Nhịp sống số
Bạn thử ngẫm xem, ngày nay, một chị bán rau ở chợ có thể thảnh thơi cầm chiếc điện thoại cả buổi mặc dù có nhiều khách đến mặc cả và mua hàng. Cách đây chưa lâu, chính chị phải tất tả chạy sang hàng bán đồ khô, hàng thịt lợn, hàng cá... để đổi một tờ 500.000 đồng của vị khách hàng nào đó. Giờ đây, nỗi lo tiền lẻ không còn ám ảnh chị nữa.
Khách hàng của chị cũng chẳng còn lo tiền rách thì tiêu thế nào, liệu người bán có trả thiếu tiền của mình hay không. Hạ tầng số đã len lỏi vào cuộc sống từng ngày, dần thay đổi thói quen và được mọi người đón nhận. Nhưng, liệu sự thay đổi ấy có đủ tạo ra một nhịp sống mới, một nhịp sống vừa gọn ghẽ, nhanh gấp nhưng cũng vừa hài hòa với đặc thù văn hóa của người Việt.

Hạ tầng số tạo ra nhịp điệu mới trong cuộc sống.
TS Đặng Ngọc Toàn đã chia sẻ trên Báo Dân trí trong bài viết "Tinh gọn bộ máy và "quản trị số" ở địa phương" như thế này: “Một xu hướng của quản trị số hiện nay là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dịch vụ công: Triển khai trợ lý ảo, chatbot AI để hỗ trợ tương tác với người dân. Các trợ lý ảo có thể tự động trả lời câu hỏi thường gặp, hướng dẫn điền biểu mẫu, nhắc lịch hẹn và thậm chí tiếp nhận phản ánh của người dân mọi lúc, mọi nơi”. Đằng sau những lợi ích còn là một sự chuyển động trong nhận thức: Khi gánh nặng đã được AI chia sẻ phần nào, liệu rằng chúng ta sẽ là người nhàn nhã hay lại bắt tay vào thử thách khác?
Xin bắt đầu bài viết này bằng những câu chuyện cũ: cách đây hơn 20 năm, sự xuất hiện của những chiếc điện thoại di động đem đến không ít thay đổi trong cộng đồng. Người ta bắt đầu nhận ra tiếng chuông bất ngờ phá vỡ không gian trang trọng của cuộc họp vốn dĩ được các thành viên thể hiện sự nghiêm túc bằng sự im lặng. Tương tự như thế, khi một người dù đã mang theo chiếc điện di động vẫn có thể bị mất liên lạc do sập nguồn, ngoài vùng phủ sóng... Và, khi đó, một thông báo được ghi âm sẵn của tổng đài sẽ vang lên: “Thuê bao mà quý khách vừa gọi...”. Sự xuất hiện thông báo ấy cũng tạo ra một cảm xúc mới là sự lo lắng, thất vọng.
Ngót 2 thập kỉ sau, những chiếc điện thoại đã không còn đơn giản với mạng 2G và 2 chức năng chính: gọi điện, nhắn tin. Điện thoại thông minh (smartphone) ở phương diện nào đó đã soán ngôi của máy tính và tivi, tạo ra một nhịp sống khác. Sự khác biệt từ hiệu ứng mà các thiết bị này tạo ra kéo theo sự thay đổi nhận thức về các giá trị tinh thần. Người viết xin kể vài câu chuyện mới để bạn đọc sẽ cảm nhận rõ điều đó.

Que kem “cột mốc Km số 0” gắn với điểm đến thú vị của TP Hà Giang.
Được tin, TP Hà Nội sẽ lắp đặt cột mốc Km 0 tại trung tâm sân khánh tiết, phía trước tượng đài Lý Thái Tổ, giáp đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Thông tin này được nhiều người quan tâm nhưng cũng tự hỏi: Hà Nội có cần cột mốc Km 0 không? Thật ra, nếu như trước đây bạn chỉ quan tâm đến những cột mốc số 0 huyền thoại trong chiến tranh như cột mốc số 0 ở thị trấn Lạt (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), đánh dấu con đường huyền thoại Hồ Chí Minh. Bến K15 - “cột Km số 0” đường Hồ Chí Minh trên biển (chân đồi Nghinh Phong, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng). Đó là những sự mở đầu, là nơi bắt đầu những mũi tiến công để giành chiến thắng. Khi đất nước được thống nhất và bước sang giai đoạn xây dựng, phát triển, hội nhập... những cột Km 0 trở thành biểu tượng, là sự định vị văn hóa cho những điểm đến an toàn, thú vị, sâu lắng. Chỉ dẫn địa lý tạo ra thương hiệu.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, món kem “cột mốc Km số 0” (nằm bên đường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang, điểm bắt đầu của quốc lộ 2 nối Hà Giang và Hà Nội) đã gây sốt mạng xã hội.

