Nhớ hồi chuông nguyện những anh hùng
Đã trở thành thông lệ, vào dịp nghỉ lễ 30.4 hằng năm, Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Huế tổ chức những chuyến hành hương về chiến trường xưa, hoặc viếng mộ, dâng hương cho những đồng đội đã không về sau chiến tranh ở các nghĩa trang liệt sĩ.
Ấn tượng nhất là những chuyến thăm chiến trường Tây Nguyên, thăm cột mốc và Nghĩa trang Liệt sĩ ngã ba Đông Dương, thăm biên giới Lệ Thanh và Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, thăm chiến trường khu Năm và khu lưu niệm Đặng Thùy Trâm, thăm sân bay Tà Cơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, rồi nhiều lần thăm Thành Cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, Ngã ba Đồng Lộc...hoặc có những chuyến đi dài ra tận các tỉnh biên giới phía Bắc. Chuyến đi về vùng đất lửa Quảng Trị vừa qua là một chuyến đi ngắn nhưng đầy ý nghĩa, để lại ấn tượng khó phôi pha trong lòng mỗi chúng tôi. Đến nghỉ tại Khách sạn Hữu Nghị (TP. Đông Hà) rồi ra thăm đảo Cồn Cỏ anh hùng, hôm sau về dâng hương Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.
Đảo Cồn Cỏ với diện tích “bé hạt tiêu trông vời biển cả” (Xuân Diệu), chỉ 2,3km2 , trước thuộc xã Vĩnh Quang, ngày 1/10/2004 tách ra thành huyện đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi tiền tiêu được Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ngưỡng vọng. Mỹ đã trút xuống nơi đây hàng vạn tấn bom đạn các loại. Cuộc chiến đấu kiên cường của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã lập nên kỳ tích: bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền các loại, vinh dự được hai lần tuyên dương danh hiệu anh hùng; 5 cá nhân là Thái Văn A, Nguyễn Văn Mật, Cao Văn Khang, Cao Tất Đắc và Bùi Hạnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND...
Với những chiến công lẫy lừng, vang dội cả thế giới, Cồn Cỏ không chỉ là vết son trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc mà còn chói lọi thăm thẳm trong văn xuôi của các tác giả như Hồ Phương (tập ký sự Chúng tôi ở Cồn Cỏ), Nguyễn Khải (tập ký sự Họ sống và chiến đấu và tiểu thuyết Ra đảo) và lộng lẫy trong thơ của Hải Bằng, Nguyễn Trọng Oánh, Hồ Khải Đại, Cảnh Trà và nhiều người khác nữa. Thậm chí, một nhà thơ lớn như Xuân Diệu cũng có bài thơ Cồn Cỏ sáng tác còn dang dở, mà cả đời ông coi đây là một món nợ chưa trả được (Đi trên đường lớn, Nxb Văn học, 1968).
Ngày nay, Cồn Cỏ là nơi còn nhiều hoang sơ với nhiều dấu vết tàn phá của chiến tranh, là điểm trọng yếu về quân sự để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Dân cư còn thưa thớt, chỉ mấy chục hộ, một trường mẫu giáo nuôi dạy mười mấy cháu...Chúng tôi nghỉ qua đêm ở Trung tâm y tế huyện, chỉ có cột cờ sừng sững về phía Đông của đảo là thắm đỏ cả một vùng trời non nước. Ngay cả phương tiện ra đảo, lâu nay phải nhờ vào tàu quân sự hoặc tàu nhỏ của dân biển nhưng nay đã có tàu lớn thường xuyên vào ra trên đảo.
***
Và, trong cái thảm cỏ xanh bình yên, dưới bầu trời trong xanh hòa bình, đong đưa từng giọt nắng sớm mai, lấy lại thăng bằng sau thời bom rơi đạn nổ, tôi và đồng đội của tôi-những người còn may mắn được trở về sau chiến tranh, đến với mùi nhang khói chuông rung ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.
