Nhịp sống mới ở các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập
Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố thời gian qua, không chỉ tạo được sự đồng thuận của người dân mà còn tạo sức lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào ở cơ sở.
Diện mạo thôn 2, xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa) sau sáp nhập ngày càng sạch đẹp, khang trang.
Trở lại thôn mới Xuốm Chỏng, xã Đồng Lương (Lang Chánh), những ngày đầu tháng 3, chúng tôi khá ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng nơi đây. Những con đường bê tông nổi bật với hàng hoa được trồng hai bên đường tỏa đến các ngõ xóm, thấp thoáng xa xa là những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Từ khi thôn Xuốm Chỏng hoàn tất việc sáp nhập (từ hai làng Xuốm và làng Chỏng), công việc của ông Phạm Văn Thiệu, trưởng thôn Xuốm Chỏng có phần vất vả hơn. Quá trưa, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền nếp sống mới tại khu dân cư ông mới trở về nhà và trò chuyện với chúng tôi: Trước đây, tuy 2 làng Xuốm và Chỏng sống gần nhau, nhưng vì đường khó đi nên hai làng ít giao lưu. Từ cuối năm 2018, sau khi 2 làng “về chung một nhà” lấy tên là thôn Xuốm Chỏng, dân đông nên việc huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng hay phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng thuận lợi hơn. Đặc biệt từ khi có đường đi, đồng bào không còn bị “đứt liên lạc” với những vùng lân cận, dễ dàng tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới để thay đổi tư duy làm ăn. Dọc các triền núi hoang vu, nhiều cây cỏ trước kia đã được thay bằng màu xanh của cây ngô, cây luồng, cây keo. Màu của sự sống, ấm no đã và đang xóa dần cuộc sống quẩn quanh từng đeo bám bà con nơi đây. Nhờ đó, đến nay toàn thôn chỉ còn lại 6 hộ nghèo (năm 2020), thu nhập bình quân đầu người đã trên 27 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, tháng 6 năm nay, thôn dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng thôn nông thôn mới.
Sau khi hoàn thành chủ trương sáp nhập thôn, bản xã Đồng Lương giảm từ 11 thôn xuống còn 7 thôn. Ông Phạm Khánh Đạt, chủ tịch UBND xã, cho biết: Lúc đầu thực hiện sáp nhập thôn, chúng tôi cũng rất lo việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của bà con. Nhưng sau sáp nhập, điều thấy rõ nhất, đó là sức mạnh của khu dân cư được nâng lên, làm gì cũng dễ, cũng nhanh hơn. Mỗi người dân đã ý thức được trách nhiệm của mình, là bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bản thân phải có trách nhiệm trong việc nỗ lực thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tạo nên diện mạo thôn khang trang, sạch đẹp hơn. Với sự đồng lòng chung sức từ chính quyền đến Nhân dân, nhiều phong trào thi đua như “Nhà sạch, ngõ đẹp”, “Làm kinh tế giỏi”... được phát động sôi nổi ở các thôn, bản, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và mang lại nhiều kết quả tích cực. Hiện 7 thôn đều có đội văn nghệ, đội bóng chuyền hơi. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức sôi nổi vào các dịp lễ, tết. Qua đó, góp phần khơi dậy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là “điều chỉnh nhưng không gây xáo trộn”, nên sau khi sáp nhập 370 thôn, tổ dân phố xuống còn 243 thôn, tổ dân phố, đến nay các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đều hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, hạ tầng như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa tại các thôn, tổ dân phố đã được nâng cấp, sửa chữa tạo nên diện mạo nông thôn khang trang, Theo chia sẻ của chị Vũ Thị Hương, chuyên viên Phòng Nội vụ, UBND huyện Hoằng Hóa thì: Trước khi sáp nhập, các thôn, tổ dân phố có quy mô dân số ít, dẫn đến việc khó khăn trong huy động các nguồn lực từ cộng đồng để xây dựng hạ tầng giao thông, công trình văn hóa, thể thao; thì sau khi sáp nhập việc này đã cơ bản được khắc phục. Sau sáp nhập, người dân đều phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống và hầu hết các thôn, tổ dân phố đều đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa.
Cứ chiều lại, nhà văn hóa ở thôn 2, xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa), lại trở nên rộn rã. Từ những trận đấu bóng chuyền, những buổi luyện tập văn nghệ, hay chuyện đồng áng... rồi chuyện 2 thôn nhập thành “một nhà” đều trở thành chủ đề rôm rả của bà con. Anh Lê Văn Sỹ, trưởng thôn 2, phấn khởi, cho biết: Nhà văn hóa khang trang, rộng này là thành quả đầu tiên của người dân thôn 2 và thôn 4, sau khi sáp nhập dưới “mái nhà chung”. Sau hai năm ghép 2 thành 1, đến nay 212 hộ dân của thôn đã cùng chung sức xây dựng khu dân cư khang trang, sạch đẹp hơn. Giờ đây, không chỉ có nhà văn hóa mà 100% đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/năm. Thôn 2 hiện được chọn làm thôn điểm của xã để xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Khẳng định, việc sáp nhập các thôn trên địa bàn xã mang lại hiệu quả cao, ông Trịnh Hữu Vui, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái, cho rằng: Sau khi xã sáp nhập từ 10 thôn xuống còn 5 thôn, các thôn hoạt động ổn định. Bộ máy tinh gọn, đội ngũ cán bộ ở các thôn nâng cao tinh thần, trách nhiệm; hoạt động phong trào ở các khối đoàn thể phát triển sôi nổi; nghị quyết ở chi bộ thôn khả thi, đi vào đời sống hơn. Đáng nói, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đã được nâng lên; phát huy được vai trò tự quản, tự chủ và huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư để xây dựng hạ tầng, thiết chế văn hóa...
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.552 thôn, tổ dân phố (giảm 1.578 thôn, tổ dân phố). Theo đánh giá của nhiều địa phương, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Đồng thời, hoạt động của các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập đã được thổi một “luồng gió mới”, giúp cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, cũng như góp phần tạo dựng diện mạo mới cho các khu dân cư.