Nhớ Bác qua những dòng lưu bút

'Con thưa Bác, con từ Lăng Bác, từ Thủ đô đến với Bến Nhà Rồng, Phòng Tưởng niệm Bác, để dâng hương, tưởng nhớ đến Người. Con có nhiều điều, nhiều việc, nhiều chuyện muốn thưa với Bác, bằng tất cả lòng kính thương vô bờ, giá như một lần trong đời con được thấy Bác sống và làm việc. Bác ơi, chúng con thương nhớ, Tổ quốc đời đời ghi nhớ!'.

Đó là những dòng lưu bút nhân dịp Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2024), của anh Trần Lê Phương Đông, sinh năm 1996, tại Thái Bình. Đây là một trong vô vàn dòng lưu bút của người dân Việt Nam viết vào trang giấy, trong những cuốn sổ tưởng niệm về Bác, khi đến thăm Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Nơi Bác ra đi, nhân dân nhớ về

Ông Phan Văn Minh, Phó phòng Tuyên truyền-Giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thời gian đầu tới Sài Gòn nay là TP Hồ Chí Minh, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ở nhà ông Lê Văn Đạt, (nay là ngôi nhà số 185/1 đường Cô Bắc, phường Cô Giang, Quận 1). Đầu tháng 6-1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên Văn Ba, đến thương cảng Sài Gòn xin làm công cho tàu buôn của Pháp mang tên Amiral Latouche Tréville thuộc hãng vận tải Năm Sao và cũng từ đây, Người bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước”.

113 năm trôi qua kể từ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, đến nay, các thế hệ vẫn luôn ghi nhớ công ơn của Người.

113 năm trôi qua kể từ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, đến nay, các thế hệ vẫn luôn ghi nhớ công ơn của Người.

Sự kiện ngày 5-6-1911, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh vì sự sinh tồn và phát triển của dân tộc ta. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đi ra thế giới tìm đường cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là sự kiện, mở ra quá trình Việt Nam từng bước hội nhập vào dòng tiến hóa chung của nhân loại, dưới sự dẫn dắt của Người.

Bạn Trần Thái Gia Lâm, sinh viên năm 1, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, đang cùng một nhóm bạn sinh viên xếp hàng ngay ngắn, chỉnh tề dâng hương Bác, tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Từ khi còn học phổ thông tại TP Kon Tum, tôi đã được học và tìm hiểu về di tích Bến Nhà Rồng. Tuy nhiên, được đến tận nơi để tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, trong tôi trào dâng niềm yêu mến, cảm phục và kính trọng Bác hơn”.

Các bạn sinh viên năm 1, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh dâng hương tưởng nhớ Bác nhân kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Các bạn sinh viên năm 1, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh dâng hương tưởng nhớ Bác nhân kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ những hình ảnh, kỷ niệm của Người đã có thâm niên 45 năm hoạt động. Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thế hệ mai sau của dân tộc ta. Đồng thời có nhiệm vụ lan tỏa hình ảnh của Bác tới khách tham quan ở trong nước và thế giới.

Cũng chừng ấy thời gian, những cuốn sổ lưu niệm trong Phòng Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi ngày một dày lên, qua từng trang tới từng quyển. Những dòng lưu bút của cá nhân và đoàn thể, từ trong nước đến nước ngoài gợi lên niềm tự hào, sự xúc động, đong đầy tình cảm yêu thương của những trái tim chân thành, trong sáng, cao đẹp và lòng biết ơn vô bờ bến của nhân dân ta và bạn bè quốc tế kính dâng lên Bác.

Những dòng lưu bút chân thành kính dâng lên Bác

Ông Homero Acosta Álvarez, Tổng thư ký Quốc hội và Hội đồng Nhà nước Cuba đã ghi: “Chúng tôi vô cùng xúc động vì đã có cơ hội một lần nữa đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Hồ Chí Minh. Đây là ước mơ của tôi và hôm nay đã trở thành hiện thực. Chúng tôi trân trọng cảm ơn vì đã lưu giữ đời sống và sự nghiệp của một người mà không ai trên thế giới có thể quên được. Nhân dân Cuba mãi mãi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gửi lời chào anh em!”.

 Ông Homero Acosta Álvarez, Tổng thư ký Quốc hội và Hội đồng Nhà nước Cuba viết lưu bút.

Ông Homero Acosta Álvarez, Tổng thư ký Quốc hội và Hội đồng Nhà nước Cuba viết lưu bút.

Anh Đặng Xuân Tài, người đến từ Ninh Bình thành kính ghi trong sổ tưởng niệm: “Hôm nay chúng con đến đây lòng bồi hồi xúc động, nhớ đến công lao biển trời của Bác. Ơn Bác chúng con mãi mãi ghi sâu trong lòng, truyền từ thế hệ này đến thế hệ sau. Xin nguyện một lòng học tập, rèn luyện, theo gương Bác; góp một phần nhỏ để bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam. Xin dâng nén tâm hương lên Bác!”.

Ngược về quá khứ vào ngày 11-6-2022, người con Đắk Lắk, Hoàng Thị Ngọc viết: “Ấp ủ bấy lâu nay con được về nơi mà Bác đã bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước. Được về đây con rất bồi hồi, xúc động, nhìn lại kỷ vật xưa. Con mãi nguyện ghi nhớ những lời dạy của Người, không ngừng vươn lên trở thành người có ích cho xã hội, để kính dâng lên Bác. Con kính mong Bác sẽ luôn phù hộ đất nước, Tổ quốc, mình giàu mạnh, phồn vinh”.

 Cô gái Hoàng Thị Ngọc nhớ Bác qua những dòng lưu bút.

Cô gái Hoàng Thị Ngọc nhớ Bác qua những dòng lưu bút.

Mỗi nét chữ, mỗi dòng lưu bút của nhân dân ta gửi đến Bác đều thể hiện tấm lòng, chân thành, tinh thần yêu nước của dân tộc ta trong bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Chúng ta đã sống và làm việc với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Với bạn bè quốc tế, họ càng khâm phục tư tưởng, đạo đức, tác phong, niềm tin sắt đá của Người vào cách mạng Việt Nam, khi hiểu thêm một hành trình ban đầu, kéo dài 30 năm (1911-1941) qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia trên con đường đi tìm đường cứu nước của Người. Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. đã trở thành địa chỉ đỏ, là nơi lưu giữ niềm tự hào của dân tộc.

Qua năm tháng, những dòng lưu bút về Bác ngày một dày lên, qua từng trang tới từng quyển.

Qua năm tháng, những dòng lưu bút về Bác ngày một dày lên, qua từng trang tới từng quyển.

“Thưa Bác, thế rồi từ ngày Bác ra đi từ Bến Nhà Rồng tới nay đã hơn một thế kỷ. Đất nước ta nhiều lần thay “áo” mới. Vị thế trong mắt bạn bè quốc tế đã cao hơn rất nhiều, việc Bác làm, công Bác dựng, ơn Bác, chúng con mãi mãi không quên! Nguyện suốt đời học tập, sống và làm việc theo gương Bác; người con xa xứ hôm nay được về với Tổ quốc thân yêu, kính bút!”, là những dòng lưu bút đầy xúc động của chị Bùi Thị Phương Thảo, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng sau những năm định cư tại Hàn Quốc, nay về với quê hương, đất nước đúng dịp Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/nho-bac-qua-nhung-dong-luu-but-779779