Quảng Trị là tỉnh có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 trong hơn 10.500 mộ có hơn 6.000 mộ vẫn chưa xác định được tên tuổi, hơn 1.000 mộ có tên tuổi nhưng chưa xác định được quê quán, chỉ có 3.227 mộ đã xác định rõ được tên tuổi, quê quán, được mai táng theo từng tỉnh, thành, phân bổ theo 14 khu vực liên hoàn theo từng địa phương. Tượng đài chiến thắng cao 18m, bệ tượng đài được kiến trúc thành hai mộ: mộ tượng phía Đông tượng trưng cho sự đổ nát của Thành Cổ Quảng Trị, mộ tượng phía Tây tượng trưng cho Trường Sơn hùng vĩ, còn phần tượng là anh bộ đội, cô thiếu nữ và em bé người Lào, thể hiện tình đoàn kết quân dân ta với nước bạn Lào anh em.
Khu hành lễ gồm nhà tưởng niệm, 2 bức phù điêu và 4 cụm tượng. Nhà tưởng niệm 90m2 , 4 trụ tròn, 4 mái, trên đỉnh có gắn ngôi sao năm cánh, bên trong có lư hương, xung quanh 3 phía có 3 mảng phù điêu. Mảng giữa nổi lên hàng chữ vàng suy tôn “Tổ quốc ghi công các liệt sĩ”. Bốn cụm tượng đặt 4 góc. Phía trước khu hành lễ là Đại hồng chung nặng mấy chục tấn đặt tại tháp chuông, do các tổ chức và cá nhân phát nguyện hiến tặng. Trên thân chuông có khắc lời đề từ của Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu: “Hồi chuông vị quốc rung Nam Bắc/ Ngọn lửa anh linh rực đất trời/Muôn dặm lừng vang đường số Chín/ Nghìn thu còn mãi tuổi hai mươi”.
Tôi đứng quan sát toàn cảnh của khu nghĩa trang, dưới bầu trời trong xanh, với những hàng thông reo vi vút, bầy bồ câu vỗ cánh, vang vọng những âm thanh của khát vọng hòa bình. Trong tổng thể kiến trúc hài hòa về màu sắc, âm thanh giữa các cụm tượng đài, phù điêu, trong không gian trầm hương nghi ngút, hòa quyện trong tiếng chuông nguyện cầu, không hiểu sao trong tâm thức của tôi như có ai cào cấu, mở toang ra cái không gian tâm tưởng/không khí đòi hỏi riết róng phải chấm dứt chiến tranh, vun xới những khát vọng hòa bình trong thế giới nghệ thuật của Héminhway (Chuông nguyện hồn ai, Giã từ vũ khí...), điều đó giải thích vì sao một người hai lần đăng lính như ông, lại có thể bước lên bục vinh quang của giải thưởng Nobel về văn chương.
Trong đoàn chúng tôi có PGS.TS Hoàng Văn Hiển cũng từng là lính trinh sát, xông pha trận mạc ở chiến tranh biên giới phía Bắc, có một nhận xét chính xác rằng, ở Thành Cổ Quảng Trị và thành phố Đông Hà hầu như không có một cây cổ thụ nào, bởi chiến tranh tàn phá, lại cằn cỗi gần nửa thế kỷ qua trong nắng gió rang cháy đến lụi tàn. Đông Hà trong cái nắng tháng Tư như dội lửa, tôi bỗng nhớ hai câu thơ của cố thi sĩ Phương Xích Lô: “Thị xã em xài toàn đồ ngoại/Đến gió thôi, cũng gọi gió Lào...”.
Không phải chỉ ở các nghĩa trang liệt sĩ như Vị Xuyên (Hà Giang), Đồi A1, Đồi Độc Lập (Điện Biên), Đức Cơ (Gia Lai), Ngã ba Đông Dương (Kon Tum)... mới nhiều những ngôi mộ chưa xác định được tuổi, tên, mà trong số 10.500 những người đang nằm trong gió Lào cát trắng kia, ở một nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, đã có 7.273 mộ chưa xác định tên tuổi, quê quán. Hóa ra, những người ngã xuống trong chiến tranh không tìm ra tên, tuổi bao giờ cũng nhiều hơn những người có tên, có tuổi. Họ thuộc về số đông, thuộc về Nhân dân. Và, chính họ mới là những anh hùng chứ không phải ai khác. Ngay ở Cồn Cỏ, ngoài những Thái Văn A, Nguyễn Văn Mật... mỗi hạt bụi nơi đây cũng hai lần anh hùng cơ mà!
Bút ký: Phạm Phú Phong