Nhịp trống hội Bằng Luân
Không chỉ có giống bưởi quý nổi tiếng, xã Bằng Luân (huyện Đoan Hùng) còn nức tiếng với những màn trình diễn trống hội chuyên nghiệp, độc đáo của Câu lạc bộ (CLB) Trống hội khu 16. Ban đầu chỉ là một CLB của khu dân cư, đến nay, họ đã tham gia biểu diễn không chỉ ở địa phương mà cả ở các tỉnh bạn, góp phần lan tỏa không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh và lưu giữ loại hình nghệ thuật trống hội gần gũi, đặc sắc.
CLB Trống hội khu 16, xã Bằng Luân biểu diễn tại Hội chợ thương mại và du lịch huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái năm 2020.
Sự kết hợp của chiếc trống sấm bên phải, chiếc trống đại ở giữa cùng mười chiếc trống hội và các dụng cụ như thanh la, não bạt… một cách uyển chuyển, nhịp nhàng đã tạo nên màn trình diễn vô cùng rộn ràng, náo nức. Thành viên đội trống hội - những người nghệ sĩ nghiệp dư với đôi tay chai sần nắm chắc dùi, khéo léo, đều tay gõ, đôi chân linh hoạt khi thì nhún nhảy, khi thì quay vòng. Nhịp trống lúc hùng dũng như xung trận, thôi thúc mà dồn dập như phút hộ đê năm xưa, lúc lại khoan thai chậm rãi như niềm vui ngày mùa, mang đến ấn tượng sâu sắc khó quên trong lòng người xem.
Ông Cao Văn Cận dạy con gái cách đánh trống.
Được gắn kết bằng niềm đam mê đặc biệt với âm thanh trống hội, các thành viên trong CLB Trống hội khu 16, xã Bằng Luân dù tuổi đời khác nhau từ 16 đến 70 tuổi, tất bật với nhiều công việc nhưng đều tự nguyện tham gia, đóng góp và nỗ lực luyện tập với tinh thần quyết tâm và kỷ luật cao. Nhiều gia đình có hai đến ba người ở các thế hệ cùng sinh hoạt trong CLB. Ông Cao Văn Cận - Chủ nhiệm CLB nhớ lại: “Năm 2016, cũng vì trăn trở, mong muốn mang đến niềm vui cho con trẻ trong khu dịp Tết Trung thu mà chúng tôi đã đi nhiều nơi để tìm hiểu xem có thể tổ chức hoạt động văn hóa nào mang tính truyền thống, lành mạnh và bổ ích. Từ âm thanh của những chiếc trống ếch, chúng tôi quyết định tập chơi trống và sau đó CLB Trống hội của khu ra đời với 16 thành viên, tạo sân chơi cho những người cùng đam mê”.
Tranh thủ những khi nông nhàn, trên sân nhà văn hóa của khu, với những chiếc trống cũ đơn sơ, các thành viên CLB Trống hội khu 16 cùng tụ họp, bảo ban nhau tập luyện. Để có kiến thức về âm nhạc, biết kỹ thuật chơi trống và tập động tác sao cho đều, đẹp, đại diện CLB đã lặn lội về Nam Định, Thái Bình đón những nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp về dạy trống. Cứ thế, ròng rã suốt mấy tháng trời, gần 40 thành viên CLB hăng say luyện tập không ngơi nghỉ. Từng điệu gõ, từng động tác tay, chân dần trở nên thành thục, nhuần nhuyễn nhịp nhàng.
Các thành viên CLB hăng say tập luyện.
Bộ trống biểu diễn của CLB: Một chiếc trống sấm cao 2,3m được đóng toàn bộ bằng gỗ mít, đường kính mặt trống 2m, bịt da trâu chọi, đóng bằng đinh tre; một chiếc trống đại; mười chiếc trống vừa; mười chiêng; thêm thanh la, não bạt,… mặc dù có chi phí tốn kém, nhưng đều được các thành viên tự nguyện đóng góp để sắm sửa, đóng mới. Từ niềm say mê và sự đồng lòng, các thành viên CLB Trống hội khu 16 đã tập luyện và biểu diễn thuần thục nhiều bài trống, có những bài tự sáng tác mang dấu ấn rất riêng. Những màn trình diễn của CLB dần vượt qua “lũy tre làng”, trở nên chuyên nghiệp, góp mặt ở nhiều sự kiện lớn, nhỏ của địa phương và cả các tỉnh như Tuyên Quang, Yên Bái... gây ấn tượng đặc biệt sâu sắc cho người xem. Bản thân những người “cầm trịch” cho CLB như ông Hoàng Văn Khôi, ông Cao Văn Cận… cũng vinh dự được nhận kỷ niệm chương, giấy khen, bằng khen, bảng vàng vinh danh vì những đóng góp tích cực trong phong trào văn nghệ địa phương và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Sự kết hợp nhịp nhàng của các loại trống và sự linh hoạt của các thành viên đã tạo nên những màn trình diễn vô cùng đặc sắc.
Sau ánh đèn sân khấu, những người nghệ sĩ trống hội nghiệp dư lại trở về tất bật với cuộc sống lao động thường ngày. Nhiều lần phải tạm gác lại công việc riêng, hy sinh những giờ phút nghỉ ngơi ít ỏi nhưng với họ, nhịp trống hội đã hòa chung với nhịp tim, trở thành đam mê, tâm huyết không thể rời. Trong âm vang của tiếng trống hội Bằng Luân, mỗi người dân như được tiếp thêm sức mạnh, thêm hăng say lao động sản xuất và gắn kết gần nhau hơn, cùng nhau gìn giữ, trao truyền loại hình nghệ thuật gần gũi, thân quen mà độc đáo này.
Cẩm Nhung
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/nhip-trong-hoi-bang-luan/189827.htm