Nhờ Báo Nhà báo & Công luận, bí mật thửa ruộng mang tên 'Đồng Chí' được giải mã
Thấm thoắt đã hai mươi mốt năm kể từ những ngày đáng nhớ ấy! Ngày 12 chiến sỹ Vệ Quốc quân được về an nghỉ cùng đồng đội, trong sự tri ân thường nhật của đồng bào.
Hôm nay chúng tôi về lại nơi đây, quang cảnh đã khác nhiều. Chợ La Hiên tấp nập hơn, không còn dáng vẻ của xóm chợ vùng sơn cước ngày nào. Quốc lộ 1B Thái Nguyên - Lạng Sơn tuy vẫn trên nền đường cũ, với những vòng cua nhưng êm ái hơn. La Hiên - Võ Nhai quê hương cách mạng đang thay đổi từng ngày.
Chiếc xe đưa tôi về nơi ghi dấu ấn một kỷ niệm khó quên, kỷ niệm về một bài báo, nói đúng hơn là một mẩu tin ngắn ngủi nhưng đã là tia sáng để mở cánh cửa quá khứ, đưa 12 chiến sỹ ngâm thân xác trong một thửa ruộng, không quan tài, không hương khói trong suốt 50 năm để về với đồng đội tại nghĩa trang huyện Võ Nhai.
Câu chuyện thế này:
Là cán bộ của một nhà máy thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản đóng trên địa bàn xã La Hiên, tôi tham gia và thường xuyên dự các hoạt động của xã, huyện.
Trong một lần dự Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên năm 1997, tôi nghe loáng thoáng có cử tri thị trấn La Hiên nhắc đến một thửa ruộng nào đó có tên gọi thửa ruộng “ĐỒNG CHÍ”. Linh tính mách bảo có gì đó không bình thường. Tôi để tâm tìm hiểu, từ các cụ cao niên ở đây, có kết quả bước đầu rằng nơi đây từng có trận chiến ác liệt giữa bộ đội ta và quân Pháp người dân thu gom liệt sỹ hoặc chứng kiến không còn ai, đơn vị hiện ở đâu ? v.v...
50 năm rồi, mảnh đất và con người cũng đắp đổi nhiều. Xã La Hiên cách huyện lỵ Võ Nhai không xa, khoảng 19 kilomet và cách Thành phố Thái Nguyên 20 kilomet, nằm trên trục Quốc bộ 1B, nhưng vì một lý do nào đó mà suốt 50 năm (1947 - 1997) vẫn chưa có ai phát hiện và đặt một câu hỏi cho thửa ruộng mang tên “Đồng chí”. Tôi đem trăn trở và chất liệu mỏng manh có được xuống gặp nhà báo Phan Hữu Minh (lúc đó là Phó Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, cũng là người hiểu biết về lịch sử Việt Bắc). Anh bảo tôi:
Ngày 15/10/1947, Pháp bất ngờ tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt và bắt sống cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Đường sông chúng cho tầu chiến ngược sông Lô lên Việt Bắc theo hướng Phú Thọ, Tuyên Quang. Đường không chúng cho quân nhảy dù xuống TX. Bắc Kạn, xã Huyền Tụng, Dương Quang. Bộ đội ta đánh trả ngoan cường, các vị lãnh đạo cũng kịp rút về ATK. Tại Võ Nhai, chúng bất ngờ nhảy dù xuống Liên Minh và La Hiên, trận chiến ác liệt, bộ đội ta tổn thất lớn nhưng cơ quan và các vị lãnh tụ kịp rút về ATK Định Hóa qua Phú Lương. Ruộng “Đồng Chí” thể là nơi an táng bộ đội chăng?
Anh Minh đề nghị tôi: Ngoài đăng báo Thái Nguyên, nên thông tin trên tờ Nhà báo và Công Luận, và tờ Quân đội Nhân dân, 2 tờ này phạm vi phát hành rộng, lại có nhiều nhân chứng, biết đâu nhanh tìm ra ngọn nguồn. Biết anh Minh là người có kinh nghiệm. Lần đi tìm mộ liệt sỹ Thôi Hữu (Ủy viên Ban Biên tập báo Nhân Dân) hy sinh tại xã Vô Tranh huyện Phú Lương, anh Minh cũng dùng việc thông tin trên báo nên có kết quả tốt nên tôi làm ngay. Sau khi các báo đăng, nhiều đơn vị và cá nhân đã cung cấp nhiều thông tin quý. Báo Nhà báo và Công luận cử ngay phóng viên về tìm hiểu, viết bài. Các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên… đã trực tiếp kiểm tra tính xác thực của thông tin. Đặc biệt là việc xác định rõ tên, phiên hiệu đơn vị bộ đội chiến đấu trận 15/10/1947, vừa chặn vừa rút theo cơ quan đầu não kháng chiến, những đồng chí còn lại đi tiếp hành trình... dân bản gom xác chiến sỹ, đặt tên... Rồi cùng Ban chỉ huy quân sự huyện Võ Nhai tổ chức khai quật thửa ruộng “Đồng Chí” vào đầu năm 1998. Với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, việc khai quật rất thuận lợi, trong quá trình khai quật đã phát hiện tất cả 12 bộ hài cốt cùng nhiều hiện vật như lựu đạn, mã tấu, quân trang v.v… Vậy là bí mật ruộng “Đồng Chí” được giải mã !
Tuy không xác định được danh tính các chiến sỹ, nhưng 12 bộ hài cốt đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Võ Nhai. Cũng từ ngày đó, các chiến sỹ đã được yên nghỉ cùng đồng đội nơi nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội địa phương thường xuyên hương khói để phần nào làm ấm hương hồn người đã khuất, người đã hy sinh thân mình trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Sống lại kỷ niệm trên hai mươi năm, một phần ôn lại việc chúng tôi đã làm, đồng thời xin gửi một thông điệp tới mọi người rằng hãy quan tâm, tìm hiểu, điều tra chi tiết và phản ảnh trên báo chí, đó cũng là việc làm tri ân đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho chúng ta hôm nay. Với tôi, luôn biết ơn các tờ báo đã luôn giúp ích cho đời.