Nhớ mai rừng

'Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ'. Ngày tết, mùa xuân, nếu không có các loại hoa khoe sắc thắm, tô điểm đủ màu thì chắc thiếu đi một nửa hồn xuân. Sau một năm cật lực, miệt mài làm việc, lòng người như chợt nhẹ ra vào những ngày giáp tết, thong thả nhìn lại những thành quả mà mình đạt được. Những ngày cuối năm, ngoài chuẩn bị lương thực, thực phẩm thiết yếu cho 3 ngày tết. Mọi người Việt đều nghĩ đến việc lo hoa tết để chưng cúng trên bàn thờ tổ tiên và các loại hoa khác trang trí trong nhà để đón nàng xuân, trong đó hoa mai ngày tết là loại hoa không thể thiếu.

Nhớ mai rừng

Ngoài Bắc có hoa đào, trong Nam có hoa mai, phong tục xưa nay vẫn thế, nhà nhà ai cũng noi theo. Nhưng theo thời gian, cách thức chơi và chọn mai cũng đổi khác. Ngày trước ít có mai nhà trồng trong sân hay trồng trong chậu như bây giờ, chỉ có những ngôi nhà cổ, trong những xóm làng xưa truyền thống mới có. Duy nhất, muốn có mai chưng ngày tết là phải vào rừng. Song, nghề chơi nào cũng lắm công phu, để biết và chịu khó theo đoàn đi rừng tìm chọn được nhành mai ưng ý là không dễ. Còn nếu không, chỉ có cách mang tiền ra chợ hoa tết cuối năm. Tỉnh Bình Thuận nằm nơi vùng đất cực Nam Trung bộ này, trải dài từ Bắc vào Nam, cây mai có nhiều nơi các vùng rừng núi. Từ dốc Dài, Long Hương, Tuy Phong đến vùng cao Sông Mao, Bắc Bình. Từ rừng lá Hàm Tân, Hàm Thuận Nam đến miền ngược Tánh Linh, Đức Linh, nơi đâu cũng có mai rừng. Riêng vùng Phan Thiết, hai nơi có mai đặc sản là mai thơm ở núi Cố Phú Hài và mai sẻ ở nhiều vạt rừng cao Hàm Thuận Bắc, Ngày trước, rừng còn nhiều, cây mai mọc xen kẽ trong những loại rừng cây, có khi mọc thành đám, thành vạt như rừng. Cây mai mọc tràn lên kẻ đá, mọc treo lơ lửng bên triền dốc ven suối, ven đèo. Có nhiều cây rất lớn do lâu năm không có ai đặt chân đến nên không phát hiện, ra giêng hoa nở vàng thắm cả núi rừng. Cây mai duy trì giống bằng cách ra hoa rồi kết trái, trái chín đen thì rụng xuống đất, rồi tự ý trời mưa hay gió bão, hạt hoa đi tới đâu bị kẹt lại hoặc vùi lấp chỗ nào thì mọc lên ở đó, rồi cứ thế phó mặc nắng mưa, cây mai âm thầm, gian khổ tự vươn lên mà sống để sau này mang lại cho đời những chùm hoa tươi đẹp.