Chúng ta sẽ gặt hái được gì từ nhịp sống số?
Hai câu chuyện về Km số 0 mà người viết đã nói ở trên ra đời ở những thời điểm khác nhau, với ý nghĩa khác nhau nhưng đồng điệu ở vẻ đẹp của những giá trị. Trong chiến tranh, tinh thần mưu trí, lòng dũng cảm là một phẩm chất cao quý. Giữa đời thường, vẻ đẹp văn hóa, vẻ đẹp của sự bình yên là một giá trị sống. Một que kem ngon đâu chỉ dừng lại ở giá trị thực phẩm mà còn thể hiện ý nghĩa văn hóa, người làm ra sản phẩm đó đủ tinh tế để nắm bắt và sáng tạo.
Chị Hoàng Thanh Chiều, chủ một quán cà phê ở TP Hà Giang cho biết: “Loại kem này khác với các sản phẩm kem truyền thống về phần nguyên liệu. Bên mình lựa chọn nguyên liệu nhập khẩu cao cấp để đảm bảo kem khi đến tay du khách chụp ảnh check-in trong khoảng thời gian 5 phút đầu sẽ không bị tan chảy nhanh...” (theo: Phan Đậu-Vietnamnet.vn). Du khách đến để check in cùng que kem, chỉ là một thú vui ư? Không hẳn, đó còn là nét đẹp văn hóa, niềm tự hào về mảnh đất bình yên, hiếu khách...
Đọc những chia sẻ này, bất giác nhớ đến những lời than thở của một người làm trong ngành quản lý văn hóa trước đây. Có lần ông nói với tôi: “Sao tụi trẻ đến thăm di tích cứ phải lấy gạch, phấn, mực, sơn... viết lên đó tên tuổi và vô số lời lẽ thiếu văn hóa. Chả lẽ, họ không nghĩ cho tương lai”. Đồng quan điểm với người cán bộ từng trèo đèo lội suối để bảo tồn các giá trị, tôi nói với ông rằng ở phương diện nào đó thì văn hóa là thói quen, có thể người sau học theo người trước, chỉ miễn sao tránh được sự nhắc nhở của bảo vệ chứ chưa có sự nhận thức tự thân. Muốn họ thay đổi cần sự chuyển biến mạnh mẽ hơn...
Còn nhớ, nhà lý luận - phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình từng chia sẻ trên Báo Dân trí: “Hành động vẽ, viết, khắc lên di tích là vi phạm Luật Di sản văn hóa. Vậy nhưng ở Việt Nam, đã bao nhiêu trường hợp được phát hiện và đưa ra xử lý? Đã có cơ quan quản lý nào lên tiếng gay gắt và tìm cách ngăn chặn việc này chưa? Tại sao đến thời điểm này, vấn nạn này vẫn ngang nhiên tồn tại làm nhiều di tích bị xâm phạm và biến dạng?”. Người viết cũng từng thất vọng và lo lắng nhưng rồi đến một ngày chợt nhận ra, cùng với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, bên cạnh những mặt trái cần lên án thì những hiệu ứng tích cực được lan tỏa mạnh mẽ. Người trẻ cũng học được nhiều điều tốt đẹp qua sự lan tỏa ấy chứ không bị động, chạy theo xử lý những hiện tượng xấu.
Cách đây 5 năm, bạn Nguyễn Thị Thanh Nga (sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh) từng tâm sự: “Muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng thì trước hết bản thân mình phải là một người tốt đã. Nghĩa là luôn có ý thức làm nên những điều có ý nghĩa, có ích, dù chỉ là nhỏ thôi nhưng nó có giá trị để lan tỏa. Hiện nay, nhờ sự phát triển rộng rãi của mạng xã hội và internet, chúng ta dễ dàng lan tỏa những điều tốt đẹp đi xa hơn để nhận được sự hưởng ứng của nhiều người, với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ trở nên tốt đẹp hơn” ("Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày" - Báo Thanh niên).
Theo thời gian, một nhịp sống số hình thành khi bạn thức dậy và chạm khẽ ngón tay làm bừng sáng màn hình smartphone và cả thế giới thông tin đã đón chờ bạn. Nhưng, thời điểm đó cũng là thách thức của một ngày mới câu hỏi: Bạn sẽ “gặt hái” được gì từ nhịp sống này? Nhịp sống số sẽ ngày một gọn gàng, hiệu quả, thông minh hơn nhưng vẻ đẹp cuộc sống sẽ luôn là kim chỉ nam như Katrina Mayer từng nói: “Sắc đẹp không phải là vẻ bề ngoài. Nó là ánh sáng chiếu rọi từ bên trong”...
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nhip-song-so-i763204/