NHNN: Kiểm tra chặt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp giảm lãi suất cho vay, ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Các đại biểu tham dự tại cuộc họp trực tuyến về thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất. (Ảnh: Vietnam+)
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chiều 25/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp trực tuyến về thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Dư nợ tín dụng đạt 15,62 triệu tỷ đồng
Báo cáo về diễn biến tình hình lãi suất trong thời gian qua, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thông tin, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ: Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chính phủ có chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác về lãi suất cho vay.
Tại Chỉ thị 01 ngày 20/1/2025 của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo điều hành lãi suất phù hợp diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác, phấn đấu hạ lãi suất cho vay.
Để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời qua hệ thống ngân hàng đã nỗ lực ổn định, kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi kiểm soát chặt chẽ lãi suất, tăng cường không gian minh bạch lãi suất cho vay trên website, giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Quang, trong 2 tháng đầu năm 2025, nhìn chung thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và có dư thừa, thị trường tiền tệ ổn định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở: chào mua giấy tờ có giá hàng ngày, khối lượng kỳ hạn phù hợp để hỗ trợ thanh khoản các tổ chức tín dụng. Từ đó ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Vietnam+)
Ngay từ ngày 30/12/2024, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo gửi các tổ chức tín dụng công khai minh bạch giao mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2025 để các tổ chức tín dụng tự chủ động triển khai thực hiện. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tăng trưởng tín dụng 2025 được giao là 16%. Đến ngày 18/2/2025 dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,62 triệu tỷ đồng, tăng 0,02% so với tháng 12/2024, tăng 16,35% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ 2024 lại giảm 1,01% so với tháng 12/2023.
“Với tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chưa cao, trong cảnh Ngân hàng Nhà nước thường xuyên cung cấp thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, cho thấy hệ thống các tổ chức tín dụng không có áp lực về thanh khoản để dẫn đến việc tăng lãi suất huy động trong thời gian qua,” ông Quang thông tin.
Nhiều giải pháp để hạ lãi suất cho vay
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định lãi suất tiền gửi, yếu tố quan trọng tác động tới lãi suất cho vay.
Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ cấu, tổ chức lại bộ máy hoạt động hiệu quả hơn nữa, tăng cường trách nhiệm xã hội, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả; thường xuyên báo cáo Ngân hàng Nhà nước việc công bố và thực hiện lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Vietnam+)
Tuy nhiên theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, hiện vẫn còn một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi, có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng lãi suất cho vay. Do đó, việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp giảm lãi suất cho vay là rất quan trọng.
"Các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, phấn đấu các giải pháp giảm lãi suất cho vay," Phó Thống đốc yêu cầu.
Chia sẻ tại cuộc họp, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết thời gian qua chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, duy trì mặt bằng lãi suất ổn định. Lãi suất huy động tăng chỉ ở một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ, mức tăng cũng không đáng kể. Cũng có ngân hàng quy mô lớn tăng lãi suất nhưng chỉ diễn ra một vài kỳ hạn.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn ra nền kinh tế; điều tiết tiền tệ chủ động, linh hoạt để hỗ trợ ổn định tỷ giá trong trường hợp cần thiết. Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, chủ động sẵn sàng can thiệp thị trường nhằm ổn định thị trường ngoại tệ trước biến động của kinh tế thế giới và chính sách/chiến tranh thương mại, củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào đồng nội tệ.
Bên cạnh đó, tập trung theo dõi sát động thái của hệ thống tổ chức tín dụng để điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng cường đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động hơn nữa, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay đồng thời tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc, công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiểm tra đối với các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thời gian vừa qua đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là việc công bố lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay, hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp tổ chức tín dụng không công bố công khai thông tin lãi suất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai triển khai lộ trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Chủ động, kịp thời điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam theo mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra từ đầu năm./.