Nhớ cây xanh trên phố
Có người đã hỏi vui tôi là: 'Nếu như nhớ tới Hà Nội, anh sẽ nhớ gì nhất?'. Quả là một câu hỏi khó. Khó là bởi Hà Nội luôn là nỗi nhớ trong tôi, cả khi đi xa hay lúc ở gần. Nhưng có lẽ điều mà tôi luôn nhớ là những hàng cây trên phố.
Hồn cây và đời người
Và lúc này, bên tai tôi đang vang vẳng ca khúc “Hà Nội những công trình” của nhạc sĩ Quốc Trường. Dường như nhạc sĩ đã nói đúng và nói hộ bao người khi ông viết: “Những con đường rực rỡ nắng vàng/ Những phố phường hàng cây nối hàng/ Gió trong lành nhẹ bay tóc em/ Ngát hương gió trời Thủ đô/ Bên nhau bên nhau xây đời/ Thắm thiết thắm thiết tiếng cười/ Nhớ mãi nhớ mãi khôn nguôi/ Hà Nội đẹp mãi trong tim ta/ Như bản tình ca”.
Tôi nhớ những hàng sấu cổ thụ trên phố Phan Đình Phùng. Nhớ là bởi ngày ngày tôi thường đi dưới tán lá xanh rì, được cây che chở và hưởng những làn gió mát lành. Nhớ những sáng đầu hạ thong thả trên hè phố, một làn gió thoảng qua, hoa sấu rụng trắng muốt trên tóc, hương hoa sấu dịu dàng. Và mùi hương ấy như thổi vào tâm hồn tôi những cảm tình của một thời tuổi trẻ yêu thầm, yêu nhẹ, yêu mà không dám nói ra, yêu mà chỉ đứng nép ở đằng xa để nhìn mái tóc dài của cô bé nhà hàng xóm.
Đó là nỗi nhớ dịu êm. Đã có lần tôi trả lời câu hỏi ấy rằng, nếu nhớ về Hà Nội thì tôi nhớ cây, nhớ tiếng chim lích chích trên vòm lá, nhớ mùi hương của hoa... Giơ tay đón một chiếc lá vàng vừa rụng, đúng như Trần Đăng Khoa ngày nào đã nói: “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Tôi đồ rằng, chỉ có những người yêu màu xanh cây lá lắm mới có được “phát hiện” đầy nhạc cảm đó. Tiếng lá rơi nhẹ, mỏng tang mà thấm sâu vào tận trong lòng.
Còn nhớ cách đây chừng 35 năm, nhà thơ Thế Hùng đã “thốt lên” những lời tự sự trong bài thơ “Mưa lá” của mình: “Mưa lá/ Thu vàng trên tay/ Mùa đông về nhanh quá/ Phố Lò Đúc của tôi/ Cò vẫn bay về/ Cây sao bóng cả/ Sớm chiều em đi/ Thảm lá/ Mưa cứ rơi/ Tầm tã/ Vàng rơi.../ Sao em hững hờ qua phố tôi/ Vô tình mùa lá rụng/ Em có biết/ Lá lìa cành trong chiều đông lạnh/ Cây chưa áo thay/ Ngượng nghịu trước xuân về”. Trong những ngày thu này, những câu thơ tựa lời tự sự ấy như gợi lên bao nỗi nhớ thương, bao niềm trăn trở. Đường phố Hà Nội sẽ ra sao nếu thiếu những hàng cây trên phố? Tôi tự hỏi và tự trả lời: Sẽ là một nỗi nhớ thương vời vợi. Đường phố Hà Nội với những hàng cây nối hàng cây đã bền bỉ qua bao tháng năm. Bền bỉ dưới mưa bom giặc Mỹ và bền bỉ trước mỗi đợt bão giông. Dường như trải qua những thử thách đôi khi đến khắc nghiệt thì đường phố Hà Nội lại như mướt xanh thêm, lại như dịu dàng hơn lên.
