Nhớ mãi những bát cơm nóng từ bếp Hoàng Cầm
Đã 93 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Cóc (tổ 6, phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình) vẫn còn minh mẫn. Ông được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ngày tháng Năm, ký ức năm tháng hào hùng lại trở về. Bên cạnh ký ức về những trận chiến, những hy sinh, gian khó, ông cũng không thể quên tinh thần đoàn kết, sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau của đồng đội trên chiến trường. Giản đơn như bát cơm nóng sau trận đánh cũng là bao nỗ lực của các chiến sỹ cấp dưỡng, nuôi quân.
Đã 93 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Cóc (tổ 6, phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình) vẫn còn minh mẫn. Ông được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ngày tháng Năm, ký ức năm tháng hào hùng lại trở về. Bên cạnh ký ức về những trận chiến, những hy sinh, gian khó, ông cũng không thể quên tinh thần đoàn kết, sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau của đồng đội trên chiến trường. Giản đơn như bát cơm nóng sau trận đánh cũng là bao nỗ lực của các chiến sỹ cấp dưỡng, nuôi quân.

Bếp Hoàng Cầm được sử dụng trong huấn luyện dã ngoại của cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình.
Ông nhớ lại: Trong chiến tranh, việc nấu ăn khó giấu kín được vì ban đêm thấy lửa, ban ngày thấy khói. Rất nhiều thương vong của bộ đội xuất phát từ việc "khói bốc lên giữa rừng”. Do đó, bộ đội thường xuyên phải ngày 2 bữa cơm nắm, uống nước lạnh giữa rừng.
Làm thế nào để anh em chiến sỹ, nhất là thương binh được ăn nóng, uống nóng để tăng cường dinh dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe? Đó luôn là câu hỏi đau đáu, trăn trở của các anh nuôi, trong đó có anh nuôi Hoàng Cầm - anh hùng nuôi quân. Ông nguyên là tiểu đội trưởng nuôi quân của Sư đoàn 308.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trước sự áp đảo về phương tiện và vũ khí chiến tranh, "bí mật” là phương châm hàng đầu của Quân đội ta, được quán triệt tuyệt đối ngay từ công tác hậu cần. Đông Xuân 1951 - 1952, trong chiến dịch Hòa Bình, Sư đoàn 308 chiến đấu trên hướng chính của chiến dịch dọc tuyến sông Đà từ thị xã Hòa Bình về Trung Hà (Sơn Tây). Cuộc chiến đấu giữa ta và địch rất quyết liệt, thương binh của ta nhiều. Nhu cầu có cơm nóng, nước nóng, nước sôi để sát trùng dụng cụ y tế rất cấp thiết. Qua nhiều ngày đêm suy nghĩ, ông bỗng nhớ việc đắp bếp nấu cám lợn ở quê nhà. Bà con thường dùng đất dẻo đắp bếp, đắp to, đắp nhỏ tùy theo nồi nấu, hai bên bếp để 2 lỗ thoát khói, nhiệt trong bếp rất tập trung mà ánh sáng không tỏa ra ngoài. Vừa thử nghiệm, vừa nghiên cứu cải tiến, vậy là bếp Hoàng Cầm đã ra đời từ chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952) và dần được áp dụng phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bếp có nhiều đường rãnh thoát khói, nối liền với lò bếp, bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn là một dải hơi nước và tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Do đó có thể nấu bếp ban ngày, tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao.
Bếp Hoàng Cầm nấu được cả ban ngày và ban đêm mà không sợ lộ khói lửa. Anh em thương bệnh binh, chiến sỹ được ăn nóng, uống nóng, ai cũng phấn khởi. Bếp được nhanh chóng phổ biến, sử dụng rộng ra toàn quân và dân công hỏa tuyến.
Bộ đội ta đã đào hầm đủ sâu, rộng để đun nấu ngay trong hầm vừa an toàn, hiệu quả. Hầm có chỗ để củi dự trữ, không còn tình trạng cứ đêm đêm phải đi kiếm củi. Hàng ngày các anh nuôi có thể yên tâm đi lại đun nấu, mặc cho địch bắn tứtung, cứ đến giờ ăn sáng, chiều là có đủ cơm canh ngon lành, nước nóng cho đồng đội.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bếp Hoàng Cầm đã phát huy được hiệu quả cao, đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, tránh được sự phát hiện của máy bay địch, hạn chế thương vong cho quân ta. Bếp Hoàng Cầm hoàn hảo với mục tiêu giấu lửa, giấu khói theo phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Bếp Hoàng Cầm góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của chiến dịch Điện Biên Phủ.