Nhớ chuyện tập xe…

Chiều nay, tôi cho con tập đi xe đạp. Con gái tôi run rẩy và thích thú đạp những vòng quay đầu tiên. Tôi giữ hai vai con, động viên: 'Nhìn thẳng về phía trước và đừng run sợ'.

Tôi nhìn theo cô con gái bé xíu ngồi trên chiếc xe đạp nhỏ, chợt thấy việc tập xe đạp với bọn trẻ ngày nay thật nhẹ nhàng. Đợi con lớn thêm chút nữa, tôi sẽ mua chiếc xe lớn hơn, vừa với người của con. Như thế sẽ chẳng còn cái cảnh tập xe đến nỗi ngã sứt đầu mẻ trán như tôi ngày xưa. Cũng là chuyện tập xe mà sao cái thời của chúng tôi lại khó khăn đến vậy?

Hồi ấy, tôi khoảng chín, mười tuổi, người quắt đét như con cá mắm, hằng ngày cùng các bạn cuốc bộ ngót năm cây số trên con đường đất đỏ để tới trường. Ngày nắng thì người phủ một lớp bụi dầy còn ngày mưa thì bùn bắn lên tận mặt. Nhưng tôi cũng như các bạn, coi điều ấy là một việc bình thường. Đi xe đạp với chúng tôi là một điều gì xa xỉ lắm. Đứa nào biết đi xe đạp chứng tỏ đứa ấy đã ở một đẳng cấp khác. Thế nên chúng tôi thường nhìn những chiếc xe đạp của người lớn bằng ánh mắt thèm thuồng. Nhưng không dễ gì thuyết phục người lớn cho chúng tôi tập xe.

Minh họa: MẠNH TIẾN

Minh họa: MẠNH TIẾN

Bố tôi có một chiếc xe đạp Thống Nhất được gắn biển số ở khung xe. Đó là chiếc xe xịn nhất trong những chiếc xe ở xóm tôi. Nhưng lại là xe nam, có thanh ngang nối từ yên xe đến chỗ cổ phốt cho chắc chắn. Vậy mà tôi vẫn quyết tâm tập trộm xe lúc bố vắng nhà. Tôi gọi đồng minh là đứa bạn hàng xóm sang để giữ thăng bằng. Tôi dắt chiếc xe kềnh càng ra sân, vẹo sườn chui tọt người vào cái khung hình tam giác. Đứa bạn tôi bấu vào gác ba ga và đẩy phía sau còn tôi gồng mình lên nhấn chiếc pê đan to như cái bàn cào. Được hơn một vòng sân, mệt quá, bạn tôi bỏ tay ra, tôi loạng choạng đâm sầm vào cây rơm. Không có cảm giác đau, chỉ thấy sợ. Không nghĩ mình sẽ bị sứt đầu mẻ trán gì. Chỉ sợ nhỡ chiếc xe bị hỏng hóc thì coi như chết chắc. Tôi lồm cồm bò dậy rồi dựng xe lên kiểm tra một lượt. Chiếc xe không hề hấn gì. Biển số không bị cong vênh. Xích không bị tuột. Đến lúc ấy, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm rồi gỡ rơm mắc đầy trên tóc của nhau. Tôi khệ nệ dắt xe vào buồng rồi khép cửa lại trước khi bố về. Đứa bạn tôi lại trèo qua hàng râm bụt về nhà. Chỉ có đống rơm vẫn tung bành in dấu cú ngã của kẻ tập đi xe đạp trộm.

Được một lần trót lọt, vài hôm sau, tôi lại gọi đứa bạn sang để tập xe. Lần này chúng tôi ra hẳn ngoài đường tập cho oách. Nó đẩy cho tôi đạp, đến khi nào tôi quen thì nó sẽ bỏ tay ra cho tôi tự giữ thăng bằng. Tôi rất hăng, vẹo cả sườn để đạp, phần vì đã quen xe, phần vì muốn mau chóng được lên một đẳng cấp mới, tôi giục nó bỏ tay ra. Nhưng chỉ ngay sau đó, tôi đã không còn điều khiển được chiếc xe to quá khổ so với người mình. Chiếc xe tồng tộc lao xuống dốc rồi đổ rầm một cái. Hai bánh xe chổng vộc, những chiếc nan hoa quay tít trước mắt tôi. Tôi lóp ngóp bò dậy, xuýt xoa, đưa tay lên ôm đầu. Máu trào ra, dính cả vào tay. Thì ra đầu tôi bị đập vào một hòn đá ở vệ đường. Bạn tôi chạy đến, mặt cắt không còn hạt máu. Tôi hoảng hốt nhìn bàn tay dính máu rồi lại nhìn chiếc xe. Một nỗi sợ hãi khủng khiếp ùa tới. Hình ảnh bố hiện ra trong tâm trí tôi.

Lần ấy về nhà, bố cho tôi vài roi lằn mông. Tôi biết mình sai nhưng vẫn giận bố. Tôi nghĩ rằng bố xót xe chứ có xót gì tôi. Bố quý chiếc xe hơn tôi nên dù tôi có bị ngã toạc cả đầu thì bố vẫn cứ đánh tôi. Ý nghĩ ấy vẫn âm thầm dai dẳng trong tôi để đến giờ, khi cho con tập xe, tôi mới hiểu. Bố lo sợ tôi sẽ gặp phải những điều bất trắc từ chiếc xe đạp to quá khổ. Bố muốn tôi khi nào đủ lớn thì mới tập xe cho vừa với người mình. Thế là từ chuyện tập xe, tôi lại nghĩ đến đời sống này. Cái gì cũng nên vừa với mình thôi thì sẽ không phải gánh lấy những hậu quả đáng tiếc. Nhưng nếu cái gì cũng chỉ trong giới hạn nhỏ bé vừa vặn với chính mình thì lấy ai là người dám thất bại để thành công?

Tản văn của NGUYỆT CHU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nho-chuyen-tap-xe-580944