“Che Hà Nội bình yên trong gió bão”
Người Hà Nội sau những biến cố bao giờ cũng vươn lên mạnh mẽ. Cơn bão số 3 vừa tràn qua hồi đầu tháng để lại những hậu quả “thảm khốc”. Đã có biết bao nhiêu cây xanh trên phố ngã đổ. Mới hôm qua thôi, khi tôi ngồi quán nước đầu ngõ nhìn phố Lý Nam Đế, thấy công nhân Công ty Công viên cây xanh đang hối hả dọn dẹp cây cối bị bão đánh rơi đổ trên hè. Tiếng máy cẩu rền to khiến tôi chú ý, phía đó những người công nhân đang cẩu đi một gốc xà cừ bị đổ. Ông Nhung, người bán nước đầu ngõ xót xa bảo: “Cây đó cũng phải trăm tuổi rồi”. Rồi ông khẽ thở dài: “Tiếc quá ông ạ”.
Đúng là tiếc, vô cùng tiếc một khi có một cây xanh nào đó trên phố bị chết hay bị đổ do gió bão. Đã đành con người không cản được sự tàn phá dữ dội do thiên nhiên, nhưng con người với lý trí của riêng mình vẫn có thể ngăn chặn hoặc hạn chế được sự hủy hoại từ thiên nhiên đó. Có người chép miệng: “Cây trồng nông chẹt thế kia làm sao không đổ?”. Lại có người bảo: “Nếu trồng từ khi cây còn nhỏ thì sẽ bền vững hơn, bởi cây lớn tới đâu rễ ăn sâu tới đó”. Nhưng bây giờ, cây to được mang từ nơi khác về trồng, rễ cọc đã bị chặt đến sát gốc để dễ vận chuyển. Cây ấy cho dù có được chống bằng cọc sắt thì cũng chẳng thể chịu được sức mạnh của gió.
Tôi nhớ đến bài hát “Tình cây và đất” của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Nhạc sĩ tưởng viết “đâu đâu” về cây và đất lại hóa ra lại nói về chúng ta, nói về thái độ của chúng ta đối với đất và cây. Ông nói về mối quan hệ biện chứng rất gần mà đôi khi chúng ta quên mất: “Đất vắng cây đất ngừng ngừng hơi thở/ Cây thiếu đất cây sống với ai/ Chuyện trăm năm ân tình cây và đất/ Cây bám rễ sâu đất ôm chặt tận đáy lòng/ Những con đường trải dài bóng mát/ Những mảnh vườn trái ngọt cây xanh/ Ôi đẹp làm sao tình cây và đất/ Đem đến môi sinh mạch sống cho đời”.
Nữ thi sĩ tài hoa Xuân Quỳnh cũng đã viết trong bài thơ “Cây Hà Nội” về một thời chinh chiến, nhưng giá trị của nó vẫn sống đến tận bây giờ: “Người trồng cây cầm súng ra đi/ Cây ở lại ngóng tin người chiến thắng/ Ta trồng phi lao dọc lối sông Hồng/ Che Hà Nội bình yên trong gió bão/ Đường Thanh Niên cây kim phượng ta trồng/ Bóng đã đủ che người ra mâm pháo/ Đường Nguyễn Du giấc ngủ dậy không chừng/ Hương hoa sữa lay màn thức giấc/ Dừa soi mặt hồ vườn hoa Thống Nhất/ Mới 5 năm đã bói quả mùa đầu/ Chưa kịp hái mà! Xin hẹn mùa sau”.
Vẫn còn đâu đây dưới bóng cây trên phố, những đứa trẻ líu lo cắp sách tới trường, những cặp tình nhân đan tay nhau dạo bước, và cả những người già chậm chạp, tất cả đều đi dưới tán lá chở che. Tôi nghe trong tim vang lên những câu nói đó, những câu nói là những khoảnh khắc đẹp từ chính cuộc sống thường nhật của người Hà Nội. Ôi cây xanh! Cây xanh trên phố. Trời Hà Nội vào thu, nét thu đầy quyến rũ. Như rủ tôi lạc tới bến yêu thương. Và tôi muốn nhắc lại, nhắc thêm câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Ta nhớ mãi đi nơi nào cũng nhớ/ Cây sao đen dọc đường phố chợ/ Mùa đông về không biết rét cứ xuân/ Ta ra đi còn nghoảnh lại tần ngần”.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nho-cay-xanh-tren-pho-post590269.antd