phần ăn hơn. Hầu như mỗi buổi chiều sau giờ làm, tôi dành thời gian nấu nướng cũng như cho cơ thể vận động. Tôi bỏ đường ra khỏi khẩu phần ăn, giảm lượng dầu mỡ và tăng lượng rau. Điều đó giúp tôi thấy người mình nhẹ hơn rất nhiều.

Về phương tiện giải trí, tôi có nhiều sách mua về mà bận quá chưa đọc kịp, một loạt phim tài liệu trên Netflix chưa xem xong, tôi còn vẽ tranh sơn dầu và trồng cây nữa, những thứ trước đây tôi không nghĩ mình sẽ làm.

Cuối cùng là việc giữ kết nối. Cũng may, thời buổi 4.0 không thiếu các phương tiện kết nối mọi người với nhau. Tôi và mọi người vẫn liên lạc đều đặn, thông tin liền mạch và những người bạn mang năng lượng tích cực luôn làm tôi cảm thấy dễ chịu.

Để đỡ nhớ những cung đường, những thành phố lạ, tôi xem nhiều phim tài liệu, YouTube hay tìm hiểu thông tin để có thêm những ý tưởng. Khi thế giới trở lại bình thường, tôi sẽ có thêm những điểm đến thú vị.

Tôi là người hay nghĩ, nên luôn làm cho mình bận rộn. Chứ ngày nào cũng trong trạng thái chờ đợi, tôi sẽ già đi rất nhanh, và tôi thì không thích điều đó.

Khám phá điều mới

Tôi là con người của phố phường, quán xá và những cuộc vui với bạn bè. Nên đại dịch gần như là cú đấm khiến tôi choáng váng.

Trong thời gian loanh quanh ở nhà, việc thú vị nhất là tôi đi vào bếp. Trước đây, tôi không chú ý lắm vào khẩu phần ăn của mình, chủ yếu là thích gì ăn nấy. Nhưng từ khi vào bếp, tôi còn biết đến ăn đúng.

Khi chính tay mình nấu những bữa ăn, tôi chú trọng đến khẩu phần, chất dinh dưỡng, gia vị cũng như học được nhiều bài học về sự kiên nhẫn khi nấu nướng, rất thú vị.

Trước đó, tôi nghĩ mình sẽ điên lên mất nếu nhốt mình trong 4 bức tường lâu như vậy. Nhưng sau đó, tôi phát hiện con người có một khả năng thích ứng tuyệt vời với hoàn cảnh.

Khi có nhiều thời gian hơn, tôi dành để vẽ, để đọc, để học và để lắng nghe chính mình. Cuộc sống thường ngày quá bận rộn và ồn ào, chúng ta ít khi lắng nghe mình một cách sâu sắc.

Không vội vàng

Hiện, mọi thứ đang dần được kiểm soát, các chặng bay, điểm du lịch cũng bắt đầu mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, du lịch đối với tôi là niềm vui, nên nếu đi du lịch trong tình trạng lo lắng, sợ sệt thì tôi sẽ không tham gia. Tôi nghĩ mình còn nhiều thời gian ở phía trước, nên mặc dù nhớ những cung đường nhưng cũng không nên vội vàng. Việc bây giờ là giữ an toàn, khỏe mạnh và quay trở lại công việc trước.

 Huy Tâm dự đoán xu hướng du lịch có nhiều thay đổi sau đại dịch.

Huy Tâm dự đoán xu hướng du lịch có nhiều thay đổi sau đại dịch.

Nếu tôi có đi, sẽ chỉ là những chuyến đi ngắn ngày. Nhưng tôi không còn dành ưu tiên cho những thành phố quen thuộc nữa, mà sẽ là những nơi xa lạ, thậm chí vô danh.

Sau thời gian dài giãn cách trên toàn thế giới, tôi nghĩ du lịch sẽ quay trở lại một cách dè dặt ở một số thị trường, nhất là những thị trường sống dựa vào du lịch. Sau đó, các bài học sẽ được rút ra và có một sự bùng nổ về du lịch trên toàn thế giới, chi phí dành cho du lịch cũng sẽ tăng lên.

Đại dịch cũng sẽ làm ảnh hưởng đến hành vi du lịch cũng như xu hướng lựa chọn điểm đến trong tương lai. Khái niệm “vô thường” trong cuộc sống làm cho chúng ta có những sự lựa chọn táo bạo hơn, bứt phá ra khỏi vùng an toàn trước đây. Du lịch mạo hiểm cũng sẽ là một thị trường rất tiềm năng.

Bên cạnh đó, đại dịch cũng tạo ra một thế hệ du mục mới, làm việc bằng Internet và không phụ thuộc vào địa điểm. Họ nghĩ ngắn hơn, tận hưởng nhiều hơn và sống vui vẻ hơn.

Theo tôi, đại dịch gây ra mất mát về con người và kinh tế, nhưng ở góc nhìn khác, đây cũng là khoảng thời gian cho Trái Đất phục hồi và những địa điểm du lịch không phải gồng mình lên để liên tục đón khách.

Chúng ta cũng dừng lại, nhìn vào bên trong chính bản thân mình một cách nghiêm túc và có những đối thoại với chính mình. Đó là điều tuyệt diệu nhất mà cuộc sống bận rộn đã lấy đi. Như một cái điện thoại, chúng ta cũng cần sạc pin, thế giới cũng cần sạc pin để trở nên tươi mới và tiếp tục một hành trình dài phía trước.

Ánh Hoàng

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhip-song-moi-cua-dan-xe-dich-trong-gian-cach-post1272505.html