Mai rừng được bày bán tại chợ tết. Ảnh: Đ.Hòa

Muốn có được cây mai rừng để chơi ngày tết, hay để bán cho khách chơi nơi chợ. Tầm từ ngày 10, 12 tháng chạp (âm lịch), mọi người đã lũ lượt vào rừng. Nếu chỉ phục vụ cho nhà mình hay cho một vài người thân trong tộc họ thì rủ nhau vài ba người đi xe đạp, mang theo cơm nước, khuya sớm đi chiều tối về, xa hơn nữa thì phải đón xe đò. Khi đã đến rừng, vào đến chỗ có mai mọc thì tản ra tự mỗi người đi tìm cây mai mình thích, nếu đi lần đầu không biết thì phải đi theo người khác, trong rừng dễ lạc nhau nên phải hú chừng chừng để biết nhau tìm đến. Còn chặt mai về bán thì phải đi xe bò hoặc xe lửa, đi theo nhóm khoảng năm sáu người, ở lại rừng vài ba ngày, chia nhau chọn chặt rồi xếp lên xe mang về. Cây mai mọc nhiều nên tha hồ lựa, nhưng do mai mọc tự nhiên nên ít có dáng đẹp. Cây to cao có khi lại ít nhánh, ít nụ bông, còn cây nhỏ nhánh xuông lại có nhiều búp, nên phải lựa chặt xong rồi ghép bó nhiều nhánh vào gốc để tạo dáng cho một cành mai đẹp có nhiều hoa. Chặt mai xong, phải lặt lá mai ngay tại chỗ để tiết giảm cho cây không nuôi lá mà dành nhựa để nuôi bông. Lặt lá xong, đốt lên đống lửa nhỏ tại rừng, thui sơ qua gốc mai đã chặt, mục đích là không cho nhựa cây chảy ra từ vết chặt, dễ làm cây suy yếu, kinh nghiệm này ít người biết. Kể cả khi mang mai về nhà mà quên ngâm nước từ rừng, cũng như khi ngâm nước mai mà lại quên dùng dao cạo sạch chỗ thui, để cây mai được tiếp xúc nhiều với nước, mang đủ nước lên nuôi cây và hoa. Làm cho cành mai búp nở không đều, hoa mai không vàng, không thắm và mau rụng.

Chợ tết nhóm phiên thường vào ngày 26, nhưng chợ hoa thì có trước chừng khoảng ngày 20, người dân ở miệt Đại Nẫm, Phú Hội, Mương Mán hay Thiện Giáo, Ma Lâm chuyên về nghề này. Xe đạp hay xe bò, họ đặt những cây, những bó hoa đã được cột chặt vào trong chậu hay thùng nước, rồi gánh gồng hay chở xuống họp phiên nơi bờ sông giữa phố để bán. Giá bán hoa thì theo cách nhìn, cách tính của người bán. Khi thấy chợ ít hoa, ít người bán thì nâng cao giá, hoa đẹp dáng đẹp lại càng bán giá treo. Nhưng cuối cùng là sự thỏa thuận, bởi có được một cây hoa mai ngày tết đẹp, nhiều nụ búp hứa hẹn được nhiều hoa và kịp nở trong đêm giao thừa thì giá mấy người ta cũng có thể mua... Mai có gốc, có tàn càng lớn giá càng cao, mai bó từ nhiều nhánh, nhiều cành, dù cho có hoa nhiều giá bán cũng thấp. Vui nhất là đọ giá mai vào những ngày cuối phiên chợ, ngày 29, 30. Đọ được giá thì bán giá khá cao, được nhiều tiền, còn không thì đành ngậm ngùi gác mai vào tường nhà ai đó hoặc vào thân cây trụ đèn rồi len lén ra về vì đến giờ đó không còn ai mua nữa. Bây giờ thời thế đã khác, mai được trồng theo kỹ thuật mới, tạo dáng cầu kỳ, cho ra hoa đúng theo ý muốn. Sản xuất, mua bán theo công nghiệp, hình thành những vùng hoa chuyên canh, nhìn dáng uốn, nhìn cánh hoa nở, nhìn chậu cảnh đặt hoa, người mua đã biết hoa mai trồng ở vùng nào.

Dù sao thì cái thú chơi mai rừng do chính tự mình đi vào rừng, tự mình chọn cây để chặt, rồi chăm sóc để hoa nở đúng dịp, đẹp nhà, vui tết vẫn thú hơn rất nhiều khi được trải nghiệm. Mang tiền đi mua mai về chưng ngày tết là một niềm vui, nhưng vẫn thấy thiếu một tình yêu và sự rung động như chơi hoa mai rừng đón xuân ngày trước.

Nguyễn Dũng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/nho-mai-rung-133654.html